Tương lai của FIFA: Cần một cuộc cách mạng

30/05/2011 12:10 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Được thành lập ngày 21/5/1904 tại Paris với 8 thành viên ban đầu, sau 107 năm tồn tại, đến nay FIFA đã trở thành một tổ chức khổng lồ với 208 thành viên trên khắp thế giới, với khoản doanh thu hàng năm lên tới 4,2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận chiếm khoảng 15%.

Chủ tịch FIFA Blatter - Ảnh Getty

Sức ảnh hưởng của FIFA là quá lớn. Người ta đã ví FIFA với Liên hợp quốc trong lĩnh vực bóng đá. Những quyết định của FIFA có tầm ảnh hưởng đến môn thể thao vua trên toàn thế giới. Nhưng cũng chính vì quy mô và sức ảnh hưởng quá lớn mà FIFA rất dễ xảy ra những tiêu cực, ở nhiều góc độ khác nhau, bởi cơ chế quản lý của cơ quan này là khá lỏng lẻo.

Việc cải tổ FIFA, thông qua một cuộc cách mạng lớn, là điều đã được nhắc tới nhiều, đặc biệt sau những vụ bê bối xảy ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Chủ tịch đương nhiệm của FIFA, Sepp Blatter, lại không cho rằng đó là một ý kiến hay. “FIFA không cần một cuộc cách mạng, mà ở đây cần những luật lệ đủ mạnh để đẩy lùi nạn tham nhũng cũng như minh bạch hóa các hoạt động trên mọi phương diện”, ông Blatter có ý kiến.

Một trong những yêu cầu cải tổ cấp thiết nhất chính là chiếc ghế Chủ tịch mà ông Blatter đang ngồi. FIFA không có quy định về việc hạn chế số nhiệm kỳ mà một cá nhân có thể đảm nhiệm, dẫn đến có quá nhiều vị Chủ tịch ngồi ghế quá lâu. Trong 107 năm tồn tại, FIFA mới trải qua vỏn vẹn 8 đời Chủ tịch. Những người nắm ghế lâu có Jules Rimet (Pháp, 33 năm), Joao Havelange (Brazil, 24 năm), Stanley Rous (Anh, 13 năm) hay chính Blatter (Thụy Sĩ, 13 năm). Nếu trúng cử vào ngày 1/6 tới, Blatter sẽ trải qua nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp và dự kiến ông sẽ ngồi ghế Chủ tịch FIFA suốt 15 năm ròng, cho đến khi ông 79 tuổi.

Việc một người nắm giữ chức Chủ tịch FIFA qua nhiều nhiệm kỳ liên tiếp sẽ giúp họ theo đuổi đến cùng những kế hoạch, chương trình phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là việc duy trì quá lâu một đế chế cũng sẽ tạo ra những tiêu cực nhất định, như ngăn cản việc đổi mới hay tạo ra các nhóm quyền lợi trong lực lượng nòng cốt của FIFA. Bản thân những Chủ tịch nắm quyền lâu năm cũng sẽ dễ dàng đánh bại các đối thủ mới nổi thông qua việc giành sự ủng hộ từ các Liên đoàn bóng đá thành viên.

Chiến lược của FIFA, cũng như UEFA, trong thời gian gần đây là tranh thủ sự ủng hộ của các Liên đoàn thành viên nhỏ, vốn ít có tiếng nói trong ngôi nhà chung. Ông Michel Platini đã trúng cử Chủ tịch UEFA nhờ việc hứa hẹn sẽ đưa EURO 2012 sang Ba Lan và Ukraina đồng thời mở rộng cánh cửa Champions League cho các đội bóng đến từ những nền bóng đá ít phát triển. FIFA cũng đã đưa World Cup sang châu Á, đến châu Phi, sang Nga và cả vùng Vịnh.

Cùng với những dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và phát triển bóng đá phong trào cũng như đỉnh cao, cả FIFA lẫn UEFA dễ dàng nhận được sự ủng hộ của các Liên đoàn nhỏ, mà lá phiếu của họ khi bầu cử thì cũng có giá trị chẳng khác gì các Liên đoàn lớn.

H.M.C

8 vị Chủ tịch FIFA

Rober Guerin: Người Pháp, Chủ tịch đầu tiên, tại vị 2 năm, từ 1904 đến 1906.

Daniel Burley Woolfall: Người Anh, Chủ tịch thứ hai, tại vị 12 năm, từ 1906 đến 1918.

Jules Rimet: Người Pháp, Chủ tịch thứ ba, tại vị 33 năm, từ 1921 đến 1954.

Rodolphe Seeldrayers: Người Bỉ, Chủ tịch thứ tư, tại vị 1 năm, từ 1954 đến 1955.

Arthur Drewry: Người Anh, Chủ tịch thứ năm, tại vị 6 năm, từ 1955 đến 1961.

Stanley Rous: Người Anh, Chủ tịch thứ sáu, tại vị 13 năm, từ 1961 đến 1974.

Joao Havelange: Người Brazil, Chủ tịch thứ bảy, tại vị 24 năm, từ 1974 đến 1998.

Sepp Blatter: Người Thụy Sĩ, Chủ tịch thứ tám, tại vị từ năm 1998 đến nay.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm