7 Nguyên tắc cha mẹ cần nắm rõ để homeschool thành công

06/11/2016 14:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nắm vững những nguyên tắc cơ bản sau, việc dạy con học tại nhà sẽ thật dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều…

KHÔNG CÓ THỜI GIAN BIỂU, ĐỊA ĐIỂM, HÌNH THỨC HỌC CỨNG NHẮC


Với phương pháp dạy học truyền thống – tại trường học, học sinh sẽ phải tuân thủ theo một thời khoá biểu cố định đã được nhà trường, giáo viên thông qua. Ví dụ như thứ hai phải học những môn gì thì dù không thích trẻ cũng bắt buộc phải học. Trẻ không được chạy lung tung trong giờ học, phải ngồi ngoan ngoãn tại chỗ của mình lắng nghe giáo viên giảng bài rồi làm bài tập… Điều này vô hình chung gây ra tâm lý chán nản, gò bó, không thích học ở trẻ.

Còn đối với homeschool, nếu muốn thành công, cha mẹ cần đảm bảo thời gian biểu, địa điểm học tập linh động và thoải mái cho con. Hãy chắc chắn rằng con được học bất cứ thứ gì con thích, bất cứ khi nào con muốn và bất cứ nơi nào con cảm thấy thoải mái từ phòng ngủ, phòng ăn đến ngoài sân, ngoài vườn.

KHÔNG CÓ TRẺ KÉM, CHỈ CÓ NỘI DÙNG PHÙ HỢP HOẶC KHÔNG

Giáo án mà các bậc phụ huynh áp dụng cho con em mình khi theo phương pháp homeschool thường được nghiên cứu và thiết kế phù hợp với khả năng của trẻ. Nếu trẻ tiếp thu được và áp dụng nó vào trong quá trình học tập thì nội dung đó phù hợp. Ngược lại, nếu trẻ đang gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận tri thức thì có chăng là do giáo án chưa phù hợp với con mà thôi. Khi đó, cha mẹ cần có sự thay đổi.

KHÔNG VUI, KHÔNG HỌC


Với giáo dục trường học, nếu hôm nay đi học trẻ cảm thấy không vui thì trẻ vẫn phải học, vẫn phải lắng nghe bài giảng của giáo viên và vẫn phải hoàn thành bài tập của mình. Việc tiếp nhận tri thức một cách “ép buộc” như thế không hề đem lại hiệu quả cao.

Do đó, khi quyết định dạy con ở nhà, muốn thành công cha mẹ cần đảm bảo nguyên tắc: không vui không học. Tức là, trong quá trình học, cả cha mẹ và con cái đều phải ở trong tâm trạng thoải mái nhất, tự nguyên tham gia buổi học chứ không phải do “bắt ép”. Nếu hôm nay con không vui, con có thể không học. Thay vào đó, bố mẹ có thể đưa con ra ngoài đi dạo, tâm sự hay chơi trò chơi cùng con để giải toả tâm lý, áp lực cho con, giúp con nhanh chóng lấy lại tinh thần, vui vẻ trở lại.

KHÔNG CÓ RANH GIỚI GIỮA CHƠI VÀ HỌC

Khác với giáo dục ở trường khi mà giờ học và giờ chơi được phân định rõ ràng thì homeschool không nên giới hạn ranh giới giữa hai việc này. Giờ ăn cũng có thể là giờ học, giờ chơi cũng có thể là giờ học và ngược lại. Việc phá bỏ ranh giới cứng nhắc giữa chơi và học sẽ giúp trẻ thoải mái, vui vẻ, không căng thẳng, qua đó tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và nhớ lâu hơn.


KHÔNG ĐẶT GIỚI HẠN THỜI GIAN THEO MỤC TIÊU HỌC

Ở trường, vì chạy theo giáo án nên mỗi giờ, trẻ sẽ được học một kiến thức khác nhau. Cho dù kiến thức cũ trẻ chưa nắm được thì vẫn phải tiếp thu kiến thức mới. Điều này khiến mỗi kiến thức, trẻ chỉ nắm được nửa vời và nhiều khi không hiểu về bản chất.

Do vậy, để kiến thức có thể thực sự là của trẻ, hãy quên đi giới hạn về thời gian. Nếu kiến thức này hôm nay trẻ chưa hiểu, hãy để thêm một hôm nữa. Thời gian thực sự không quan trọng, mà con học được gì mới là điều chúng ta cần lưu ý.

KHÔNG CÓ KIỂM TRA, CHỈ CÓ ĐỐI THOẠI GIỮA HAI MẸ CON

Kiểm tra miệng, kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra học kỳ… là những bài kiểm tra mà trẻ bắt buộc phải làm khi học ở trường. Những bài kiểm tra này vô tình gây ra những áp lực, căng thẳng cho các bé, làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Với homeschool, những bài kiểm tra này sẽ không tồn tại. Tất nhiên việc kiểm tra xem con tiếp thu đến đâu vẫn phải có nhưng nó sẽ dừng ở mức những câu chuyện, những cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái. Những màn đối thoại gần gũi, thân mật sẽ giúp trẻ tự tin và thoải mái hơn.


NHẠY CẢM VỚI BÉ.

Nguyên tắc cuối cùng để dạy con thành công đó là cha mẹ cần phải nhạy cảm với bé. Theo đó, cha mẹ cần phải hiểu con, biết con muốn gì, cần gì, thích gì và có sở trường ở những lĩnh vực gì. Từ đó, cha mẹ sẽ thiết kế những bài học phù hợp để dạy con, đồng thời biết được thời điểm này nên dạy trẻ cái gì, không nên dạy cái gì.

Quí Cao
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm