70 năm trận chiến Stalingrad

02/02/2013 06:58 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay (2/2) là tròn 70 năm ngày kết thúc trận chiến Stalingrad, bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai, dẫn tới sự thất bại của phát xít Đức. Nhân dịp này, phóng viên hãng tin BBC đã tìm gặp một số nhân chứng còn sống sót, để thấy được rõ hơn tính tàn khốc của cuộc chiến này.

Stalingrad nay đã được đổi tên thành Volgograd, nhưng những dấu vết về một trận chiến tàn khốc ngày nào vẫn còn lưu lại.

Cả đời tìm cha

Ở trung tâm của lễ tưởng niệm là ngọn đồi Mamayev Kurgan, hiện vẫn là điểm cao nhất của thành phố. Đồi có tầm nhìn bao quát ra sông Volga và là một trong những địa điểm có tầm quan trọng chiến lược trong trận chiến. Quân Đức và lính Liên Xô đã đổ rất nhiều máu để giành lấy ngọn đồi. Tới nay hàng chục ngàn thi hài vẫn chôn vùi trên đồi.

Thi hài còn sót lại từ các trận chiến vẫn được tìm thấy trên khắp thành phố. Vẫn còn nhiều những người con đi tìm thi hài cha, em tìm anh, mẹ tìm con, chị tìm em... bị chôn vùi đâu đó trong thành phố.

Thống chế Paulus sau khi bị Hồng quân bắt giữ

Valentina Savelyeva là một ví dụ. Người phụ nữ này đã dành gần như cả đời để cố tìm xem cha mình đã ngã xuống ở đâu. Năm nay bà 75 tuổi. Nhưng trong 67 năm qua, bà đã cố tìm di hài của cha ở Stalingrad.

Ông là một pháo thủ pháo phòng không trong trận chiến Stalingrad và đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ. Di hài của ông được cho là đã tìm thấy vào năm 1961 và được chôn cất lại ở Mamayev Kurgan. Nhưng gia đình đã không hề được báo tin đó.

Sau khi mẹ bà qua đời, bà tiếp tục hành trình tìm cha. Bà tìm tới cơ quan chức năng trong quân đội, hỏi bảo tàng địa phương. Cuối cùng, bà đã tìm thấy cha, được ghi trong một hồ sơ máy tính, được chôn cất tại Mamayev Kurgan, chỉ cách nhà có 3km.

Giờ đây tên cha bà, TT Ponomarev, cùng 17.000 cái tên mới, đã được khắc vào một bia tưởng niệm được dựng lên trong kỷ niệm 70 năm trận chiến.

Giờ đây tên cha bà, Ponomarev, cùng 17.000 cái tên mới, đã được khắc vào một bia tưởng niệm được dựng lên trong dịp kỷ niệm 70 năm trận chiến.

"Hóa ra trong suốt bấy lâu, chúng tôi vẫn sống rất gần quả đồi này mà không biết cha tôi được mai táng ở đây" - bà nói, nước mắt lăn dài trên má - "Điều tốt đẹp là ông đã ở đây. Nhưng tôi vẫn có cảm giác bên trong mình rằng tôi đã lỡ điều gì đó, rằng tôi đã tới quá muộn để dự lễ tang cha mình".

Sông Volga bốc cháy

Những ký ức của Valentina Savelyeva về trận chiến Stalingrad vẫn đầy những kinh hoàng. Bà mới chỉ 5 tuổi khi Quân đoàn 6 của Hitler tiến vào Stalingrad trong mùa hè năm 1942. Không lâu sau đó, nhà bà bị phá hủy khi các cuộc chiến đường phố đẫm máu diễn ra tại thành phố

Tới tháng 10, bà và mẹ bà phải chạy tới một khe suối dẫn ra sông Volga để lánh nạn. "Mỗi khi nhắm mắt, tôi vẫn có thể thấy sông Volga bốc cháy vì dầu đổ tràn xuống đây" - bà kể - "Chúng tôi đào những chiếc hố để ẩn nấp".

Hồng quân Liên Xô tham chiến tại Stalingrad vào tháng 1/1943

Không lâu sau đó, các cuộc giao tranh đã lan tới khe suối. Xe tăng Đức lao xuống và lên khỏi khe. Máy bay của Liên Xô thả bom xuống những chiếc xe tăng. Savelyeva vẫn còn nhớ mọi thứ đã bốc cháy quanh bà, trong tiếng gầm thét của máy bay.

"Khoảnh khắc tăm tối nhất diễn ra vào ngày 20/11 khi lính Đức vượt qua khe suối và tiến về phía nhà máy Tháng 10 Đỏ. Đầu tiên chúng tôi chỉ ngồi im trong các hầm cá nhân. Rồi cha mẹ tôi chạy ra ngoài để giúp đỡ những người bị thương với chân tay đã đứt rời. Họ băng bó tạm cho những người bị thương và các bác sĩ quân y xuất hiện, đưa những người bị thương đi. Gần sông Volga có một bệnh viện" - bà kể.

Savelyeva nói rằng gia đình bà đã sống trong cảnh không có thực phẩm. Họ phải ăn đất sét, thứ được bà mô tả là có vị hơi ngọt. Mấy mẹ con uống nước từ sông Volga. Bà kể rằng mẹ đẻ thường vứt đi những miếng nhỏ đất sét nhuốm máu, lọc lấy số còn lại để ăn. Chút đường có trong đất sét đã giúp bà sống sót. Nhưng em trai bà đã không chịu được và chết vì giá lạnh.

Cuộc chiến đẫm máu

Quân đoàn 6 đã tiến qua phía Nam Liên Xô với tốc độ chớp nhoáng, tới gần vùng Caucasus nhiều dầu và Stalingrad, gần cửa sông Volga chiến lược. Nhưng chính tại đây, Hồng quân đã chặn đứng bước tiến của người Đức. Mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin khi đó là: "Không đầu hàng". Mệnh lệnh của Hitler: "Không rút lui".

Chẳng ai biết rõ có bao nhiêu người lính đã bỏ mạng ở Stalingrad do rất khó để ước tính. Nhưng khả năng con số này lên tới gần 1 triệu người. Các cuộc chiến ở Stalingrad đều là các màn giao tranh ở cự ly gần, trong đống đổ nát của thành phố từng là một trung tâm công nghiệp hùng mạnh. Súng lớn, xe tăng, máy bay đã được dùng để chống lại những con người đang tử thủ trong đống đổ nát ấy.

Cuối cùng lính Đức sa lầy trong các cuộc chiến đường phố, khi mùa Đông  tới gần. Tư lệnh quân Đức Friedrich Paulus, đã đề nghị rút quân, nhưng Hitler không đồng ý.

Quân đội Liên Xô đã bí mật tập kết tại phía Đông và phía Bắc. Rồi họ cắt đứt Quân đoàn 6 khỏi nguồn tiếp tế. Từng chút một, đạo quân hùng mạnh khi mới rời khỏi Paris ấy đã suy yếu trong cái đói, cái lạnh và rồi thất bại. Ngày 31/1, Paulus tuyên bố đầu hàng. Tới ngày 2/2, toàn bộ tàn quân phát xít ở Stalingrad cũng đầu hàng nốt.

Thống chế Paulus suýt bị giết chết

Năm 1942, Konstanin Duvanov mới là một người lính 19 tuổi. Ông đã rút chạy từ Ukraine cùng Hồng quân trở lại quê nhà Stalingrad. Một trong những ký ức mà ông còn nhớ là hình ảnh sông Volga bốc cháy.

"Hai bên bờ sông đầy cá chết bên cạnh đầu, chân, tay người, tất cả đều nằm bên bờ sông. Đó là thi thể của những người đã được sơ tán sang bên kia sông Volga khi họ trúng bom" - ông nói.

Duvanov chiến đấu ở Stalingrad cho tới hết cuộc chiến. Tình cờ ông đã tới Quảng trường Đỏ của thành phố để canh gác một xe liên lạc của lính Đức bị bắt. Đó là ngày 31/1/1943, thời điểm Paulus tuyên bố đầu hàng trong tầng hầm của cửa hàng bách hóa Univermag và được dẫn ra một chiếc xe của Hồng quân.

"Nửa giờ sau đó, chúng tôi thấy một hạ sĩ mang theo 3 khẩu súng máy chiến lợi phẩm thu được trên vai" - ông kể - "Anh này đi tới chiếc xe và thấy Paulus bên trong. Anh bèn nói “À! Viên tướng đã giết rất nhiều người đang ngồi trong xe như không có chuyện gì xảy ra vậy'". Nói rồi anh ta nạp đạn vào khẩu súng máy và ngắm vào chiếc xe.

Theo lời Duvanov, Paulus đã há miệng kinh ngạc, người ông ta trắng bệch như tờ giấy. "Anh biết đấy, chỉ thêm một mili giây nữa là sẽ chẳng còn vị thống chế nào cả" - ông nói. Đột nhiên một trung úy xuất hiện, đẩy khẩu súng đi chỗ khác, đóng cửa xe rồi hét lên với tay tài xế: "Chạy đi, vì Chúa, nếu không ông ta sẽ bị giết ngay bây giờ đấy".

Paulus sống sót sau cuộc chiến và dọn tới sống ở Đông Đức. Tổng cộng có 91.000 lính của ông này bị bắt ở Stalingrad.

Tường Linh (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm