40 năm 'Bohemian Rhapsody': Ca khúc rock kinh điển kỳ lạ nhất

28/08/2015 14:05 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - 4 thập kỷ sau khi ra đời, Bohemian Rhapsody của ban nhạc Queen vẫn khiến người nghe mê mẩn phát điên. Đến nay, ca khúc này đã tiêu thụ hơn 6 triệu bản trên toàn thế giới, là một trong những đĩa đơn ăn khách nhất mọi thời.

1. Khi thu âm Bohemian Rhapsody, ca sĩ chính Freddie Mercury tuyên bố ca khúc sẽ làm thay đổi tất cả những quan niệm cũ về hoạt động thu âm. Mercury sáng tác Bohemian Rhapsody dựa trên một bài hát của ban nhạc Ibex, nhóm nhạc ông tham gia trước khi gia nhập Queen trong thập niên 1960.  

Năm 1976, Bohemian Rhapsody chiếm vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Anh và trở thành một trong những ca khúc ăn khách của ban nhạc lọt vào Top 10 bảng xếp hạng ở Mỹ.

Nhạc phẩm này có tới 17 tuần ngự trị trong các bảng xếp hạng khắp thế giới. Năm 1992, nó trở lại chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng ở Mỹ trong suốt 3 tháng, sau khi xuất hiện tại bộ phim hài ăn khách Wayne’s World. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, ca khúc này vẫn nổi trội và nằm trong số 10 bài hát được tải nhiều nhất trong lịch sử nhạc rock.


Các thành viên của ban nhạc rock Anh huyền thoại Queen thời điểm phát hành đĩa đơn Bohemian Rhapsody

Bohemian Rhapsody đã châm ngòi cho một năm đầy bước ngoặt đối với ban nhạc Queen. Nó được tung ra sau khi ban nhạc phát hành Killer Queen, đĩa đơn đầu tiên của họ lọt vào Top 40 bảng xếp hạng ở Mỹ trong nửa năm đầu năm 1975, đã tạo đà cho ban nhạc thực hiện chuyến lưu diễn lớn.

Thành công của Killer Queen đã khiến người hâm mộ quan tâm nhiều hơn tới album thứ 4 của ban nhạc, mang tựa đề A Night At The Opera. Với mức kinh phí "khủng", ban nhạc và nhà sản xuất Roy Thomas Baker đã dồn sức làm album và đầu tư rất kỹ cho Bohemian Rhapsody. Quá trình thu âm bắt đầu được thực hiện vào ngày 24/8/1975, tại một phòng thu âm ở xứ Wales.

2. Thực tế là Mercury đã tiến hành sáng tác ca khúc này trong nhiều năm, dựa trên giai điệu của ca khúc The Cowboy Song. Nhà sản xuất Baker lần đầu nghe ca khúc này trong căn hộ của Mercury và lập tức nhận ra rằng nó sẽ vượt trội so với các tác phẩm Queen đã tung ra trước đó.

Để thu âm Bohemian Rhapsody, Queen đã mất gần 90 tiếng đồng hồ thực hiện việc thu chồng tiếng, nhằm tạo hiệu ứng như một dàn hợp xướng 84 người tại một đoạn mang âm hưởng opera trong ca khúc.

Để tạo ra hiệu ứng trên, nhóm đã thu nhiều phần bè khác nhau, trên các đoạn băng riêng biệt, rồi lại thu chồng tất cả lên một băng từ chính. Sau đó nhóm cắt bỏ những đoạn thừa, không hay, rồi dùng băng dính dán những đoạn ưng ý lại, tạo thành một phần hát bè hoàn chỉnh.

Hiệu ứng này được dùng chủ yếu để thu âm opera, nhưng Queen đã sử dụng nó ít nhất trong hai ca khúc trước đó là Killer QueenBicycle Race. Đoạn hard-rock trong bài cũng là một thách thức lớn đối với Brian May.

Mercury viết đoạn riff guitar theo kiểu rượt đuổi, như có nhiều cây guitar cùng chơi nối tiếp nhau. Sau này, May thú nhận rằng, ông đã có một "cuộc chiến" thật sự khi chơi đoạn solo nói trên. Ở cuối bài, nhóm sử dụng tiếng chiêng để kết thúc.

Trong nhạc phẩm này, Mercury đã vận dụng cả hài kịch Italy, múa dân gian Tây Ban Nha, các khúc opera của Rossini và Mozart (Figaro). Tất cả yêu cầu gần như quá đáng của ban nhạc đều được nhà sản xuất Baker đáp ứng đầy đủ.

Về phần nội dung, các đoạn của ca khúc kết hợp khá lỏng lẻo với nhau, nhưng người nghe cũng có thể hiểu được đó là lời sám hối của một chàng thanh niên phạm tội giết người trước giờ đền tội.

3. Nhạc phẩm này có ý nghĩa gì? Mercury chưa bao giờ giải thích ý nghĩa của nó trong các cuộc phỏng vấn. Ông thích để người nghe tự quyết định.

Ban đầu, công ty thu âm của Queen cho rằng họ điên khùng khi thu âm ca khúc này. Các nhà điều hành của công ty còn thuyết phục ban nhạc “cắt, gọt” bớt các phần nội dung nhạy cảm, giảm dung lượng xuống dưới 6 phút, để nó dễ lên sóng phát thanh hơn, do các nhà sản xuất chương trình phát thanh đã quen với những đĩa đơn chỉ dài 3 phút. Song Queen đã từ chối thẳng thừng.

Nhằm làm tăng thêm sự “ồn ào” cho ca khúc, Queen còn làm một video kèm theo, trong đó lồng ghép màn trình diễn sống của ban nhạc với những hình ảnh thị giác ấn tượng, nhằm làm tăng sức truyền cảm của ca khúc.

Ca khúc Bohemian Rhapsody và video kèm theo đã đưa Queen trở thành các ngôi sao rock. Những màn trình diễn của họ ở các sân vận động luôn chật kín khán giả. Tuy nhiên, khi Mercury qua đời hồi năm 1991, ở tuổi 45, ban nhạc đã lu mờ dần trong tâm trí công chúng.

Về sau này, Bohemian Rhapsody một lần nữa đưa ban nhạc trở lại với công chúng, khi giai điệu của nó vang lên trong phim Wayne's World. Diễn viên Mike Myers của bộ phim cho biết ông đã phải đấu tranh với đạo diễn để ca khúc này được dùng trong phim, thậm chí đã dọa bỏ vai diễn nếu không được đáp ứng yêu cầu.

Đáng tiếc là Mercury đã chẳng còn sống để thấy tác phẩm của ông tiếp tục làm mưa làm gió trong Wayne's World và trên các bảng xếp hạng âm nhạc sau đó.

Ban nhạc Queen thể hiện ca khúc 'Bohemian Rhapsody':


Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm