08/03/2013 11:34 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (7/3), Cục Điện ảnh đã tổ chức họp báo về Lễ Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Lễ kỉ niệm sẽ diễn ra ngày 14/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Điện ảnh ngày nay luôn cố gắng tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng những thước phim đó chưa là gì so với hiện thực khốc liệt, dữ dội gấp trăm lần mà các nghệ sĩ điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã từng trải qua.
Điện ảnh một thời khói lửaKể từ năm 2010 ngày 15/3 đã trở thành Ngày Điện ảnh Việt Nam vì vào ngày này năm 1953, tại khu Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đánh dấu mốc sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL, đặt Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Đây là mốc chính thức thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trải qua 60 năm, điện ảnh Việt đã qua bao thăng trầm, mà giờ đây mỗi khi nhớ về, những người làm điện ảnh đều thấy tự hào.
BTC họp báo. Từ trái qua: Chánh văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, đạo diễn Nguyễn Thước .Ảnh: Phương Thúy |
Từ những ngày đầu điện ảnh tại Bưng Biền, Đồi Cọ, tới điện ảnh Cách mạng đã đặt nền tảng cho ngành điện ảnh Việt Nam ngày nay, đã có một thời người Việt làm điện ảnh trong điều kiện "không tưởng". Người trẻ bây giờ nếu không đọc lịch sử chắc cũng khó hình dung đã có một thời người Việt làm điện ảnh trong điều kiệu bom rơi đạn nổ, sống chết không biết lúc nào, rồi làm điện ảnh mà... thiếu điện, tráng rửa phim trong chum vại, lu nước... Nhưng ý chí của người nghệ sĩ sinh ra trong cách mạng lúc nào cũng ngùn ngụt.
Trong bộ phim tài liệu Những chặng đường Điện ảnh Cách mạng Việt Nam của đạo diễn Nguyễn Thước, NSND Đặng Nhật Minh hồi tưởng: "Hồi đó chúng tôi làm điện ảnh với tấm lòng hoàn toàn trong sáng, mỗi người đều nghĩ mình là một chiến sĩ trên mặt trận nên chẳng quản ngại khó khăn". Còn cố NSND Hải Ninh kể: "Ngày xưa làm điện ảnh có ai có cát sê đâu, thậm chí còn hi sinh rất lớn. Khi bom rơi đạn nổ mọi người phải cúi xuống để tìm chỗ tránh thì người làm điện ảnh phải ngoi lên để quay phim".
Dù làm việc trong điều kiện "không tưởng" như vậy nhưng điện ảnh Cách mạng đã tạo ra một thế hệ vàng, làm ra những sản phẩm được vinh danh ở các LHP Quốc tế, và có thời kì Việt Nam được coi là một cường quốc phim tài liệu.
Về nguồn cội Điện ảnh Nhân dịp này Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tổ chức các đoàn nghệ sĩ điện ảnh Bưng Biền (Long An) và Đồi Cọ (Thái Nguyên) về thăm lại cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam. |
Tại Lễ Kỷ niệm vào hôm 14/3 sắp tới, các nghệ sĩ nhân dân, các nhà điện ảnh lão thành cách mạng, các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ có nhiều cống hiến, đại diện các trung tâm phát hành phim sẽ cùng tề tựu tại Nhà hát Lớn, cùng ôn lại kỷ niệm một thời... Cũng tại Buổi lễ này Bộ VH,TT&DL sẽ trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các nhà điện ảnh cách mạng lão thành tiêu biểu - những người hoạt động Điện ảnh tại Bưng Biền và Đồi Cọ giai đoạn 1946 - 1953.
Cơ hội để khán giả xem lại các bộ phim kinh điển
Nhân dịp này, Cục Điện ảnh sẽ nhân bản đĩa DVD các phim truyện kinh điển của Điện ảnh Việt như: Đêm hội Long trì, Bao giờ cho đến tháng 10, Về nơi gió cát; các bộ phim tài liệu từng đoạt giải cao tại LHP trong nước và quốc tế như Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nước về Bắc Hưng Hải, Điện Biên Phủ. Các bản phim này sẽ được gửi tới các đội chiếu bóng lưu động của các công ty điện ảnh, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh thành phố thuộc Trung ương để chiếu phục vụ nhân dân.
Ngoài ra ở Hà Nội, Viện Phim Việt Nam sẽ tổ chức chiếu giới thiệu tại Rạp Ngọc Khánh các bộ phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng. Thời gian bắt đầu từ 9h sáng ngày 8/3 đến 14/3 với các phim điện ảnh: Mùi cỏ cháy, Chung một dòng sông, Hot boy nổi loạn, Cánh đồng bất tận, Tây Sơn hào kiệt, Đời cát, Cánh đồng hoang; các phim tài liệu: Chốn quê, Đảo Lý Sơn, Người thắp lửa, Đất lạnh; các phim hoạt hình: Xe đạp, Đáng đời thằng Cáo.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất