80 năm vụ đốt sách của Phát xít Đức: Khi văn hóa bị 'thanh trừng'

13/05/2013 14:33 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngọn lửa bùng lên từ những cuốn sách mới bị ném vào đám cháy và theo đó các giá trị trong sách... cũng biến mất vĩnh viễn. Sự kiện đốt sách này diễn ra vào ngày 10/5/1933, khi các sinh viên Đức tụ họp để đốt hơn 20.000 cuốn sách được xem là "không có chất Đức".

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ vì sao sách và sản phẩm văn hóa lại trở thành mục tiêu bị công kích?

Sự kiện đốt sách do phát xít Đức thực hiện, diễn ra ở Berlin vào năm 1933

Thanh trừng văn hóa

Khi các tác phẩm của Ernest Hemingway, Helen Keller, Sigmund Freud và thậm chí là Albert Einstein bị ném vào đám lửa, Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels tuyên bố: "Thời đại của chủ nghĩa Do thái giáo cực đoan đã tới hồi cáo chung".

Tuy nhiên hành động đốt sách của phát xít Đức không phải là lần đầu tiên. Trong lịch sử nhân loại, văn hóa đã thường xuyên trở thành mục tiêu bị tấn công. Giống như  sử gia CH Séc Milan Hubl từng nói: "Bước đầu tiên trong việc tiêu diệt một dân tộc là xóa bỏ ký ức của nó. Phá hủy các cuốn sách, nền văn hóa và lịch sử. Tiếp đó, dùng ai đó để viết những cuốn sách mới, sản xuất ra một nền văn hóa mới, phát minh ra một lịch sử mới. Chẳng mấy chốc, một đất nước sẽ bắt đầu quên nó là gì và đã từng như thế nào. Thế giới xung quanh nó thậm chí còn quên nhanh hơn".

Trước phát xít Đức, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng, người qua đời vào năm 210 trước Công nguyên, cũng cổ súy cho việc đốt sách. Tần Thủy Hoàng không chỉ đốt vô số cuốn sách, ông còn cho chôn sống hàng trăm học giả.

"Thanh trừng văn hóa là một khía cạnh của việc thanh trừng sắc tộc hoặc diệt chủng" - chuyên gia về di sản văn hóa Robert Bevan nhận xét - "Đây không chỉ là việc sát hại một nhóm người mà còn gỡ bỏ quyền được tồn tại trong xã hội, các dấu vết và chứng cứ về lịch sử tồn tại của họ".

Những biến chuyển thời hiện đại

Trước phát xít Đức, đã có nhiều kẻ thành công trong việc hủy diệt văn hóa. Ví dụ như sự kiện thư viện Bayt al-Hikma (Ngôi nhà thông thái). Được xây dựng và nuôi dưỡng trong triều đại Abbasid kéo dài từ thế kỷ thứ 8 tới thế kỷ thứ 9, công trình thư viện Bayt al-Hikma ở Baghdad đã chứa hơn 18.000 bộ sách được dịch từ các tác phẩm kinh điển có trên khắp thế giới. Đây là nơi đã thu hút các học giả Hồi giáo chói sáng nhất.

Nhưng vào năm 1259, khi cháu của Thành Cát Tư Hãn tiến hành cuộc vây hãm Baghdad, thư viện này đã nằm trong số các công trình bị tấn công, hủy diệt đầu tiên. Các lãnh đạo Mông Cổ đã kêu gọi các vua Hồi giáo đầu hàng, nhưng khi bị từ chối, sự tức giận của họ dâng cao. Chuyện kể rằng nước sông Tigris chảy qua Baghdad khi đó đã đổi sang màu đen từ mực bị ném xuống và sau đó là màu đỏ từ các nhà khoa học, triết gia bị giết. Sự sụp đổ của Baghdad khiến hoạt động nghiên cứu khoa học Hồi giáo tụt hậu nhiều năm.

Khi công trình di sản văn hóa Iraq đối diện với các cuộc tấn công tương tự trong thời hiện đại, đã có luật quốc tế bảo vệ lợi ích văn hóa trên toàn thế giới. UNESCO đã nằm trong số nhiều cơ quan được thành lập để bảo vệ di sản văn hóa. Trong khi đó Công ước Bảo vệ Tài sản văn hóa trong tình huống có xung đột vũ trang lại chỉ rõ điều gì là có thể chấp nhận được/không thể chấp nhận liên quan tới di sản văn hóa. Lá chắn Xanh là biểu tượng được dùng để nhận dạng các di sản văn hóa được công ước này bảo vệ, có vị trí ngang với tổ chức Chữ thập Đỏ.

Tuy nhiên không phải lúc nào lá chắn này cũng được tôn trọng. Trong cuộc xung đột Nam Tư, xe tăng của quân đội Nam Tư bị tố cáo đã nã pháo vào những tòa nhà có vẽ biểu tướng Lá chắn Xanh này.

Một cuộc chiến bảo vệ di sản văn hóa

Theo chuyên gia di sản văn hóa Patrick Boylan, thế kỷ 20 đã chứng kiến nhiều vụ cố ý tấn công lên các biểu tượng văn hóa. Ví dụ như năm 2001, Taliban gây sốc thế giới khi cố tình cho nổ các bức tượng đá cẩm thạch Phật Bamiyan của Afghanistan.

Khi đó Taliban nói rằng các bức tượng được xây dựng vào thế kỷ thứ 6, thời điểm Bamiyan còn là một địa chỉ Phật giáo thiêng liêng, đã thể hiện sự sùng bái thần tượng và không phù hợp với Hồi giáo. Taliban tuyên bố: "Chẳng có gì to tát cả. Các bức tượng này chỉ làm từ bùn hay đá mà thôi".

Cả thế giới lên án quan điểm này. Taliban sau đó bào chữa cho hành động của mình, rằng tổ chức đã phẫn nộ trước việc tiền được rót tới để bảo vệ các bức tượng trong khi Afghanistan đang rất cần viện trợ nhân đạo.

Thực tế nguyên nhân nằm ở sâu xa hơn. "Các vụ tấn công nhằm vào các bức tượng thường đánh vào văn hóa của cả một cộng đồng. Người ta cố gắng hủy diệt các yếu tố mang tính biểu tượng đó" - Vince Michael từ quỹ Di sản văn hóa toàn cầu nói.

Nhưng bên cạnh những kẻ muốn phá hủy văn hóa nghệ thuật, vẫn luôn có những người hy sinh mạng sống để bảo vệ nó. Khi các chiến binh Hồi giáo cực đoan rút chạy khỏi thành phố Timbuktu ở Mali hồi đầu năm nay, họ đã nổi lửa đốt một thư viện chứa hàng ngàn văn kiện vô giá, chứa đựng các tư tưởng về tôn giáo, luật pháp, văn chương và khoa học. Những người trông nom thư viện đã đứng lên bảo vệ những cuốn sách bằng cách mang chúng về nhà cất giữ cẩn thận, không quan tâm tới hậu quả.

Và giống như ở Mali, cũng có những người đã đứng lên chống lại sự hủy diệt văn hóa của phát xít Đức. Trong số họ có Anne Frank và nỗ lực của cô trong việc ghi lại cuộc sống của một người Do Thái trẻ tuổi trước sự khủng bố vào thời Thế chiến II. Cuốn nhật ký cô để lại được xem là dữ liệu quan trọng nhất nói về một cuộc tấn công nhằm vào di sản văn hóa thời hiện đại. Những sự phản kháng như thế cũng khiến cho âm mưu hủy diệt văn hóa của phát xít Đức trở nên thất bại.

Tường Linh (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm