27 tuổi, tôi chấp nhận lương "3 cọc 3 đồng", "vất vơ vất vưởng" ở thành phố còn hơn về quê chịu cảnh người thân xem thường, thua kém bạn bè

18/03/2023 23:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Trong khi bản thân vẫn đang bon chen làm việc mưu sinh ở thành phố, bạn bè ở quê đã thành gia lập thất, sắm nhà, xe đầy đủ. Mỗi lần về quê, tôi lại cảm thấy áp lực nên quyết định ở lại chốn phồn hoa để không phải chịu cảm giác thua kém bạn bè.

Dưới đây là bài chia sẻ của một tài khoản có tên Đặng Mai được đăng trên trang Zhihu của Trung Quốc.

27 tuổi, tôi vẫn đang làm công ăn lương ở thành phố. Sau nhiều năm ra trường, kinh qua nhiều lần nghỉ việc, tôi đang chọn làm công việc văn phòng khá nhàn hạ với mức lương đủ sống. Tôi độc thân, cuộc sống chưa có quá nhiều thứ phải chi tiêu nên mỗi tháng, tôi vẫn dành ra được 1/3 số lương để gửi tiết kiệm. 

Số còn lại, tôi dùng để trả tiền phòng, ăn uống và những cuộc vui xảy ra bất chợt với bạn bè. Chia sẻ câu chuyện của mình, mọi người đều cho rằng cuộc sống của tôi tẻ nhạt nhưng tôi lại cảm thấy hài lòng với nó. Tất nhiên, ai cũng mưu cầu có cuộc sống đầy đủ hơn, năng lượng hơn, nhưng tôi hiểu con người và khả năng của mình, cuộc sống nhẹ nhàng như thế này có lẽ phù hợp với tôi hơn.

01.
Có một nỗi sợ mang tên "về quê"

Nhà tôi ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, rời làng lên thành phố đi học và lập nghiệp, cha mẹ và họ hàng đều kỳ vọng tôi sẽ công thành danh toại. Thế nhưng vì khả năng có hạn nên đến 27 tuổi, tôi vẫn chỉ có thể sống một cuộc sống "làng nhàng". Mỗi năm ngoài dịp lễ Tết, tôi đều sắp xếp công việc để về quê sum họp bên gia đình. Thế nhưng 2 năm gần đây, tôi bỗng "lười" về thăm nhà hẳn. Điều này là có lý do.

27 tuổi, tôi chấp nhận lương 3 cọc 3 đồng, vất vơ vất vưởng ở thành phố còn hơn về quê chịu cảnh người thân xem thường, thua kém bạn bè  - Ảnh 1.

Trong một lần về quê ăn Tết, bố mẹ tôi cũng đã gần 70 tuổi nên nhắn nhủ mong tôi có thể sớm thành gia lập thất. Anh trai và chị dâu cũng lên tiếng bảo tôi nên về quê để tìm đối tượng kết hôn và sống gần gũi với gia đình hơn thay vì cứ một mình lủi thủi ở thành phố. Cả hai hứa sẽ tìm cho cô em gái này một công việc ổn định. Thế nhưng với bản tính ương ngạnh của mình, tôi vẫn nhất quyết ở lại thành phố và làm điều mình thích. Hơn nữa, tôi cũng chưa sẵn sàng cho vấn đề mà họ nhắc đến.

Cứ thế, những lần về quê sau đó, bố mẹ và anh chị liên tục tạo sức ép với tôi. Bây giờ mỗi lần về nhà, tôi không còn cảm thấy hơi ấm của gia đình mà cảm thấy áp lực đè nặng lên vai. Tôi có cảm giác như cuộc sống của mình không còn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa. Người thân muốn tôi phải làm những gì họ thích và hiểu theo logic của họ. Khi tôi không thuận theo điều đó, tôi trở thành là một kẻ quái đản hay thậm chí là thất bại. Để thoát khỏi sự kiểm soát vô hình đó, tôi hạn chế về nhà và tận dụng mọi thời gian để sống một cuộc sống mà mình muốn ở thành phố.

02.
Ở lại thành phố vì sợ thua kém bạn bè và bị người thân xem thường

Tôi tốt nghiệp đại học ở thành phố lớn, ra trường tìm được việc ngay - điều mà không phải bạn bè nào ở quê tôi cũng làm đươc, do đó tôi từng rất tự hào về bản thân mình. Thế nhưng sau lần đi họp lớp năm ngoái, tôi chợt nhận ra mình bị họ bỏ xa rất nhiều. Những người bạn năm nào của tôi giờ đây đều rất thành đạt dù họ khởi nghiệp ở quê thay vì bon chen ở thành thị như tôi. Người tự mở công ty riêng, người tự mua được nhà, mua được xe,... Có vẻ ai cũng đã có cuộc sống ổn định, trừ tôi. Do đó, tôi lại có thêm một lý do để "ngại" về quê.

Ở thành phố, dù bản thân cũng chẳng là ai đó nổi bật hay được biết đến nhưng tôi lại có thể là chính mình và hơn hết là có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Tôi có thể sống làng nhàng, công việc bình thường, không có thành tựu nổi bật, ...vì chẳng ai quan tâm đến điều đó. Ở thành phố, có rất nhiều người có mức lương giống tôi, ở nhà thuê giống tôi, độc thân giống tôi...Có rất nhiều người ngoài kia đang sống cuộc sống bình thường như tôi, và tôi cảm thấy được an ủi vì điều đó.  

27 tuổi, tôi chấp nhận lương 3 cọc 3 đồng, vất vơ vất vưởng ở thành phố còn hơn về quê chịu cảnh người thân xem thường, thua kém bạn bè  - Ảnh 2.

Ở giữa một thành phố lớn, ai cũng chịu áp lực giống nhau nên điều đó trở nên rất bình thường. Còn về quê, những điều đó biến mọi người và biến cả tôi trở thành những người kém cỏi dưới ánh mắt của những người có cuộc sống "ổn định". 

Khi ở thành thị, tôi cũng có thể tự tin để tuyên bố rằng tôi chẳng thể mua được nhà bởi giá cả rất đắt đỏ, tăng nhanh đến chóng mặt. Hơn nữa, ngoài kia cũng có hàng ngàn người cũng không mua được nhà giống như tôi, họ cũng phải ở thuê, làm công ăn lương để trang trải cuộc sống. Còn ở quê, khi bạn không mua được nhà, không mua được xe trong khi bạn bè đã có đủ, không chỉ người thân mà ngay cả bản thân bạn cũng phải nghi ngờ về chính bản thân mình. Bạn sẽ rơi vào cảm giác lo lắng và bất an hơn bao giờ hết.

Đó cũng là lý do mà không chỉ riêng bản thân tôi, có rất nhiều người trẻ ở ngoài kia "sợ" trở về nhà, "sợ" trở về nơi chôn rau cắt rốn. Ở lại thành phố chính là cách tốt nhất để chúng tôi lẩn trốn những ánh mắt soi mói từ người thân, xóm làng và sống thoải mái với cuộc sống của chính mình.  Do đó, dẫu có bị xem là "không ổn định", tôi vẫn muốn bám trụ lại nơi hoa lệ này. 

Bác nông dân chi 51 tỷ đồng xây "biệt thự điên" cao 30m ở Trung Quốc: Mất gần 10 năm mới xong phần thô, vẫn cần "bơm" thêm kinh phí để hoàn thiện

Ánh Lê (Theo Zhihu)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm