06/03/2009 06:42 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH Cuối tuần) - Vào ngày 14/4/1930, tại phòng làm việc của nhà thơ Xô Viết Vladimir Mayakovsky vang lên tiếng súng. Từ đó đến nay vẫn diễn ra những cuộc tranh luận: Nhà thơ tự tử hay bị giết? Chỉ nhờ cuộc điều tra của các nhà thám tử ngày nay, sự thật mới phần nào được đưa ra ánh sáng. Giáo sư A.V.Maslov, người tham gia cuộc điều tra, đã tiết lộ những thông tin thuộc loại bí mật này trên tờ Luận chứng & Sự kiện của Nga.
Cái chết nhiều nghi vấn
Giả thuyết cho rằng Mayakovsky tự tử làm dấy lên nhiều nghi vấn. Một trong những nghi phạm là nữ nghệ sĩ Veronika Polonskaya của Nhà hát kịch Tchekhov ở Moskva. Người ta đều biết rằng, Mayakovsky từng đề nghị Polonskaya ly dị với chồng là Yashin để lấy mình. Và Polonskaya là người đã có mặt trong phòng của Mayakovsky trước khi ông qua đời. Tuy nhiên các cuộc điều tra đã chứng minh rằng, chỉ sau khi Polonskaya ra khỏi phòng thì tiếng súng mới vang lên. Điều đó đồng nghĩa với việc nữ nghệ sĩ này không thể là người bắn nhà thơ.
Giả thuyết cho rằng Mayakovsky chịu sức ép tâm lý quá lớn do bị giới phê bình chỉ trích cũng không mấy thuyết phục. Bởi, bộ não nhà thơ hiện đang được lưu giữ tại Viện não không cho thấy điều này. Các chuyên gia của Viện não nói rằng: “Xem xét bên ngoài bộ não thì không thấy có biểu hiện nào bất thường”.
Mayakovsky và Lilya Brik khoảng năm 1918-1920
Khoảng 15 năm trước đây, trong chương trình truyền hình Nga mang tên Trước và sau lúc nửa đêm, nhà báo nổi tiếng V.Molchanov đưa ra chi tiết: Bức ảnh chụp Mayakovsky sau khi chết cho thấy trên ngực ông có dấu vết của hai phát súng.
Điều này được một nhà báo khác, V.Skoryantin, chia sẻ phần nào. V.Skoryantin đã tiến hành cuộc điều tra khá có sức thuyết phục. Nhà báo này cho rằng chỉ có một phát đạn, nhưng có ai đó đã bắn Mayakovsky. Theo nhận định của V.Skoryantin thì đó là Agranov, lãnh đạo Ban cơ mật thuộc Cơ quan an ninh Liên Xô (cũ) - KGB. Đây cũng chính là người đã kết giao với Mayakovsky. Như vậy, giả thuyết đặt ra: Agranov nấp ở một căn buồng trong nhà của Mayakovsky và chờ Polonskaya đi khỏi thì bắn chết nhà thơ, rồi dàn dựng việc để lại bức thư tuyệt mệnh và thoát ra ngoài bằng một lối đi bí mật. Sau đó chính Agranov xuất hiện cùng các nhân viên an ninh để điều tra cái chết của Mayakovsky.
Giả thuyết trên quả là đáng quan tâm nhưng lại không được xem xét suốt một thời gian dài. Trong quá trình điều tra, V.Skoryantin còn nhắc đến chiếc áo mà Mayakovsky mặc khi chết: “Tôi quan sát chiếc áo. Thậm chí có soi kính lúp cũng không tìm thấy dấu vết của thuốc súng ngoài các dấu máu còn in khá đậm”.
Chiếc áo: vật chứng quan trọng
Cho đến giữa thập niên 1950, Lilya Brik (người tình của Mayakovsky) vẫn giữ chiếc áo này. Sau đó bà chuyển giao nó cho Bảo tàng Vladimir Mayakovsky.
Kết quả điều tra cho thấy, đây là chiếc áo sơ-mi làm bằng vải sợi bông. Từ cổ áo phía lưng đến phần dưới thân áo có vết dao rạch. Các chuyên viên của Trung tâm điều tra Liên bang đứng trước nhiệm vụ rất khó khăn: Từ dấu vết của viên đạn, phải xác định khoảng cách của người bắn, rồi loại đạn, loại súng được sử dụng... Nghiên cứu chiếc áo này, các chuyên viên nhận thấy, khi súng nổ, viên đạn vừa bay đi thì đầu nòng tỏa ra làn khói, nhưng trên áo không có dấu vết của khói, điều đó chứng tỏ người bắn đứng xa nạn nhân. Sau đó, viên đạn “đi” tiếp và theo nghiên cứu đường đạn thì người bắn đứng chếch về phía bên phải nạn nhân.
Các chuyên viên đưa ra kết luận như sau:
1. Nghiên cứu các vết rách trên áo cho thấy người bắn đứng ở phía sau và bắn vào gáy từ khoảng cách khá xa.
2. Vùng máu không lớn trên áo cho thấy loại vũ khí được sử dụng là súng ngắn dùng đạn có sức công phá nhỏ.
3. Vùng máu không lớn trên áo và xung quanh vết bắn cho thấy đó là máu chảy ra từ vết thương. Còn việc máu không chảy dọc xuống chứng minh rằng, nạn nhân đã đổ gục và nằm ngang dưới sàn nhà ngay sau khi bị bắn. Tư thế của nạn nhân khi đó là nằm ngửa.
Vẫn còn bí ẩn
Và đây là kết luận của các chuyên viên điều tra hồi năm 1930 về bức thư được viết trước khi nhà thơ chết: “Lá thư được chính Mayakovsky viết trong điều kiện không bình thường mà nhiều khả năng là do trạng thái tâm lý gây nên sự lo lắng”.
Theo biên bản của vị bác sĩ khám nghiệm tử thi (năm 1930) thì Mayakovsky mất mạng vì “một khẩu Revolver (côn xoay), loại Mauser, cỡ nòng 7,65mm, số hiệu N0 312045”. Tuy nhiên nhà thơ chỉ có hai khẩu súng ngắn loại Browning và Bayard. Khó có thể nhầm lẫn Mauser với Bayard vì chúng hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, các nhân viên Bảo tàng Mayakovsky đã đề nghị Trung tâm phân tích khoa học hình sự Liên bang nghiên cứu khẩu Browning N0 268979 của nhà thơ hiện vẫn còn lưu giữ được. Qua đó xác định liệu ông có dùng khẩu súng này để tự tử hay không.
Phân tích về hóa học (mùi thuốc súng trong nòng) cho thấy “sau lần lau cuối cùng, Mayakovsky không sử dụng khẩu Browning”. Thêm nữa, theo kết quả điều tra thì những viên đạn lấy ra từ thi thể của nhà thơ là loại dùng cho khẩu Mauser chứ không phải của cây Browning N0 268979.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất