Tính toán chi tiêu thời bão giá

09/03/2011 10:53 GMT+7 | Thế giới

Tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu là những cụm từ thường trực trong đầu các bà nội trợ khi mua sắm hàng ngày cho gia đình vào thời điểm này. Mặt hàng nào cũng tăng giá trong khi thu nhập có hạn khiến nhiều người gặp khó khăn trong chi tiêu.


Thời bão giá, khách hàng thường đắn đo khi chi tiêu và chọn hàng giảm giá. Ảnh: Tuyến Nguyễn

1.001 cách chi tiêu tiết kiệm


Trên trang web Mẹ và bé, nick Hoachi102 than: “Sợ quá cả nhà ơi, từ 1.3, cái gì cũng tăng giá. Điện tăng, xăng tăng, gas tăng, sữa tăng, thực phẩm tăng… Hôm qua em đi mua cái tủ nhựa cho thằng cu con, đã thấy tăng thêm 200.000 đồng. Em hỏi sao cao thế, người ta bảo mua nhanh đi, còn tăng nữa. Nhà em hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ, mà đứa nào cũng đang tuổi tiêu thụ nhiều sữa, tháng nào cũng hết 1 triệu tiền điện, 1 bình gas 12kg... Sắp tới em phải cắt giảm chi tiêu thôi. Mà nghĩ mãi chưa biết giảm từ đâu...” Ngay lập tức một nick Trangthai an ủi: “Phải thắt lưng bưộc bụng thôi. Mình lập ra một danh sách xem cái gì bỏ được thì bỏ. Thay vì đi làm ăn cơm trưa ngoài thì mang cơm theo... Không mua sắm thêm quần áo không cần thiết... Thay vì hẹn bạn ở quán ăn thì gặp nhau ở quán trà. Không đi du lịch xa mà du lịch gần kiểu cắm trại, cuối tuần về quê chơi cho rẻ và trong lành... Nếu muốn tiết kiệm hơn thì nấu một bữa ăn hai lần đỡ tốn gas... Trẻ em nên xin đồ cũ về cho mặc vì chúng nó lớn nhanh lắm…”

Chị Trần Hoa ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội kể: bình thường chị hay đi chợ ở cổng ngõ nhưng giá cả lên quá. Giờ chịu khó đi chợ đầu mối Long Biên, cách hơn 2km, hàng ngon, giá lại rẻ. Mỗi buổi đi chợ xa cũng tiết kiệm được 25.000 – 30.000 đồng tiền chợ. Mỗi thứ tiết kiệm một chút. Chị Hoa chia sẻ, không nên thấy rẻ mua nhiều về không dùng hết bỏ phí. Phải lên danh sách mua gì, bao nhiêu, và chỉ mua những thứ gia đình cần dùng.

Mua chung hàng cũng là cách tiết kiệm được nhiều bà nội trợ hưởng ứng. Trên trang web làm cha mẹ, hưởng ứng mua chung giấy vệ sinh. Mua lẻ 40.000 đồng/10gói nhỏ nhưng mua nhiều giá chỉ còn 38.000 đồng/10 gói. Mua số lượng lớn sẽ giảm nhiều. Và các bà mẹ đã rủ nhau mua chung để được giảm giá. Các mẹ cũng mách nhau vào siêu thị săn hàng giảm giá. Các siêu thị lớn đều có dịp khuyến mãi hay giảm giá.

Tại nhiều văn phòng, cảnh nhân viên xách cặp lồng cơm đang quay trở lại. Chị Thu Linh, nhân viên văn phòng ở số 4, Láng Hạ, Hà Nội nói: “Cơm trưa văn phòng gần cơ quan tăng giá, mỗi suất 30.000 – 35.000 đồng mới ăn được. Buổi sáng mình nấu dư cơm, thức ăn ra rồi mang tới cơ quan ăn trưa luôn. Bữa sáng cả nhà không ăn ngoài nữa, lại nấu được cả cơm bữa trưa mang theo. Ăn vừa vệ sinh, lại rẻ. Cơ quan mình rất nhiều người quay trở lại thời cơm cặp lồng”.

Cân nhắc khi mua hàng

Giá gas, giá điện tăng, nhiều gia đình chọn mua bếp từ. Các loại bếp do Trung Quốc, Đài Loan sản xuất có giá khá bình dân từ 500.000 đến 1 triệu đồng/bếp. Chị Thuỷ, ở ngõ 98 Xuân Thủy, Cầu Giấy vừa mua một bếp từ ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn nói, “dùng bếp từ đun nhanh lắm”. Bếp từ có hiệu suất sử dụng nhiệt nấu nướng lên đến 85 – 90%, ở bếp gas chỉ 40%. Với hiệu suất cao như thế, bếp điện từ sẽ tiết kiệm nhiều chi phí lẫn thời gian. Tại chợ Tân Thanh, mặt hàng này đang bán khá chạy. “Cơ quan chị lên đó chơi ai cũng mua một bếp về”, chị Thuỷ khoe.

Anh Thanh, nhân viên bán hàng siêu thị Nguyễn Kim cho biết, bây giờ khách hàng lựa chọn sản phẩm đều xem kỹ thiết bị tiêu hao điện như thế nào. Các thiết bị ít tiêu hao điện năng sẽ hút khách hàng. Thời điểm này, các mặt hàng chống nóng cho mùa hè đang vào mùa nhưng theo các nhà kinh doanh, nhiều khả năng năm nay hàng hoá bán sẽ chậm do người tiêu dùng đang thực hiện thắt lưng buộc bụng.

Học tiết kiệm từ chuyện… tám

Chỉ cần ngóng các bà nội trợ “tám” chuyện cơm áo gạo tiền cũng ra được nhiều bài học thực tế bổ ích. Không đâu xa, ngay tại khu xóm nhỏ của tôi ở quận 11, cứ khoảng 8 giờ sáng chủ nhật, đi chợ về tới là các bà tụ họp nói chuyện chợ búa. Trong phường đó có người làm công nhân, nhân viên văn phòng, buôn bán, giáo viên, thuần nội trợ. Bà Loan, nhân viên văn phòng mở màn: “Tụi nhỏ đòi ăn cá lóc kho tộ, canh chua nhưng chợ sáng nay cá lóc mắc quá, tui đổi cá rô con rẻ hơn. Mua bó rau muống nấu chua với vài ngàn tôm khô là xong nồi canh. Sáu mươi ngàn thôi mà cả bốn người vẫn đủ món theo yêu cầu”.

Còn bà Chi – giáo viên mầm non, mở giỏ đồ ra, nào là củ sen, xương heo (lợn), trứng muối, một bó rau dền và tiết lộ: “Một trăm ngàn chỉ có bao nhiêu đây thôi, đủ cho gia đình năm người ăn cả ngày. Hễ món canh mắc tiền thì món mặn, món xào phải rẻ”.

Gia đình bà Mười có đến tám người nhưng chỉ nấu một bữa cơm tối. Cả ngày chỉ có mình bà ở nhà, những người đi làm, đi học đã có cơm trưa ở cơ quan, ở trường. Bà Mười tâm sự: “Ăn buổi tối chung có không khí gia đình vui lại tiết kiệm được thức ăn. Buổi sáng còn dư hâm lại, khỏi tốn tiền ăn sáng”.

Còn bà Hải – tiểu thương ở chợ đưa bí quyết: “Thằng con tui thích ăn đùi gà chiên. Lúc trước đùi gà có 35.000 đồng/kg, tui mua cả ký, chiên nguyên cái đùi để nó ăn cho đã. Bây giờ đùi gà mắc gấp đôi, tui mua nửa ký, chặt nhỏ ra, nêm hơi mặn một chút, cũng xong bữa cơm”.

Chịu khó ngóng thêm mới biết các bà còn nhiều “chiêu” khác. Siêu thị có những đợt giảm giá “sốc” hoặc khuyến mãi món nào là mua món đó để dành. Bà Hải tính: “Mỗi thứ giảm giá một chút nhưng toàn là hàng nhu yếu phẩm phải xài, cộng lại cũng tiết kiệm được kha khá”.

Theo SGTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm