Doanh nghiệp kêu trời vì “phí bảo trì đường bộ”

10/05/2012 14:44 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Tại hội thảo “Phí giao thông đường bộ - Thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp” ngày 9/5 tại TP.HCM, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp về lĩnh vực vận tải đều lên tiếng cho rằng: Thu phí bảo trì dường bộ là việc làm cần thiết nhưng phải xem xét lại vì có nhiều quy định trong Nghị định 28/2012/NĐ - CP về thu phí bảo trì đường bộ còn chưa phù hợp với thực tế.

Đại diện các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh cần phải xem xét, điều chỉnh nhanh Nghị định 28 trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp vận tải nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tính lại phí bảo trì   

Các đại biểu là các doanh nghiệp đều cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ là một việc cần làm vì việc thu phí đường bộ góp phần vào việc Nhà nước có thêm khoản thu để làm tốt công tác bảo trì đường bộ.

Tuy nhiên, đằng sau mặt tích cực này, các doanh nghiệp lại lo ngại vấn đề  tăng chi phí sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) đánh giá: “Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, sức mua giảm mạnh, xăng dầu tăng giá… việc triển khai thu phí sẽ tạo những khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp”.

Mặt khác, cách thức thu phí cũng sẽ không được một số doanh nghiệp đồng tình. Theo lý giải của một doanh nghiệp, việc quy định thu phí theo định kỳ đăng kiểm sẽ gây ra một khó khăn lớn cho doanh nghiệp, buộc họ phải đi vay tiền để đóng phí và tất yếu là sẽ bị mất thêm phần lãi suất đi vay. Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM phân tích: Phương thức thu phí trên đầu xe theo kỳ đăng kiểm (3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm tùy theo đời xe cũ hay mới) thì doanh nghiệp chắc chắn phải đi vay để đóng phí. Với một doanh nghiệp có hơn trăm đầu xe kéo và gần ngàn sơ mi rơ- moóc, số tiền phải đóng lên đến cả tỉ đồng/tháng, gom hết lợi nhuận có khi cũng không đủ đóng phí.

Các doanh nghiệp vận tải kiến nghị phải điều chỉnh hợp lý việc thu phí

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không đồng tình việc tính phí đối với nhóm xe vận tải. Vì thực tế có một số phương tiện bị hư hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn, tạm giữ, vận chuyển nội bộ trong cảng, khu công nghiệp... sẽ không tham gia vào sử dụng đường bộ nhưng vẫn phải nộp phí hàng năm là không phù hợp. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề: Sau khi đã đóng phí, nhưng các phương tiện không tham gia đường bộ trong thời gian dài có được hoàn phí không? Cơ quan nào sẽ thực hiện việc này để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp vận tải cũng như các chủ phương tiện cá nhân? Đại diện VIFFAS cũng kiến nghị: Nguyên tắc thu phí phải căn cứ vào việc phương tiên có sử dụng thì thu phí và ngược lại. Thời điểm trả phí là bắt đầu phương tiện đó đưa vào sử dụng.

“Nghị định 28 chưa hợp lý”

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng cần phải xem lại tính hợp lý và hợp pháp của Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Lịch viện dẫn: Tại điều 49, khoản 2 của Luật Giao thông đường bộ có nêu Chính phủ lập Quỹ bảo trì đường bộ và hình thành từ nguồn Ngân sách nhà nước, các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác. Tuy nhiên, tại khoản 1, điều 5 trong Nghị định 18/2012 lại nêu: Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ- moóc, sơ mi rơ -moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô 3 bánh và xe máy.

Còn theo nhiều doanh nghiệp tham dự Hội thảo, Bộ GTVT cần xem lại những quy định trong Nghị định 18/2012/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tế và cần tham khảo và lắng nghe ý kiến tham gia đóng góp của người dân, các chuyên gia và các hiệp hội ngành nghề trước khi thực hiện.

Cụ thể, nhóm xe đầu kéo kéo sơ mi rơ- moóc, Nghị định quy định không hợp lý, không phù hợp thực tế ở chỗ vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là “máy kéo”, vừa đánh phí trên “rơ -moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo”. Vì bản thân sơ mi rơ- moóc là thiết bị mà nếu không gắn động cơ, không thể tự hành được. Tương tự, xe container nếu không được đặt trên các sơ mi rơ- moóc và gắn với đầu xe kéo cũng không thể vận hành được.

Mặt khác, Nghị định tách thành các thiết bị riêng biệt để đánh phí đối với loại xe tổ hợp chuyên dụng gồm chiếc xe đầu kéo, rơ- moóc và một container là cũng không hợp lý. Theo cách tính này sẽ tạo gánh nặng về phí cho các doanh nghiệp vận tải.

Điền Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm