09/12/2023 10:04 GMT+7 | Văn hoá
Không chỉ là người chiến sĩ cách mạng kiên cường, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn (9/12/1993-9/12/2023) còn là một nhà khoa học uyên bác, với kiến thức vừa bao quát, vừa chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực: sử học, văn học, triết học, giáo dục học…
Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu, các bài viết chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần, tư tưởng lớn lao. Từ chiến tranh gian khổ cho đến khi đất nước hòa bình, đổi mới, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, được đồng chí, đồng nghiệp đánh giá cao.
Người chiến sĩ cách mạng kiên cường
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn sinh ngày 1/8/1905 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thành phố Vinh, Nghệ An. Ngay từ năm 1924, 1925, khi còn đang là sinh viên Văn khoa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Hà Nội), ông đã viết báo đả kích chế độ thực dân cũng như tham gia tích cực phong trào yêu nước, đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu.
Cuối tháng 9/1926, ông vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông làm Chủ nhiệm tờ báo “Le Nhaqué” - với ý thách thức người Pháp khi gọi người Việt Nam là “Người nhà quê” hay “Đồ nhà quê”. Báo mới ra được 1 số ngày 11/12/1926 thì bị Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh đình bản. Ông bị bắt giam và xử 1 năm tù án treo.
Sau đó, ông được mời làm chủ bút tờ Le An Nam, một tờ báo nổi tiếng khắp Bắc, Trung, Nam. Ông chủ trương cho đăng trên báo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác và Ăngghen và Yêu sách của Nguyễn Ái Quốc ở Hội nghị Vecxay. Vì vậy, ông lại bị chính quyền thực dân bắt và kết án hai năm tù treo.
Sau khi được trả tự do vào năm 1928, nhờ sự giúp đỡ của bè bạn, ông sang Pháp học và tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Là một trí thức trẻ, thông minh, giàu nhiệt huyết, ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang học ở trường Đảng Liên Xô. Năm 1930, nhờ sự giới thiệu của Đông Phương bộ Quốc tế Cộng sản, ông được làm nghiên cứu sinh sử học tại Đại học Đông Phương.
Sau gần một năm học tập ở Đại học Phương Đông, ông được chuyển lên làm nghiên cứu sinh ngành Sử học. Trong quá trình học, ông còn tham gia giúp việc cho Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Thanh niên…, làm công việc phiên dịch tài liệu tiếng Việt (trong nước gửi sang) sang tiếng Nga và ngược lại. Bên cạnh đó, ông còn viết bài về vấn đề Việt Nam cho các báo, tạp chí như: L’Humanité (Nhân đạo), La Correspondance Internationale (Thư tín quốc tế), L’Internationale Communiste (Quốc tế Cộng sản)… Năm 1933, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ ở Trường Đại học Phương Đông với đề tài “Chiến tranh nông dân ở Đông Dương vào thế kỷ XVIII - Khởi nghĩa Tây Sơn”. Công trình này là cơ sở để sau này ông viết cuốn sách “Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long” (1954).
Cũng trong thời gian này, ông được gần gũi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người bồi dưỡng, dìu dắt. Nhờ vậy, ông trở thành một trong nhưng học trò ưu tú của Người cũng như sau này ông là một trong những người hiểu biết sâu sắc nhất, nghiên cứu thành công và có nhiều bài viết nhất về cuộc đời hoạt động cách mạng và con người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một vinh dự lớn lao đối với ông mà ít người có là được phép xưng hô với Bác Hồ là “anh với em".
Sau một thời gian dài hoạt động tích cực ở Quốc tế Cộng sản, ông về nước qua đường Trung Quốc vào năm 1939. Tại Tây An, được ông Chu Ân Lai khuyên: “Anh hãy đi vào vùng căn cứ của chúng tôi - Diên An, chờ khi nào có điều kiện thuận lợi hãy về”. Theo gợi ý đó, ông đến Diên An và được nhận nhiệm vụ dạy Nga văn, Trường Trung Quốc nữ tử đại học. Gần 6 năm làm công tác giảng dạy, tháng 9/1945, đất nước độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Đảng Cộng sản Trung Quốc để Nguyễn Khánh Toàn về nước cùng đồng chí Nguyễn Sơn để nhận nhiệm vụ mới.
"Linh hồn" của cải cách giáo dục
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ở Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn hai yếu tố khoa học và cách mạng hòa quyện vào nhau và gắn bó chặt chẽ. Do yêu cầu cách mạng, do cương vị công tác, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đã tham gia vào nhiều lĩnh vực. Cuộc đời hoạt động của ông từ khi về nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi vĩnh biệt chúng ta là cả một sự nghiệp khoa học to lớn phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân trong đó nổi bật lên sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp khoa học xã hội-nhân văn.
Cuối tháng 10/1945, ông về nước chờ phân công tác. Trong thời gian đó, ông lên lớp giảng lý luận chính trị cho cán bộ được tổ chức ở Hà Đông. Như sau này GS Vũ Khiêu có viết: “Cán bộ sau các lớp học lan truyền đi khắp nơi những lời khâm phục về sự uyên bác, sắc sảo của một Giáo sư đỏ, một trí thức lỗi lạc của Đảng đã đem lại cho anh, chị em những kiến thức sơ đẳng và khái quát của học thuyết Mác-Lênin, tăng thêm niềm tin tưởng của anh, chị em vào con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ”.
Không chỉ tham gia bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tin tưởng giao giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) vào tháng 11/1946 nhằm giải quyết nhiệm vụ cấp bách là “diệt giặc đói - giặc dốt - giặc ngoại xâm”.
Từ những ngày cách mạng còn trứng nước, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đã góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam, bằng đề án cải cách giáo dục đã được TƯ Đảng, Bác Hồ, Quốc hội và Chính phủ rất ủng hộ, với 3 phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp từ phổ thông đến đại học đã có một tiếng vang. Sau đó, trong cuộc cải cách giáo dục lần hai, ông tiếp tục giữ vai trò là linh hồn để xóa nạn mù chữ, góp phần đẩy mạnh sản xuất và nâng cao giác ngộ chính trị của nhân dân. Không chỉ là người đi đầu trong công cuộc cải cách, vì mục tiêu cao cả của giáo dục "Vì lợi ích trăm năm trồng người", ông còn đề xuất hàng loạt vấn đề lý luận có ý nghĩa quan trọng với công tác giáo dục: "Trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, việc giáo dục tư tưởng, lập trường và đạo đức cách mạng là nhiệm vụ then chốt, lâu dài. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ là những người kế tục và phát triển sự nghiệp cách mạng, việc giáo dục tư tưởng và đạo đức cách mạng còn có ý nghĩa hết sức quan trọng". Chính vì thế, đánh giá về công lao của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nhận xét: "GS.VS Nguyễn Khánh Toàn là linh hồn của cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) và cải cách giáo dục lần thứ hai (1960)..., kiến trúc sư những thắng lợi trong giai đoạn đầu của sự nghiệp giáo dục cách mạng ở nước ta".
Những năm về sau, chuyển sang nghiên cứu khoa học xã hội, ông lại tiếp tục đi tiên phong trong việc khai mở một số bộ môn khoa học xã hội cũng như đưa ra những chủ trương có ý nghĩa đối với hoạt động nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học. Gần 20 năm giữ cương vị Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, ông là cầu nối giữa nền khoa học Việt Nam với các nước. Bằng uy tín và khả năng to lớn của bản thân, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đã tập hợp được nhiều nhà khoa học hàng đầu của cả nước như: Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Vũ Khiêu, Văn Tân... về nghiên cứu và làm việc, cùng nhau hợp sức xây dựng nên một nền khoa học xã hội Việt Nam lớn mạnh như ngày nay.
Năm 1969, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, trong Dự thảo phương hướng nghiên cứu khoa học gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đã đề nghị xúc tiến nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và xem nó như là cơ sở cho sự phát triển lý luận Mác-Lênin và sự sáng tạo trong đường lối cách mạng Việt Nam.
Không chỉ là một nhà quản lý, GS Nguyễn Khánh Toàn còn là nhà khoa học lớn với các công trình nghiên cứu xuất sắc, chứa đựng giá trị tư tưởng văn hóa lớn, ông đã để lại hàng trăm tác phẩm khoa học, chuyên luận, bài nghiên cứu… có giá trị to lớn: Giáo dục dân chủ mới (1947); Đại cương Văn học sử Việt Nam (1954); Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long (1954); Vấn đề dân tộc trong Cách mạng vô sản (1960-1962); Chung quanh một số vấn đề văn học và giáo dục (1972); Cách mạng và khoa học xã hội (1978); Một số vấn đề của khoa học nhân văn (1992)... Trong đó nổi bật 2 cuốn: Vài nhận xét về thời kỳ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long và Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản. Kiến thức uyên thâm, rộng lớn, mỗi công trình nghiên cứu của ông đều không chỉ sâu sắc mà còn mang đậm giá trị nhân văn. Mỗi trang viết của ông như tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ trong những câu chuyện lịch sử nhiều ý nghĩa.
Với học vấn uyên thâm, được sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học đầu ngành khác, ngoài trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, ông còn giữ nhiều trọng trách của đất nước: Trưởng ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Văn học Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quốc gia chỉ đạo, biên soạn và xét duyệt Từ điển tiếng Việt phổ thông; ủy viên Ủy ban Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh; ủy viên Hội đồng Trung ương xét duyệt chức danh khoa học; Viện trưởng Viện Sử học; Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam… Ở cương vị nào, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn luôn được bạn bè, đồng nghiệp trong nước cũng như quốc tế đánh giá là một trong những ngọn cờ của khoa học xã hội và là người đặt nền móng đầu tiên cho ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam.
Năm 1975, ông được nhận danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức. Năm 1976, ông được vinh dự bầu chọn là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển khoa học Việt Nam, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1984); truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn mất ngày 9/12/1993, tên ông được đặt cho đường phố lớn ở Hà Nội.
Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và giáo dục nước nhà, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, thấm đượm tính Đảng, tính khoa học và tư duy mác xít sâu sắc. Như GS Vũ Khiêu đã trân trọng, tôn vinh ông là một “Giáo sư đỏ” và “đã sống trọn lẽ sống, xứng đáng một cuộc đời” để phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất