Hành trình trở về từ Libya

27/02/2011 14:27 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - 4h sáng hôm qua 26/2, 181 lao động Việt Nam đầu tiên đã đặt chân về tới Tổ quốc trên chuyến bay chuyên cơ mang số hiệu SHJ 5k241 của Bồ Đào Nha. Đón họ ở phi trường là những người thân đang khắc khoải mong tin từng ngày, đại diện các cơ quan chức năng trong nước và rất nhiều phóng viên báo chí.

Sau một lần đón “hụt” do bị hoãn chuyến bay dự kiến ngày 25/2, khoảng 2h sáng 26/2, sảnh quốc tế Sân bay Nội Bài đã có mặt đông đảo các phóng viên báo chí. Nhiều PV đã phải thức trắng đêm tại đây để đón người lao động vì trước đó có rất nhiều thông tin không chính thống về lộ trình chuyến bay của chuyên cơ SHJ 5k241.

Phóng viên nhiều hơn thân nhân

Do thời gian không thể chính xác nên rất ít thân nhân ra đón lao động. Trong chuyến bay đầu tiên này, có 181 lao động VN trong đó 176 người của Công ty Vinaconex MEC JSC và 5 người của Công ty Glo-tech JSC. Những lao động này được đưa ra khỏi Libya bằng đường hàng không từ sân bay quốc tế Tripoli để sang Malta, sau đó qua Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất rồi về nước.

Sau 2 ngày “đeo bám” tại sân bay Nội Bài, nhiều phóng viên đã để ý đến hình ảnh cô gái trẻ Đỗ Thị Thu Huyền (ở Nam Sách, Hải Dương). Huyền đã có mặt tại sân bay Nội bài đã tròn 2 ngày và trải qua một đêm trắng chờ đợi để đón người anh trai trở về. Cô luôn bồn chồn, đứng ngồi không yên. Những giọt nước mắt đã rơi khi người anh trai cô, Đỗ Văn Tin (30 tuổi) bước ra khỏi khu vực làm thủ tục. Họ ôm chầm lấy nhau trong nước mắt, nụ cười với nhiềm vui khôn tả. Cô òa khóc: “Anh trai đã bình an trở về, đó là điều hạnh phúc nhất của nhà em”.

Niềm vui phút gặp lại của hai anh em Đỗ Thị Huyền và Đỗ Văn Tin
Gần đó, hai anh em ruột người Mông là Ly Seo Sáng và Ly Seo Trang ở Simacai, Lào Cai đều mừng tủi khi trở lại quê hương. Cả hai đều là những công nhân Vinaconex, Ly Seo Sáng kể: “Chúng tôi không tưởng tượng lại đến một vùng đất nguy hiểm đến thế. Đặt chân về Tổ quốc mới thấy cái giá của yên bình”.

Sáng kể: “Máy bay cất cánh ở Libya lúc 5 giờ chiều ngày 24/2, sau hơn 1 giờ đồng hồ cả đoàn sang Malta. Tiếp đó từ sân bay Malta lại lên máy bay sang Dubai rồi từ đó bay về Hà Nội. Có rất đông người Việt Nam lẫn người nước ngoài đang ngồi đợi quá cảnh ở đây để bay thẳng về nước”.

Cùng chuyến bay với Tin, Sáng và Trang là hàng trăm công nhân khác, họ đều không giấu nổi niềm vui sướng và xúc động khi được an toàn trở về quê hương.

Chưa hết bàng hoàng!

Anh Tin cho biết: “Tình hình ở Libya rất phức tạp. Anh may mắn được làm việc cho chủ là người Bồ Đào Nha nên việc ăn ở được hỗ trợ kịp thời. Chặng đường từ sân bay Tripoli sang Malta cũng đầy gian nan. Ở sân bay có hàng nghìn người đang nằm ngồi vạ vật. Sân bay Tripoli những ngày qua rơi vào tình trạng quá tải, kẹt cứng, từ đầu đến cuối sân bay, chăn màn, bao ni lông... mà người lao động dùng để đắp, ăn uống vứt ngổn ngang.

Đoàn lao động VN đến sân bay Tripoli lúc 5 giờ sáng song tới tận 16 giờ cùng ngày mới vào được sân bay Tripoli để lên máy bay sang Malta. Tại đây, cảnh sát ở sân bay Tripoli bắt vứt hết những đồ đạc nặng mới cho vào sân bay, có người chỉ xách theo được một túi quần áo, đến giấy tờ tùy thân cũng không có để về. Sang đến Malta rồi, lao động lại phải chờ thêm 12 tiếng. Sau khi sang Dubai phải chờ thêm 8 tiếng đồng hồ mới được bay”.

Ly Seo Sáng kể: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ được ăn một bữa do tình hình lương thực khó khăn. Càng khó chịu và sốt ruột hơn khi mọi người đều phải ngồi đợi trên máy bay”.

Tương tự, anh Nguyễn Bá Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại những ngày người dân Libya xuống đường biểu tình. Công ty của anh Kiều cách thủ đô của Libya khoảng 15 km nên khi làn sóng biểu tình dâng cao, toàn bộ nhà máy trong thủ đô đã buộc phải đóng cửa. Tất cả công nhân trong công ty của anh phải ở tại công ty, chấp nhận ăn bánh mỳ cầm hơi. Kiều kể: “Đoàn biểu tình còn đập phá cả công ty, xông vào trong xí nghiệp. Những lúc như thế, công nhân Việt Nam chỉ biết ngồi co rúm lại. Hàng chục ngàn người tụ tập, chen lấn để được vào sân bay xếp hàng mua vé”.

Các lao động về nước cho biết, hiện lao động Việt Nam ở Libya đã ngừng sản xuất và tập kết về những nơi an toàn. Hầu như không có ai dám ra ngoài đường phố vì sợ. Mọi thông tin liên lạc với người thân, gia đình chủ yếu bằng điện thoại di động và Internet.

Chính phủ tiếp tục thuê máy bay đón công nhân

Ông Đào Công Hải: Chính phủ tiếp tục điều động chuyên cơ sang để đưa lao động về nước

Ông Đào Công Hải, Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hiện còn khoảng 5.000 lao động Việt Nam vẫn ở Lybia. Ngoài ra, hơn 1.444 người tại Thổ Nhĩ Kỳ, 700 người ở Hy Lạp, Tunisia có 600 người và đảo Síp có 139 người. Bộ LĐ-TB&XH đã cử 5 tổ công tác tới các quốc gia có biên giới với Libya để cùng với cơ quan ngoại giao hỗ trợ đảm bảo đưa lao động về nước. Các đoàn công tác hỗn hợp của Việt Nam sẽ lên đường đến các nước láng giềng của Libya là Tunisia, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hy Lạp ngay trong đêm 26/2 và ngày 27/2.

Ông Đào Công Hải khẳng định: “Trên tinh thần đảm bảo an toàn trên hết cho công dân VN, mặc dù chuyên cơ SHJ 5k241 có tới 350 chỗ ngồi nhưng ta chỉ sử dụng một nửa công suất để đưa các lao động của ta về sớm nhất có thể. Tất cả những công dân Việt Nam về nước đầu tiên đều đảm bảo điều kiện về sức khỏe và được đón tiếp tận tình chu đáo. Đồng thời, ngay trong ngày 26/2 sẽ có thêm nhiều chuyên cơ do Việt Nam thuê của nước ngoài, đồng thời Chính phủ đã điều động chuyên cơ của Vietnam Airlines sang để đưa lao động về nước”.

Sau khi xuống sân bay các lao động của Vinaconex Mec sẽ được công ty tổ chức xe đưa về tập kết tại trường dậy nghề của công ty tại xã Minh Phú, Sóc Sơn. Sau đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm đưa lao động ra các bến xe gần nhất để mọi người có thể đoàn tụ với gia đình. Bước đầu Vinaconex sẽ hỗ trợ mỗi người lao động số tiền 1 triệu đồng và tổ chức xe đưa họ về quê. Được biết, Vinaconex Mec đưa hơn 3.000 lao động đến Libya. Công ty này vẫn đang thực hiện các biện pháp đưa họ về nước.

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm