Afghanistan - địa ngục ma túy mới của thế giới

14/04/2013 07:58 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Afghanistan sản xuất tới 90% thuốc phiện cho thế giới, nhưng nước này chưa từng là một điểm tiêu thụ ma túy lớn, cho tới gần đây. Với dân số chỉ 35 triệu người, nước này đang có hơn 1 triệu người nghiện ma túy. Điều này đã khiến Afghanistan trở thành nơi có số người nghiện/số dân cao nhất thế giới. 

Nằm ngay ở trái tim thủ đô Kabul, bên hai bờ sông Kabul, là nơi tụ tập của những người nghiện ma túy. Họ tới đây để mua và sử dụng heroin.

"Một dạng khủng bố mới"

Giữa thanh thiên bạch nhật, khoảng một chục người đàn ông và cả các thiếu niên là nam giới đang ngồi túm tụm thành từng đôi để hút và tiêm ma túy. Trong số họ có cả những người có giáo dục, như một người từng là bác sĩ, một là kỹ sư và một là phiên dịch viên.

Tariq Sulaiman, người của tổ chức từ thiện Najat, đã rất hay tới bờ sông chỉ để thuyết phục người nghiện đi điều trị. "Chúng tôi đã mất nhiều đứa trẻ của mình vì đánh bom tự sát, rocket và các vụ đánh bom. Nhưng giờ ma túy giống như một dạng khủng bố mới và nó đang giết người dân của chúng tôi" - ông nói.

Mới chỉ 18 tuổi nhưng Jawid, người vùng Badakhshan ở phía Bắc Afghanistan, đã nghiện ma túy suốt 10 năm qua. Chính người chú của cậu đã dẫn cháu vào con đường nghiện ngập từ khi còn bé, chỉ để cậu làm việc tốt hơn. "Tôi căm ghét cuộc đời tôi. Mọi người đều căm ghét tôi. Ở độ tuổi này, lẽ ra, tôi đang ở trường. Nhưng giờ tôi chỉ là một thằng nghiện" - Jawid thổ lộ.

Cha của Jawid đã chết. Người mẹ tật nguyền của cậu thường xuyên lo lắng về con trai. Tất cả những gì bà mong mỏi từ cuộc đời chỉ là việc làm sao để con mình sống sạch sẽ. Bà đã đi ăn xin trên phố để có tiền cho con dùng ma túy, cũng chỉ vì không muốn con lên cơn vật mà đi ăn cắp. "Tôi luôn nói với Jawid rằng nếu tôi chết, nó sẽ phải ngủ dưới chân cầu cùng những người nghiện khác" - bà thổ lộ với phóng viên BBC.

3 lý do "bùng dịch" nghiện

Ngủ dưới chân cầu, sống cuộc sống vất vưởng là số phận của phần lớn những người nghiện nặng tại Afghanistan. Đêm đêm, người ta vẫn thấy lửa châm thuốc của họ lóe sáng. Cảnh sát thường xuyên đánh đập, giải tán họ. Đôi khi họ còn bị ném xuống sông.

Lý do vì sao có quá nhiều người Afghanistan đột nhiên chuyển sang nghiện ma túy khá phức tạp. Nhưng có điều rõ ràng rằng hàng thập kỷ bạo lực đã gây tác động nhất định.

Rất nhiều người chạy nạn để tránh chiến tranh trong 30 năm qua đã sống đời tị nạn ở Iran và Pakistan, nơi tỷ lệ nghiện ma túy trong cộng đồng của họ ở mức rất cao. Sau khi về quê hương, họ cũng mang theo hành trang hút chích.

Tỷ lệ thất nghiệp cao, hiện đứng ở mức gần 40%, là một nguyên nhân khác. "Nếu tôi có việc, tôi đã chẳng ở đây" - Farooq, một trong những người nghiện đang ngồi bên sông Kabul nói. Ông đã có bằng đại học y và từng làm việc trong vai trò giám đốc một bệnh viện. Ông cho biết đã dùng ma túy để cảm thấy "bình tĩnh và thư thái". Nhưng ông cũng thú nhận mình muốn chết hơn sống cuộc đời của người nghiện.

Yếu tố quan trọng nữa là sự phổ biến của heroin ở Afghanistan. Trong thập kỷ qua, người Afghanistan đã tự tinh chế thuốc phiện tươi để làm heroin. Những người nghiện nói rằng heroin ở Afghanistan nhiều tới độ để mua heroin ở Kabul cũng dễ như việc mua thứ gì đó để ăn vậy. 1 gram heroin có giá khoảng 6 USD và ở góc nào trong thành phố cũng có sẵn để bán.

"Chúng ta thường cho rằng có cầu thì mới có cung. Nhưng điều chúng ta quên là ma túy xuất hiện với số lượng lớn trên thị trường đã tự tạo nên nhu cầu tiêu thụ chúng" - nhận xét của Jean-Luc Lemahieu, đại diện khu vực của cơ quan phòng chống ma túy LHQ UNODC, cũng là một trong vài tổ chức đang nỗ lực tiễu trừ ma túy ở Afghanistan.

Viễn cảnh mờ ảo

Khi binh lính quốc tế tới Afghanistan vào năm 2001, một trong những mục tiêu của họ là giảm bớt tình trạng sản xuất ma túy. Tuy nhiên họ đã dành quá nhiều tâm sức vào việc chống các tay súng phiến loạn và thường bị cáo buộc đã nhắm mắt làm ngơ trước các cánh đồng thuốc phiện.

Thuốc phiện thực tế đã có mặt ở Afghanistan trong hàng thế kỷ. Người ta dùng nó như một loại "thần dược" trị đủ thứ bệnh.

Trong một bệnh viện ở thành phố Mazar-e Sharif, phóng viên BBC đã gặp một phụ nữ Afghanistan tên Fatima, người đã dùng thuốc phiện để giảm đau đớn vì chứng chảy máu sau sinh. Cô nói rằng đã dùng thuốc phiện vì chi phí rẻ hơn nhiều việc đi gặp bác sĩ. Rồi cô cho con mình dùng chút thuốc phiện khi đứa trẻ bị ho sặc trong lúc bú sữa. Kết quả là giờ cả hai mẹ con đều nghiện ma túy.

Được biết phụ nữ và trẻ em chiếm tới 40% số người nghiện ma túy của Afghanistan. Trong khi Fatima và con cô đã được điều trị tại một bệnh viện công, chỉ có rất ít người nghiện khác ở Afghanistan được giúp đỡ.

Nguyên nhân bởi Bộ Y tế chỉ điều hành có 95 trung tâm cai nghiện quanh đất nước, với số giường bệnh chỉ đủ cho 2.305 người. Ngân sách để Bộ điều trị cho 1 triệu người nghiện chỉ có vỏn vẹn 2,2 triệu USD mỗi năm, tức mỗi người nghiện chỉ được có hơn 2 USD. Bản thân Jawid đã dùng số heroin có giá lớn gấp 3 số tiền đó mỗi ngày.

Và trong bối cảnh Afghanistan đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trên rất nhiều mặt trận, cơ hội để họ chiến thắng một cuộc chiến ma túy cũng mờ ảo như viễn cảnh của các mặt trận khác vậy. 

Tường Linh (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm