95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân: Âm nhạc cho muôn đời sau

24/07/2025 08:26 GMT+7 | Giải trí

Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại một gia tài đồ sộ cho nền âm nhạc Việt Nam với rất nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng còn mãi với thời gian. 

Đặc biệt, hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác trong 6 thập kỷ của ông được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới, trở thành một phần ký ức chung của nhân loại.

Trong hai tối 24 và 25/7/2025, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra Lễ trao bằng Di sản tư liệu của UNESCO cho bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân và chương trình nghệ thuật "Cho muôn đời sau" tôn vinh âm nhạc của ông.

"Cho muôn đời sau" - Chương trình tôn vinh âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân

Trong hai tối 24 và 25/7/2025, Nhà hát Hồ Gươm tổ chức chương trình hòa nhạc các tác phẩm của Nhạc sĩ Hoàng Vân mang tựa đề "Cho muôn đời sau". Đúng như tên gọi của chương trình - "Cho muôn đời sau" không chỉ là không gian tôn vinh âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân mà còn là minh chứng cho sức sống lâu bền của những tác phẩm đi cùng năm tháng có giá trị nghệ thuật và sức lan tỏa trong lòng công chúng yêu nhạc nhiều thế hệ trong nước và ở nước ngoài.

Chương trình quy mô lớn quy tụ hơn 200 nghệ sĩ, với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi, các dàn nhạc và hợp xướng chuyên nghiệp, cùng nhiều thế hệ học trò và cộng sự của nhạc sĩ Hoàng Vân nhằm tôn vinh sự nghiệp đồ sộ và di sản nghệ thuật đặc biệt của một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân: Âm nhạc cho muôn đời sau - Ảnh 1.

Chương trình gồm 2 phần. Phần I: Hồi tưởng - là những tác phẩm chọn lọc, gợi lại những dấu mốc lịch sử đến khát vọng tương lai được ghi bằng âm thanh cuộc đời của chính nhạc sĩ. Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức Giao hưởng số II, Tưởng niệm (Chương I). Khán giả được thưởng thức những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng như Tôi là người thợ lò, Người chiến sĩ ấy, Bài ca giao thông vận tải.

Phần II: Cho muôn đời sau - mở ra một không gian tươi sáng và giàu sức sống, thể hiện tinh thần kiến thiết và vẻ đẹp của đất nước thanh bình, với ký ức tuổi thơ qua Tổ khúc dành cho thiếu nhi: Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Mùa hoa phượng nở, cùng với đó là những giai điệu trải dài qua những miền quê hương đất nước như: Tình ca Tây Nguyên, Khúc tâm tình người thủy thủ, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca người Giáo viên nhân dân... Chương trình được khép lại bằng bản mashup "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau", như một khúc hoan ca, ngợi ca hòa bình, tình yêu và khát vọng trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 10/4/2025, tại Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã ghi danh "Bộ sưu tập âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân" là Di sản tư liệu thế giới. Với hơn 700 ca khúc từ năm 1951 đến năm 2010, bộ sưu tập có khoảng 1.000 hạng mục, bao gồm nhạc phổ, bản thu thanh,bản thảo chép tay, bản in, video, bài báo, bài phỏng vấn, sách và ấn phẩm âm nhạc của ông. Từ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc đến những ca khúc đậm chất dân gian, các tác phẩm của ông phản ánh sâu sắc những biến đổi xã hội qua các thời kỳ kháng chiến và hòa bình, đặc biệt là vai trò của phụ nữ và tầng lớp yếu thế.

95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân (24/7/1930-24/7/2025): Âm nhạc cho muôn đời sau - Ảnh 2.

Bìa tác phẩm "Guồng nước quay" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: TTXVN phát

UNESCO đánh giá cao việc âm nhạc của Hoàng Vân "phá vỡ các quy tắc, thách thức nhiều định kiến" rằng nhạc cổ điển là đặc quyền của tầng lớp thượng lưu. Hoàng Vân đã làm âm nhạc cổ điển trở nên bình dân mà vẫn không đánh mất chiều sâu và những âm hưởng rung động lòng người, bằng cách đưa vào âm nhạc "những cuộc sống bình thường, những số phận hàng ngày, những tầng lớp thiệt thòi trong xã hội". Ông đã kể lại lịch sử Việt Nam bằng nhịp trống, cung đàn và hợp xướng, giúp các tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài, mang giá trị nghệ thuật và là tư liệu quý cho nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn khẳng định: "Việc bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả một dân tộc qua từng giai điệu".

95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân (24/7/1930-24/7/2025): Âm nhạc cho muôn đời sau - Ảnh 3.

Đây là lần thứ 4 Việt Nam có một di sản tư liệu được vinh danh cấp thế giới, và là lần đầu tiên một bộ sưu tập âm nhạc cá nhân đạt được thành tựu này. Bộ sưu tập âm nhạc được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và số hóa trên trang web đa ngữ https://hoangvan.org, mang đến cái nhìn toàn diện về hành trình sáng tác của một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất Việt Nam thế kỷ XX.

Một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất Việt Nam thế kỷ XX

Hoàng Vân là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu được đưa vào sách giáo khoa âm nhạc Việt Nam, người thầy của nhiều thế hệ học trò, trong đó có cả những nhạc sĩ tên tuổi. Tư duy "tây học" nhưng không tách rời hồn Việt giúp ông trở thành tấm gương mẫu mực cho thế hệ sáng tác hậu chiến tranh. Ông có khả năng chuyển hóa những đề tài tưởng như khô khan thành giai điệu sâu sắc, giàu cảm xúc, đồng thời giữ được độ sang trọng trong âm nhạc mà không đánh mất sự gần gũi đại chúng. Ông biến những khẩu hiệu thành tác phẩm có cảm xúc sâu sắc như Hò kéo pháo (1954) là một ví dụ. Hàng loạt ca khúc của ông đã trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ người Việt. Những tác phẩm của ông không chỉ làm say mê một thế kỷ mà cho muôn đời sau.

Âm nhạc của ông là tình yêu đất nước cụ thể, không trừu tượng. Những vùng đất hiện lên trong bài hát của ông đều sống động, chân thực – từ Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hà Nội đến Tây Bắc. Con người trong âm nhạc của ông không phải hình tượng lý tưởng hóa, mà là người thật việc thật, đủ các tầng lớp xã hội, đầy cảm xúc, đầy khát vọng. Tầm vóc và di sản Nhạc sĩ Hoàng Vân là một tượng đài nghệ thuật, người đưa âm nhạc cách mạng Việt Nam lên tầm nghệ thuật bác học mà vẫn đại chúng, giàu cảm xúc mà vẫn bền vững. Tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị tinh thần một thời, mà còn sống mãi như những bài ca của lương tri, của nhân dân, của một dân tộc vươn lên từ đau thương và xây dựng đời sống.

95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân (24/7/1930-24/7/2025): Âm nhạc cho muôn đời sau - Ảnh 4.

Tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24/7/1930, tại Hà Nội, trong một gia đình nho học. Âm nhạc của ông đã để lại dấu ấn đậm nét và sinh động về lịch sử đấu tranh vẻ vang và xây dựng đất nước của dân tộc ta, trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa văn nghệ.

Bất kể những năm tháng rực lửa chiến tranh hay thời điểm đất nước thanh bình, Hoàng Vân đều có những ca khúc đi vào lòng người, như Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Trên đường tiếp vận, Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng, Chào mùa Xuân đại thắng-Chào anh giải phóng quân… Đến những ca khúc thiếu nhi thật trong trẻo như Mùa hoa phượng đỏ, Con chim vành khuyên…. Ngay trong những ngày đạn bom ác liệt, âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn vượt lên hòa nhập thế giới bằng những tư duy rất "rock" trong Bài ca trên đường xa, hay rất hùng tráng trong Người chiến sĩ ấy. Rồi một Hoàng Vân hành trình không nghỉ qua những sáng tạo trong thanh bình như Bài ca xây dựng, Tình ca Tây Nguyên,… tràn đầy hơi thở nhạc nhẹ như Tuổi trẻ đi xa

95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân (24/7/1930-24/7/2025): Âm nhạc cho muôn đời sau - Ảnh 5.

Cuốn sách do con gái nhạc sỹ Hoàng Vân, tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh chắp bút. Ảnh: Kim Đồng

Bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc... song tác phẩm làm nên tên tuổi của Hoàng Vân từ những 50 của thế kỷ trước lại là Hò kéo pháo. Bài hát có ca từ giản dị, trong sáng, viết theo thể loại hò dân gian nên được nhiều chiến sĩ yêu thích, dễ thuộc và nhanh chóng lan truyền khắp chiến trường Tây Bắc và Việt Bắc nước ta. Nhờ ca khúc Hò kéo pháo, nhạc sĩ Hoàng Vân được tặng Huân chương Chiến công hạng 3, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và vinh dự được gặp, trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đất nước hòa bình, năm 1964, nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác ca khúc Quảng Bình quê ta ơi - một tuyệt phẩm ngợi ca cuộc sống mới con người mới ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được đánh giá là ca khúc viết về vùng miền hay nhất của ông. Với nhiều thế hệ người dân Quảng Bình, ca khúc này đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một phần "máu thịt" trong tâm hồn.

Sau này, rất nhiều tác phẩm viết về tình yêu cuộc sống của ông đã trở thành bài hát truyền thống hay nhất của các ngành đặc biệt quan trọng, ngành mũi nhọn của đất nước thời kỳ hòa bình, như Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca người thủy thủ, Bài ca giao thông vận tải, Bài ca người giáo viên nhân dân… Những nhạc phẩm này được người nghe yêu mến, đồng cảm và rất thành công của nhạc sĩ.

95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân: Âm nhạc cho muôn đời sau - Ảnh 6.

Một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Thu Hà - PV TTXVN tại Pháp

Ông còn là một nhạc sĩ khí nhạc bậc thầy. Ông là tác giả nhiều tác phẩm khí nhạc cho các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng (nhạc thính phòng) và các nhạc cụ dân tộc như; viết nhạc cho nhiều phim truyện ghi dấu ấn nền điện ảnh Việt Nam, như Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Khả năng phối khí và tư duy đa âm, cấu trúc phức hợp đã giúp ông nâng tầm các ca khúc, dân ca phát triển hay những bài hát đề tài xã hội thành tác phẩm nghệ thuật lớn.

Ngoài công việc sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội, đào tạo nhiều nhạc sĩ thành danh như nhạc sĩ: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang...

Ông cũng đã xuất bản các sách nhạc, như: Hai chị em; 6 ca khúc Hoàng Vân; Ca khúc Hoàng Vân; Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân kèm theo băng cassette audio. Đặc biệt, nhạc sĩ có nhiều xuất bản phẩm ở nước ngoài như: Tổng phổ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc (in tại Cộng hoà Dân chủ Đức và Bulgaria), Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ) (Nhà xuất bản Âm nhạc Moskva, Liên Xô).

95 năm Ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân: Âm nhạc cho muôn đời sau - Ảnh 7.

Hợp ca Quê Hương và thiếu nhi Việt kiều trình bày tác phẩm "Hồi tưởng" của nhạc sĩ Hoàng Vân cùng Dàn hợp xướng Rouen năm 2016. Ảnh: TTXVN phát

Giới âm nhạc đánh giá, âm nhạc Hoàng Vân có sức lan tỏa sâu rộng, có tác động tích cực, lâu dài tới đời sống xã hội và đời sống âm nhạc. Với hàng loạt tác phẩm nhạc đỏ xuất sắc, phản ánh kịp thời những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc và lịch sử tâm hồn dân tộc trong một thời kỳ nhiều biến động, nghệ sĩ chiến sĩ Hoàng Vân xứng đáng được tôn vinh là người viết sử bằng âm nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời ngày 4/2/2018, nhưng với những công hiến quan trọng cho nền âm nhạc cách mạng, nhạc sĩ đã được Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Năm 2012 ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Nhưng có lẽ, với Hoàng Vân, phần thưởng cao quý nhất chính là tình yêu và sự ngưỡng mộ mà giới âm nhạc và nhân dân đã dành cho ông.

Nguyễn Thúy/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm