5 lưu ý khi nói về công ty cũ trong cuộc phỏng vấn xin việc

23/11/2022 11:13 GMT+7 | Bạn cần biết

Khi tham gia phỏng vấn xin việc ở một công ty mới, nhiều khả năng nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về công ty cũ. Là một ứng viên khéo léo và thông minh, bạn chắc hẳn sẽ không dại dột để chia sẻ hết tất cả những suy nghĩ hoặc những điều không tốt bạn đã trải qua.

Dù vậy, có một số điều mà bạn cần lưu ý khi nói về công ty cũ trong cuộc phỏng vấn tìm việc làm ở Thủ Dầu Một Bình Dương hay Đồng Nai, TPHCM… hãy cùng tham khảo nhé.

Về những mâu thuẫn ở công ty cũ

Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà ứng viên cần lưu ý trong cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng đó là không đề cập đến những mâu thuẫn ở công ty cũ. Mâu thuẫn này bao gồm bất hòa giữa bạn với bất kì đồng nghiệp nào, hoặc là giữa những người khác với nhau, thậm chí cả không khí chưa thực sự hài hòa trong đội ngũ lãnh đạo…

5 lưu ý khi nói về công ty cũ trong cuộc phỏng vấn xin việc - Ảnh 1.

Đề cập đến mâu thuẫn ở công ty cũ sẽ vô tình gợi lên năng lượng tiêu cực. Nó cũng cho thấy bạn đã làm việc trong một "môi trường độc hại" trước khi có mặt ngay đây để tham dự kì ứng tuyển. Và chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có phần do dự khi chấp nhận bạn vào đội ngũ.

Ngược lại, trong cuộc phỏng vấn nếu được yêu cầu đề cập đến công ty cũ bạn chỉ nên tìm ra được điểm mạnh, khía cạnh tích cực để chia sẻ, bày tỏ sự biết ơn về cơ hội rèn luyện cho bản thân có thêm kinh nghiệm.

Không "nói xấu" sếp ở công ty cũ

Nói xấu sếp cũ là điều mà các nhà tuyển dụng "ghét" nhất ở ứng viên. Dù sếp cũ có những điều chưa được tốt trong quản lí, chính sách với nhân viên hay phương pháp làm việc, thậm chí là nguyên nhân bạn nghỉ việc… thì bạn cũng không nên đề cập trong cuộc phỏng vấn.

Nói xấu sếp cũ cũng là hành động cho thấy sự thiếu trung thành của bạn, hơn thế điều này cũng chứng tỏ bạn vẫn còn giữ thành kiến cũ, chưa sẵn sàng bỏ hết chuyện cũ để bắt đầu nhiệm vụ mới với một tâm thế lạc quan, tích cực đầy hứng khởi.

Nói xấu về sếp cũ cũng có nghĩa rằng bạn đã thất bại ở công việc trước đây cũng như cách mà bạn xây dựng mối quan hệ với cấp trên. Điều này chắc chắn không giúp bạn có được thiện cảm từ nhà tuyển dụng.

Không phàn nàn về mức lương và chính sách đãi ngộ

Ở bất cứ một công ty nào, mức lương và chính sách đãi ngộ cho từng nhân viên sẽ được đàm phán khi bạn bắt đầu nhận việc. Hai bên đã thỏa thuận và tất nhiên bạn đã đồng ý thì mới vào làm. Do vậy thật dại dột khi chia sẻ rằng, bạn cảm thấy không thỏa mãn với mức lương hay bất kì chính sách đãi ngộ của công ty dành cho bạn. Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng vấn đề là ở chính bạn. Hơn nữa họ sẽ hiểu rằng bạn đã không được đánh giá cao ở công ty cũ. Điều này chỉ gây thiệt thòi cho bạn trong cuộc thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng mới.

Thay vì phàn nàn về mức lương hay chế độ đãi ngộ ở công ty cũ thì bạn nên tập trung thể hiện những ưu thế của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng bạn xứng đáng nhận được mức lương cao hơn.

Không tiết lộ bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh của mỗi công ty thường được bảo mật rất kỹ. Tuy nhiên nếu nhờ tính chất công việc bạn được tiếp cận hoặc bạn vô tình biết được mà lại tiết lộ với nhà tuyển dụng mới thì tuyệt đối tránh, đặc biệt chỉ trong vòng phỏng vấn xin việc.

Khi tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty cũ, chính bạn đã tự thể hiện phẩm chất xấu của mình. Mặc dù điều này có lợi cho công ty mới nhưng nhà tuyển dụng sẽ không còn tin tưởng bạn và hiểu rằng bạn là kiểu nhân viên nguy hiểm cần loại bỏ. Đó là lí do bạn tuyệt đối không chia sẻ với bất cứ hình thức nào vì không chỉ bị đánh giá thấp mà còn có thể vướng vào hành động vi phạm pháp luật mà bạn không ngờ tới.

Không phàn nàn chuyện vặt vãnh

Điều kiện của công ty không tốt, không có chỗ nghỉ trưa cho nhân viên, không phụ cấp cơm trưa hay phụ cấp tiền xăng xe, thường xuyên bắt nhân viên làm thêm giờ, quản lí gắt gao giờ giấc đến và về… là những vấn đề được xem không đáng kể với một người làm việc có tâm và luôn muốn vươn tới nền tảng cao hơn. Đó hoàn toàn không phải là trở ngại để bạn phấn đấu hoặc cản trở bạn gắn bó với công ty.

Để tâm tới chuyện vặt vãnh và những điều không vui ở công ty cũ chỉ chứng tỏ bạn là người tiểu tiết, không làm được việc lớn. Hơn thế nhà tuyển dụng mới cho rằng bạn thiếu nhiệt huyết với công việc, thích đòi hỏi (dù những điều nhỏ nhặt) và điều này sẽ làm hẹp đi cơ hội được nhận của bạn.

5 lưu ý khi nói về công ty cũ trong cuộc phỏng vấn xin việc - Ảnh 2.

Bất kì chỗ làm nào cũng sẽ có những vướng mắc, những mâu thuẫn. Điều quan trọng là mỗi nhân viên cần biết cách dung hòa và chấp nhận để làm việc tốt vì mục tiêu của mình. Tuy nhiên nếu bạn quyết định nghỉ việc và tìm kiếm cơ hội mới thì cũng không nên chia sẻ những bức xúc của mình với nhà tuyển dụng mới trong cuộc phỏng vấn xin việc vì điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính bạn. Mong bạn đủ bình tĩnh và khôn ngoan khi đối diện với những câu hỏi của nhà tuyển dụng để đưa ra câu trả lời khéo léo nhất, tạo dấu ấn và nắm bắt được cơ hội mà mình đã chọn.

Đặng Hảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm