12/01/2022 20:38 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tự nhận “viết để chơi”, nhưng Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn làm việc cực kỳ nghiêm túc.
Trong Kỷ yếu Hội nhà văn Việt Nam, ông tự bạch: “Tôi bắt đầu cầm bút năm 1952, hồi còn ở rừng U Minh đánh Pháp. Mãi tới 1956, truyện ngắn đầu tiên Con chim vàng mới được in trên báo Văn nghệ. Đã hơn nửa thế kỷ cầm bút, có một số tác phẩm, một vài giải thưởng nhưng tôi luôn tự hỏi, mình đã thật sự là nhà văn hay chưa? Đó là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt. Tôi đã, đang và sẽ trả lời trên trang viết”.
Hết mình vì sự nghiệp cách mạng
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12/1/1932 tại làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - một vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hoá, là cái nôi sinh thành của nhiều danh nhân lịch sử, văn hoá, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước.
Xuất thân trong một gia đình giàu tinh thần yêu nước, nên năm 14 tuổi ông đã tham gia bộ đội, làm liên lạc viên cho Vệ quốc đoàn tỉnh Long Châu Tiền. Vậy là, tuổi ấu thơ của nhà văn được rèn luyện trong chiến tranh – đã tạo nên cốt cách kiên cường của một cán bộ – chiến sĩ, và nhà văn tương lai.
Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông bắt đầu cầm bút để giới thiệu con người quê hương và cuộc kháng chiến ở miền Nam. Truyện ngắn Người quê hương và các tiểu thuyết Nhật ký người ở lại, Đất lửa ra đời.
Năm 1966, cao trào đánh Mỹ cứu nước được phát động. Nguyễn Quang Sáng đã vượt dãy Trường Sơn trở lại chiến trường Đồng Tháp Mười. Dấn thân vào cuộc chiến đấu mới, nhà văn bắt gặp một thế hệ trẻ với một tầm vóc mới – kiên cường và lạc quan. Đó là những cô gái giao liên, dân công, cán bộ địa phương... đang làm nên nghiệp lớn trong thời đại mới.
Sức khỏe yếu, ông trở lại miền Bắc năm 1972. Từ đây một sự nghiệp viết mới như rút ruột từ những sự kiện đời sống lăn lộn một chặng đường máu lửa ác liệt. Tác phẩm văn học, giờ đây, như thực sự đơm hoa, kết trái.
Sau năm 1975, nhà văn Nguyễn Quang Sáng về làm Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều năm ông là Ủy viên Ban Chấp hành rồi Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Người kể chuyện quê hương Nam Bộ
Lao động nghệ thuật miệt mài, đi thực tế thường xuyên, viết văn nhiều thể loại, Nguyễn Quang Sáng nêu một tấm gương sáng về dấn thân và tận hiến cho sự nghiệp chung - sự nghiệp cách mạng, kháng chiến và sự nghiệp văn học mới. Vào tuổi tám mươi, ông vẫn viết và còn ôm ấp bao dự định.
Nhận xét về “một trong những con khủng long quý hiếm của nền văn học thời chiến trận mà tác phẩm không có hận thù”, nhà văn - nhà phê bình văn học Ngô Thảo tổng kết bằng một câu ngắn gọn nhưng không thể đầy đủ hơn: “Nhà văn sinh ra vốn được mặc định phải gánh trên vai rất nhiều trọng trách. Riêng ông Sáng chẳng chịu gánh cái gì nhưng mang lại một gánh sách cho đời, âu cũng là một trường hợp đặc biệt”.
Với nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Sáng là “nhà văn của đồng bằng Nam Bộ”. Bởi “văn chương của ông hồn hậu, mang được hơi thở, phong cách lẫn khẩu khí, phong độ của người dân Nam Bộ rất rõ. Tôi thấy anh làm văn không hề cầu kỳ. Đọc văn anh có cảm giác như được tiếp xúc với cuộc đời thật, với hơi thở cuộc sống thật, với những con người thật mình đã từng gặp đâu đó”.
Còn với nhà thơ Trần Đăng Khoa “Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn độc đáo, chất Nam Bộ sâu đậm. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng trong những năm tháng chiến tranh như Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạnh, Quán rượu người câm…”. Trong đó, tác phẩm mang đậm chất của Nguyễn Quang Sáng là Một chuyện vui.
Câu chuyện chỉ xoay quanh một anh du kích ở vùng Đồng Tháp Mười. Anh ấy đã chống lại cuộc tập kích của giặc Mỹ bằng không quân. Một bên là kẻ thù với vũ khí tối tân là máy bay trực thăng và một anh du kích chỉ có một cái xuồng trên mênh mông sông nước. Anh du kích biết địch chỉ có 4 quả đạn. Địch đã bắn đến quả thứ 4 mà không giết được anh nhưng không chịu buông tha con mồi. Anh cũng đã bắn đến hết đạn mà không bắn cháy được chiếc trực thăng. “Chuyện chỉ có vậy mà được miêu tả sinh động và hài hước ai cũng phải cười. Qua đó để thấy rằng ông viết rất giỏi, ta thấy được mùi bùn đất và tính khí phóng khoáng của người dân Nam bộ và sự khốc liệt của chiến tranh chống quân xâm lược hùng mạnh là đế quốc Mỹ.
Về sau cũng chính từ truyện này Nguyễn Quang Sáng đã triển khai thành bộ phim rất nổi tiếng được giải thưởng quốc tế, đó là bộ phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến). Nội dung là vợ chồng người du kích chống lại kẻ thù tàn bạo tấn công bằng trực thăng và những vũ khí tối tân. Họ là những người lính chỉ có chiếc xuồng ba lá. Đó là một tác phẩm rất độc đáo mà khi vào phim mới thấy được hết sự tài nghệ của ông.
Có thể nói chất của Nguyễn Quang Sáng đã được bừng sáng trong các tác phẩm đó. Trong đó có chi tiết rất độc đáo đó là khi địch ào đến thì vợ chồng du kích và đứa con mới vài tháng tuổi phải lặn xuống nước để trốn. Đứa trẻ nhỏ phải cho vào trong túi ni lông rồi túm lại để cho xuống nước. Đó là một chi tiết rất đắt và vô cùng ấn tượng. Đó là bộ phim bộc lộ rõ nhất tài năng đến từng chi tiết đều rất độc đáo của Nguyễn Quang Sáng.
Sinh thời nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nói, “Tôi mê chi tiết. Viết văn mà không có chi tiết đắt thì giống y chang xã luận còn gì. Tôi nghĩ, văn học là tổng hợp của những chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống thì chẳng ai có thể sáng tác được. Tôi luôn tránh dùng cụm từ đi thực tế sáng tác, bởi phải sống thật trong thực tế mới có đủ vốn liếng để viết. Vào chiến trường, bom đạn đâu biết anh là nhà văn mà chừa ra. Cũng nhờ những chuyến đi, tôi mới biết xẻ dọc Trường Sơn dù sao cũng khó chết hơn bởi đi chút, nghỉ chút. Nhưng hành quân trên đồng nước Cửu Long thì đừng hy vọng nghỉ ngơi.
Trực thăng luôn soi đèn, Dakota thả pháo sáng, đi giữa đêm vẫn phải ngụy trang. Nấu cơm không được có khói, tắm sông không để lại gợn sóng, con gà trống được đạp mái nhưng không được phép gáy… Vì thế, tôi mới có những cây sứ cùi, mới có chi tiết cô giao liên bán bánh tằm rất đắt hàng vì người ta đồn cô se bánh bằng cái bắp vế của cổ (truyện ngắn Xã đội trưởng), anh Bảy Ngàn cởi quần trời trêu thằng lái trực thăng cho bõ ghét (truyện ngắn Một chuyện vui)… Những hạt vàng ấy, tôi tài cán cỡ nào mà hư cấu cho nổi.
Theo đó nhà văn Nguyễn Quang Sáng để lại nhiều tác phẩm văn học và kịch bản phim nổi tiếng, trong đó phải kể đến Nhật ký người ở lại (1961), Đất lửa (1963), Chiếc lược ngà (1966), Chiếc lược ngà (1968), Mùa gió chướng (1975), Bàn thờ tổ của một cô đào (1985), Cánh đồng hoang (1978), Mùa nước nổi (1986), Như một huyền thoại (1995)… Nhiều kịch bản do ông viết đã được dựng thành phim, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và thế giới như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Mùa nước nổi …
Ngoài nhiều giải thưởng văn học và điện ảnh, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2000 cho cụm tác phẩm: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Chiếc lược ngà, Đất lửa.
Phương Anh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất