50 năm ca khúc "Love Me Do": The Beatles thời “vô danh” ở Hamburg

06/10/2012 10:11 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Ngày 5/10/1962, ban nhạc The Beatles đã tung ra đĩa đơn đầu tiên: Love Me Do ở Hamburg (Đức). Rất nhanh sau đó họ trở thành các siêu sao thế giới. Và cho đến nay, đã có 250 triệu đĩa được tiêu thụ trong 50 năm, một thành tích mà mới chỉ có The Beatles đạt được.

Cửa trước của tòa nhà Bambi Kino ọp ẹp, cây thường xuân bám quanh.

Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy nơi này đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử âm nhạc. Song tới gần hơn, bạn sẽ thấy có một tấm gương, trên đó có dòng chữ: “The Beatles từng sống ở đây trong những năm 1960” và phía trên đó là một bức ảnh của ban nhạc. Cuộc tìm kiếm dấu tích của ban nhạc nam nổi tiếng nhất thế giới ở Hamburg bắt đầu.

“Lang thang” khắp các câu lạc bộ đêm

Ông Peter Paetzold năm nay 62 tuổi là người lớn lên ở St. Pauli, quận gần đường Reeperbahn “khét tiếng”, nơi khởi dựng sự nghiệp của ban nhạc The Beatles. Tòa nhà tồi tàn Bambi Kino từng là một rạp chiếu, nơi Paetzold, lúc đó khoảng 10 tuổi, từng xem nhiều bộ phim Disney. 4 chàng trai người Liverpool (Anh) đã sống ở đây 3 tháng.


“Đối với chúng tôi, họ chỉ là những ca sĩ rock người Anh sống ở đây. Trông họ khác hẳn các nghệ sĩ rock Hamburg” - Paetzold nhớ lại và cho biết hình ảnh đọng lại trong tâm trí ông về 4 chàng trai này là những chiếc quần jean màu đen và cách ăn mặc của họ. “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi có những chiếc quần jean xanh 5 năm sau đó”.

Đi tiếp dọc theo con phố đối diện là Indra, nơi The Beatles đã có buổi trình diễn đầu tiên ở Hamburg vào ngày 17/ 8/1960.

“Đây từng là hộp đêm trình diễn múa thoát y. Nhưng khi The Beatles trình diễn thì nơi này chỉ đơn thuần là rock ‘n roll” - Paetzold cho biết và chỉ lên tấm biển bằng vàng ở cạnh lối ra vào, trên đó ghi lại ký ức về thời kỳ này.

Sau 48 màn trình diễn ở Indra, The Beatles chuyển tới Kaiserkeller, chỉ cách đó vài bước chân và thuộc cùng một ông chủ. Ở đây, họ gặp Richard Starkey, người sau này mang nghệ danh là Ringo Starr và từng chơi trống trong ban nhạc Rory Storm & The Hurricanes. Sau đó, Ringo Starr thế chỗ của nghệ sĩ trống Pete Best trong ban nhạc.

Sau vài tuần trình diễn tại Kaiserkeller, The Beatles muốn chuyển tới câu lạc bộ Top Ten ở đường Reeperbahn. Song sau đó, George Harrison đã bị trục xuất trở về Anh bởi lúc đó ông mới 17 tuổi, tuổi chưa được phép bước chân vào các câu lạc bộ đêm.

Có lời đồn rằng, ông chủ của Kaiserkeller đã trình báo tuổi của Harrison với cảnh sát bởi ông thấy bực khi The Beatles muốn rời khỏi câu lạc bộ của mình. Cuối cùng, cả ban nhạc quyết định trở về Anh.

Ban nhạc The Beatles từng sống trong tòa nhà Bambi Kino ở Hamburg (Đức) khi mới lập nghiệp

Tạo bước ngoặt sự nghiệp nhờ hát đệm

Đầu năm 1961, The Beatles trở lại Hamburg và trình diễn ở câu lạc bộ Top Ten trong 3 tháng. Cùng thời điểm đó, họ hát đệm cho ca sĩ rock Anh Tony Sheridan khi thu âm nhạc phẩm My Bonnie và lấy nghệ danh là The Beat Brothers. Đây là sản phẩm thu âm đầu tiên của The Beatles.

Nhạc phẩm này đã trở thành dấu mốc trong sự nghiệp của ban nhạc. “Với bản thu âm đó, Brain Epstein bắt đầu phát triển ban nhạc thành một hiện tượng pop. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu như The Beatles không thu âm nhạc phẩm đó ở Hamburg” – Paetzold giải thích.

Vài tháng trước khi phát hành đĩa đơn đầu tiên - Love Me Do – vào ngày 5/10/ 1962, The Beatles có hợp đồng trình diễn đầu tiên tại câu lạc bộ mới mở Star Club. Thời điểm đó, họ chưa nổi tiếng, song tất cả đã nhanh chóng thay đổi sau khi ca khúc Love Me Do “làm mưa làm gió” trong các bảng xếp hạng.

Hiện nay, tòa nhà của câu lạc bộ huyền thoại Star Club không còn nữa, song nơi đây vẫn treo tấm biển tôn vinh những ban nhạc từng tới trình diễn.

Khi còn trẻ, ông Paetzold từng lang thang quanh khu vực này để tìm kiếm những bản thảo viết tay. Ông trở nên thân thiết với một số ngôi sao lớn (thời đó tiếp cận với các ngôi sao dễ dàng hơn thời nay). “Tôi từng ngồi với nhiều ban nhạc trong quán bar trước khi họ lên sân khấu trình diễn. Toàn bộ Star Club là một gia đình lớn. Các ban nhạc, những người gác cửa, khán giả và khách hàng quen thuộc” - Paetzold nói.

Năm 1966, khi The Beatles đã nổi tiếng khắp thế giới, Paetzold đã gặp John Lennon tại một cửa hàng đồ da chuyên phục vụ tầng lớp thượng lưu ở Hamburg. Còn Paetzold thường xuyên tới cửa hàng này để tìm kiếm các bản thảo viết tay.

“Bỗng nhiên John Lennon xuất hiện” - ông Paetzold nhớ lại. “Đây là một cuộc gặp gỡ hết sức ngắn ngủi. Chỉ 3 câu nói, một bản thảo viết tay và ông ấy ra khỏi cửa hàng”.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm