9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội

15/05/2025 06:11 GMT+7 | Văn hoá

Trải dài từ thời bao cấp tới hiện tại, những bức ảnh trong cuốn sách Hà Nội ơi (NXB Thông tấn vừa phát hành) mang tới những khung cảnh đặc trưng, những nơi chốn bình dị duyên dáng của thành phố hơn ngàn năm tuổi. 

Ở đó, ký ức và kỷ niệm hòa quyện cùng hơi thở đương đại, khắc họa sinh động trải nghiệm của nhiều thế hệ người Hà Nội - những người vẫn đang mưu sinh, gắn bó và tự tình với thành phố của mình.

Sách quy tụ loạt góc nhìn riêng tư trong đa dạng của 9 nhiếp ảnh gia Việt Nam và quốc tế gồm William E. Crawford, Nguyễn Hữu Bảo, Nicolas Cornet, Hoài Linh, Đồng Hiếu, Lê Anh Dũng, Lê Xuân Phong, Ngô Lâm Thanh và Vũ Khôi Nguyên. Trong đó, nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet làm chủ biên và lời dẫn chuyện được viết bởi nữ nhà văn Phạm Hải Anh.

Tựa tiếng gọi một người yêu

Hà Nội ơi… - một tiếng gọi thân thương, giản dị, nhưng vang lên đầy rung cảm, đủ để gói trọn những tâm tình trong cuốn sách ảnh đặc biệt này.

Như lời nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo: "Chữ "ơi" giản dị mà xúc động lắm! Khi xem cuốn sách, không có từ nào đắt hơn "Hà Nội ơi". Chúng tôi là 9 mảnh tình một lòng hướng về Hà Nội. Mỗi người nhìn Hà Nội ở một góc độ khác nhau, nhưng đọng lại trong những bức ảnh vẫn là cùng một tiếng gọi, một tình yêu với thành phố này".

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 1.

Nữ nhà văn Phạm Hải Anh (trái) cùng đại diện nhóm tác giả tại sự kiện ra mắt sách ảnh “Hà Nội ơi”

Với ông, cái tên ấy là một thứ cảm xúc rất riêng tư được mỗi nhiếp ảnh gia gửi gắm: "Tôi cảm giác cất tiếng "Hà Nội ơi" như gọi tên một người tình. Tiếng gọi ấy vừa xôn xao, da diết, vừa rất hợp với thành phố này, mảnh đất mang trong mình quá nhiều di sản, văn hóa và chiều sâu thời gian" - ông bộc bạch.

Cũng bởi coi Hà Nội như một người tình, một người yêu mà nhiếp ảnh gia nào góp mặt trong ấn phẩm ảnh này cũng thường trực một tình yêu sâu đậm với thành phố này.

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 2.

Sách ảnh “Hà Nội ơi”

Ví như, với nhiếp ảnh gia Lê Anh Dũng, Hà Nội là những ký ức đẹp đẽ, là tình yêu sâu đậm, là nơi anh thuộc về.

"Tôi yêu Hà Nội tha thiết! Gần 60 năm gắn bó với mảnh đất này, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành, Hà Nội đã trở thành một phần máu thịt của tôi" - anh trải lòng - "Mỗi khi đi xa, tôi lại nhớ quay quắt những quán chè chén vỉa hè quen thuộc, những cốc bia hơi mát lạnh chỉ Hà Nội mới có, nhớ những con người thanh lịch, hào hoa và những dãy phố cổ kính đầy hoài niệm".

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 3.

Tác phẩm của Lê Anh Dũng

Còn nhiếp ảnh gia Lê Xuân Phong lại cho rằng, anh có một mối quan hệ yêu - ghét phức tạp với thành phố này.

"Giữa những con phố và ngõ nhỏ quen thuộc, tôi chập chững những bước đi đầu tiên trong nhiếp ảnh, tìm thấy cảm hứng từ sự hỗn độn và vẻ đẹp của cuộc sống thường ngày" - anh cho hay - "Trong khi thành phố dần dần thay đổi, tôi cũng trưởng thành theo, song song với cảnh quan không ngừng biến chuyển và những tính cách đang dần định hình nơi chốn này. Dù là tình cờ hay có chủ đích, hình ảnh của Hà Nội liên tục hiện diện trong các tác phẩm, trở thành một phần không thể thiếu trong thực hành của tôi".

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 4.

Tác phẩm “Công viên Lê Nin sau ngày mưa rào” (1980) của Nguyễn Hữu Bảo

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, từ mẫu số chung là tình yêu, Hà Nội ơi có sự nhất quán trong cách các nhiếp ảnh gia tiếp cận thành phố. Dù thuộc những thế hệ khác nhau, những nền văn hóa khác nhau, họ đều chọn cách kể về Hà Nội bằng một lối nhìn mộc mạc, không cầu kỳ, không phô diễn.

"Đó là một Hà Nội rất đời thường, không hoa lệ, rực rỡ. Một Hà Nội với cái ghế nhựa trên vỉa hè, một quán ăn nhỏ trong ngõ sâu, hay dáng người trầm tư bên hiên phố… tất cả đều hiện lên chân thật, gần gũi và giản dị. Đó cũng chính là những mảnh tình của Hà Nội nhỏ nhắn nhưng lung linh biết mấy" - ông giãi bày.

Ông nói thêm: "Xuyên suốt cuốn sách ảnh này, ta thấy một hơi thở của Hà Nội. Nó giản dị lắm! Cũng như tôi, tôi chỉ chụp một Hà Nội... không trang điểm".

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 5.

Tác phẩm “Sáng mùng 1 Tết Âm lịch” (2004) của Nguyễn Hữu Bảo

Như 5 cửa ô đi vào lòng Hà Nội

Qua lời dẫn chuyện đầy cảm xúc của nhà văn Phạm Hải Anh, tình yêu dành cho Hà Nội trong Hà Nội ơi hiện diện trọn vẹn, nhẹ nhàng lan tỏa qua từng bức ảnh, liền mạch và duyên dáng như dòng chảy mềm mại khi ta lật mở từng trang sách.

Cụ thể, thay vì được tổ chức nội dung theo tác giả hay mạch thời gian, Hà Nội ơi hiện lên đầy sống động qua 5 chương: Nước, Sắc, Vị, Tính, Tình.

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 6.

Tác phẩm “Buổi chiều ngõ Trúc Bạch” (2001) của Hoài Linh

"5 chương, như 5 cửa ô đi vào lòng Hà Nội. Mỗi chương là một góc nhìn khác nhau để hiểu Hà Nội, không phải như một vùng đất, mà như một con người, có tên gọi, thanh sắc, hương vị, có cá tính và tình yêu" - Phạm Hải Anh cho hay - "Hình ảnh trong cuốn sách tập trung vào 50 năm gần đây, nửa thế kỷ đầy biến động mà chúng ta được tham gia và để Hà Nội tạo nên ký ức cho mình".

Nữ nhà văn này nhấn mạnh, 5 chương của Hà Nội ơi, tựa như 5 khía cạnh để nhìn vào một con người - một Hà Nội sống động và đa chiều.

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 7.

Tác phẩm “Hàng Đậu” (1988) của William E. Crawford

Theo đó, chương đầu tiên mang tên Nước, lấy cảm hứng từ chính cái tên Hà Nội, thành phố trong sông. Nơi sông hồ, mưa ngập và những dòng chảy ký ức hòa quyện. Qua ảnh, ta thấy người Hà Nội lớn lên bên sông hồ, tình tự ở bờ hồ, tập thể dục quanh hồ… Cả một đời người nhìn lại, đều có hình bóng nước.

Từ hình bóng nước, Hà Nội hiện lên trong Sắc, là ánh nhìn đầu tiên ta dành cho Hà Nội. Đó là một Hà Nội như ống kính vạn hoa, mỗi lần nhìn lại ra một vẻ. Trên từng khung hình được chụp, Hà Nội hiện lên cổ kính kèm hiện đại, ồn ào chen thanh lịch, những ngõ xinh bất ngờ, những xe đạp rong cũ kỹ chở đầy hoa rực rỡ, con đường đông nghẹt thở nhưng ngay trên đầu phố là lộng lẫy mùa đi qua những tán cây…

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 8.

Tác phẩm của Vũ Khôi Nguyên

Rồi qua hình ảnh bên ngoài, ta bước sâu vào phần cảm, nơi mà Hà Nội được cảm nhận bằng tất cả các giác quan ở Vị. Theo người dẫn chuyện, chẳng có tình yêu nào thật lòng như tình yêu ăn uống. Ở Hà Nội, một ngày có không biết bao nhiêu dịp tỏ tình. Sau Vị thì đến Tính, nơi phản ánh cá tính của con người Hà Nội, của vùng đất này. Đó là một Hà Nội hiện lên cổ điển mà đỏng đảnh nắng mưa, lúc thật dịu dàng, lúc lại dữ dằn "bún mắng, cháo chửi", vừa xô bồ, vừa thanh lịch…

Và cuối cùng, ta dừng lại ở nơi dịu dàng nhất mang tên Tình. Bởi sau tất cả, Hà Nội được yêu không chỉ bởi vẻ đẹp hay hương vị, mà bởi những mối gắn bó âm thầm nhưng bền chặt. Là tình thân, tình bạn, tình yêu và cả tình quê hương. Là những điều mà ta mang theo suốt đời, chỉ cần nhắc đến Hà Nội ơi… là tim chợt rung khẽ.

Nữ nhà văn còn bày tỏ, "nhiệm vụ" viết lời dẫn chuyện cho Hà Nội ơi là một hành trình đầy cảm hứng. Với chị, những bức ảnh trong sách giống như ký ức. Mỗi bức ảnh là một màu sắc, mỗi màu sắc ấy lại đánh thức một ký ức riêng trong chị.

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 9.

Tác phẩm của Đồng Hiếu

"Có những bức khiến tôi bật khóc ngay lập tức, vì nó chạm sâu đến trái tim mình. Dù tôi không biết người trong ảnh là ai, nhưng tôi cảm thấy họ gần gũi lạ kỳ, như con tôi, như mẹ tôi, như người thân của tôi vậy. Đó là một cách tiếp cận Hà Nội rất riêng của cuốn sách" - chị bày tỏ.

Nhà văn nói tiếp: "Đây có thể không phải cuốn sách ảnh đẹp nhất về Hà Nội, nhưng lại mang đến một Hà Nội rất riêng, rất thân quen như thể ta đang được gặp lại một người thân yêu. Hà Nội ơi, với tôi, là một lời gọi đầy yêu thương. Đó có thể là tuổi thơ tôi, là những người bạn cũ, là góc phố quen thuộc... Tất cả đều là cảm xúc, đều đến từ trái tim".

Còn với nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet (chủ biên sách), ông cảm thấy hạnh phúc khi Hà Nội ơi đến tay độc giả: "Chúng tôi muốn tái hiện rất nhiều khía cạnh khác nhau của Hà Nội.  Chẳng hạn, ở khía cạnh về phong cảnh, thành phố này có rất nhiều hồ, rồi có khu phố cổ với rất nhiều những góc nhỏ mà mọi người đều muốn đến thăm lại. Nó gắn liền với những kỷ niệm, và có khi là với cả gia đình".

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 11.

Tác phẩm “Sen tháng Sáu” (2005) của Nicolas Cornet

Nicolas Cornet nói thêm: "Chúng tôi cũng muốn bày tỏ cảm xúc bằng những từ khóa theo tên chương trong cuốn sách. Những từ khóa này có thể là cảm xúc chính khi mọi người nghĩ đến Hà Nội, khi họ đang ở xa. Đó là một Hà Nội thân thuộc mà ta luôn muốn tìm về. Cảm xúc này có bên trong cuốn sách của chúng tôi".

Cũng theo nhiếp ảnh gia người Pháp này, từ Hà Nội ơi, các nhiếp ảnh gia nên tiếp tục làm về Hà Nội. Với ông, "chủ đề này rất thú vị nhưng cũng cần rất nhiều thời gian để có những bức ảnh đẹp".

9 mảnh ghép của một tình yêu Hà Nội - Ảnh 12.

Tác phẩm “Bình minh trên phố Lý Thường Kiệt” (2024) của Nicolas Cornet

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm