Ai có lỗi trong “cái chết” của máy bay Concorde?

07/12/2010 10:42 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Mười năm sau ngày chiếc máy bay Concorde định mệnh bị rơi ngay sau khi cất cánh khiến 113 người thiệt mạng, một tòa án Pháp đã ra phán quyết về kẻ có lỗi trong vụ việc này. Đây không chỉ là một vụ tai nạn thông thường, mà bị xem là dấu mốc đầu tiên của quá trình “khai tử” chiếc máy bay chở khách từng được xem là “giấc mơ bay” của nhiều người.

Trong phiên xử diễn ra hôm 6/12, tòa án Pháp tuyên bố hãng hàng không Continental Airlines và một thợ máy thuộc hãng này bị buộc tội ngộ sát trong vụ tai nạn thảm khốc của chiếc Concorde hồi năm 2000.

Khi giấc mơ biến thành ác mộng

Ngày 25/7/2000, chiếc Concorde của hãng Air France mang theo nhiều hành khách, chủ yếu là du khách Đức tới vùng Carribean, đã cất cánh rời khỏi sân bay quốc tế Charles de Gaulle, gần Paris. Không ai ngờ chỉ 2 phút sau, máy bay đã rơi xuống một khách sạn ở thị trấn Gonesse, cách sân bay 6 km về phía Tây Nam. Toàn bộ 109 người trên máy bay và 4 người dưới mặt đất đã thiệt mạng.


Hình ảnh chiếc Concorde với phần cánh bốc cháy, không lâu
trước khi nó rơi xuống đất làm 113 người thiệt mạng

Quá trình điều tra dài hơi sau đó do Văn phòng Điều tra tai nạn Pháp (BEA) tiến hành đã làm rõ rằng thảm họa bắt đầu từ một mảnh titanium dài 43cm nằm trên đường băng. Đây là một phần của một bộ đối chiếu lực đẩy (thrust reverser), rơi ra từ một chiếc DC-10 của hãng Con- tinental Airlines, vốn cất cánh trước chiếc Concorde khoảng 4 phút. Tới lượt Concorde tăng tốc để cất cánh, mảnh titanium đã đâm xuyên vào một lốp của máy bay, khiến nó vỡ tung. Một mảnh cao su bắn vào bình nhiên liệu và làm đứt một sợi cáp dẫn điện. Sức va chạm gây sóng chấn động làm vỡ bình nhiên liệu cách điểm va chạm một đoạn. Nhiên liệu rò rỉ ra ngoài và bắt lửa.

Khi nhận được tín hiệu báo cháy, đội bay đã tắt động cơ số 2 và tiếp tục cho máy bay cất cánh trước khi bay vòng trở lại sân bay. Tuy nhiên do động cơ số 1 chỉ hoạt động cầm chừng và tạo ra lực đẩy không đủ, chiếc máy bay dần mất cao độ và tốc độ. Nó chao đảo, nghiêng dần về bên trái và cuối cùng rơi xuống, đâm vào khách sạn Hotelissimo tại Gonesse.

Những kẻ đẩy nhanh cái chết của Concorde

Trước vụ tai nạn, Concorde được xem là loại máy bay chở khách an toàn nhất thế giới do không có vụ tai nạn chết người nào. Chỉ có 20 chiếc Concorde từng được chế tạo và 14 chiếc đi vào hoạt động thương mại. Với tốc độ bay nhanh hơn 2 lần âm thanh, Concorde có thể bay từ London tới New York trong chưa đầy 3 giờ rưỡi.

Sau vụ tai nạn, tỷ lệ an toàn của Concorde rơi rớt một cách thảm hại. Người ta đã phải tổ chức một chương trình cải tiến Concorde, gồm việc tạo một lớp phủ Kevlar giúp tăng cường khả năng chịu lực cho khu vực chứa nhiên liệu trên cánh máy bay và trang bị cho nó loại lốp chống nổ. Song số hành khách sụt giảm sau vụ tai nạn, tình hình tồi tệ chung của các hãng vận chuyển hàng không do vụ khủng bố 11/9/2001 và chi phí bảo dưỡng tăng cao là những nguyên nhân khiến cả Anh và Pháp quyết định cho Concorde “về hưu” vào năm 2003.

Mặc dù vụ tai nạn diễn ra từ năm 2000 nhưng phải tới đầu năm nay, tòa án Pháp mới mở phiên tòa liên quan tới nó. Hãng hàng không Continental Airlines và viên thợ máy John Taylor, người đã hàn thanh titanium vào chiếc DC-10, bị cáo buộc phạm tội ngộ sát.

Tuy nhiên, Continental Airlines luôn phủ nhận việc họ có lỗi và bảo vệ lập luận là máy bay Pháp đã bốc cháy trước khi bánh xe cán phải mảnh titannium. Theo Olivier Metzner, luật sư bào chữa cho Continental Airlines, quá trình điều tra của Pháp đã không tính đến những chi tiết bị rơi ra từ máy bay. Luật sư dẫn lời 20 nhân chứng, trong đó có cả nhân viên sân bay và một số phi công, cho biết chiếc Concorde đã bốc cháy khi còn cách miếng titanium khoảng 8 giây, tương đương với cự ly từ 700 - 800 mét.

Tòa án cũng xem xét trách nhiệm của 3 quan chức người Pháp. Đó là Henri Perrier, lãnh đạo hoạt động thử nghiệm của chương trình máy bay Concorde trước khi trở thành Giám đốc chương trình; Jacques Herubel, cựu kỹ sư trưởng chương trình Concorde, người đã không phát hiện và sửa chữa những khiếm khuyết về thiết kế của chiếc máy bay, và Claude Frantzen, cựu Giám đốc của Cơ quan Hàng không dân sự Pháp. Các cá nhân này bị cáo buộc đã không ra lệnh thay đổi Concorde, khi phát hiện có những khiếm khuyết trong thiết kế của chiếc máy bay có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn. Họ cũng bị buộc tội ngộ sát. Tuy nhiên, tòa án Pháp sau đó đã xóa tội cho cả 3 người.

Mở ra cơ hội đòi bồi thường

Theo phán quyết mới nhất của tòa án Pháp, hãng hàng không Continental Airlines, giờ đã sát nhập vào Công ty United Continental Holdings và tập đoàn hàng không EADS của châu Âu phải chịu trách nhiệm chia sẻ bất cứ khoản bồi thường nào cho gia đình các nạn nhân của vụ tai nạn theo tỉ lệ 70/30, với phần lớn hơn thuộc về Continental.

Phán quyết của tòa khiến giới phân tích dự báo Continental và EADS sẽ phải đối mặt với các lá đơn kiện trị giá hàng chục triệu euro từ phía gia đình các nạn nhân. Continental cũng bị tòa án phạt số tiền 200.000 euro và phải bồi thường 1 triệu euro cho Air France trong khi viên thợ máy John Taylor bị tuyên phạt 15 tháng tù treo và 2.000 euro.

Continental Airlines tuyên bố họ sẽ kháng án chống lại cái gọi là “một phán quyết lố bịch”. “Tìm ra bất kỳ tội ác nào trong vụ tai nạn thảm khốc này là điều không được ủng hộ bởi các chứng cứ có tại phiên tòa hay từ các cơ quan quản lý hàng không và giới chuyên gia trên khắp thế giới” - phát ngôn viên Nick Britton của Continental nói trong một lá thư điện tử gửi cho tờ Guardian của Anh.

Luật sư của Taylor cũng nói rằng ông sẽ kháng án. “Tôi không hiểu vì sao khách hàng của tôi lại trở thành bên phải chịu trách nhiệm duy nhất cho vụ rơi máy bay Concorde” - luật sư của Taylor, ông Francois Esclatine, tuyên bố trên kênh truyền hình iTele của Pháp.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm