Uruguay – Hàn Quốc: Cuộc chiến giữa ý chí và con tim

26/06/2010 10:59 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Trước khi trái bóng Jabulani lăn trên đất Nam Phi, tuyển thủ QG Phạm Thành Lương đã công khai ủng hộ Park Ji-sung và niềm tự hào Á châu Hàn Quốc; trong khi, đồng đội trong màu áo ĐTVN, Nguyễn Quang Hải, đã bị Diego Forlan của Uruguay mê hoặc bởi những bàn thắng và các đường kiến tạo. Lương “dị” và Hải “gà” (những tiền đạo cánh hay nhất của ĐTVN hiện tại) bày tỏ quan điểm trên TT&VH.

1. Sau trận hòa 2 – 2 rất hay trước Nigeria, tôi đã không còn nghi ngờ về khả năng của hàng công đội bóng xứ kim chi nữa. Khi đội trưởng Park không khai hỏa, Hàn Quốc đã có Lee Jung Soo và Park Chu Young. Tôi bị chinh phục bởi tinh thần chiến đấu của người Hàn Quốc. Sau trận thảm bại trước Argentina, họ không suy sụp mà ngược lại đã chiến đấu rất mạnh mẽ. Việc Hàn Quốc lọt vào vòng 1/8 tại một bảng đấu có cả Argentina hùng mạnh, cựu vô địch châu Âu Hy Lạp và “đại bàng xanh” Nigeria là hoàn toàn xứng đáng (chứ không phải bất ngờ như nhiều người vẫn nghĩ).

Phải là những người cực kỳ tinh tế, mới nhận ra sự khác biệt của Park, với phần còn lại, khi Hàn Quốc luôn đề cao tính kỷ luật, cũng như sức mạnh tập thể. Park từng công khai, rằng anh thích chơi ở trung tâm hàng tiền vệ hơn, thay vì tiền đạo cánh như trong màu áo M.U. Nhưng, ngay cả khi Park dạt biên trái, lúc biên phải, thì gần như mọi đợt lên bóng của Hàn Quốc đều qua chân anh ấy. Một Park Ji-sung hoàn hảo, sau những năm tháng được mài giũa tại các giải đấu khốc liệt (Champions League va Premier League), trong màu áo “quỷ đỏ” thành Manchester.


Thành Lương hay Quang Hải (ảnh) sẽ được nhận niềm vui từ đội bóng mà mình yêu thích?

Park nói riêng và người Hàn nói chung đã đẩy lùi mọi giới hạn về hình thể, trong môn thể thao giàu tính chiến đấu như bóng đá. Kỳ tích lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất thể giới, như cách đây 8 năm, chỉ còn cách Park và đồng đội 2 trận đấu nữa thôi. Tôi tin Hàn Quốc sẽ chưa dừng lại. Tôi đứng về phía người châu Á da vàng.

2. Con tim mách bảo, nên ủng hộ Hàn Quốc, vì họ là đại diện châu Á. Nhưng lý trí lên tiếng, và nó thuộc về Uruguay. Đó là khi tôi chứng kiến phong độ tuyệt vời của Diego Forlan, người đội trưởng mẫu mực, với tài năng và đức hy sinh là không thể bàn cãi. Dù từng rất nhiều lần ghi những bàn thắng tương tự, nhưng cú nã đại bác của Forlan vào lưới chủ nhà Nam Phi (lượt trận thứ 2, Uruguay thắng thuyết phục 3 – 0) thực sự khiến tôi phải ám ảnh. Một pha dứt điểm ở đẳng cấp cao, và Forlan phải có lườn cũng như cổ chân cực dẻo.

Trong phong thái của một nhạc trưởng – một “số 10” đích thực, Forlan lĩnh xướng mọi đợt lên bóng của Uruguay. Phần lớn thời gian qua các trận vòng bảng, Forlan chơi như một tiền đạo lùi, thay vì trung phong cắm sở trường (đối phương vì thế rất khó để bắt chết Diego). Khả năng sút xa cực tốt bằng cả 2 chân giúp Diego Forlan vẫn đảm bảo được phong độ làm bàn của mình, mà không nhất thiết phải án ngữ trong vòng cấm, chờ thời. Đó là sự khác biệt giữa Forlan với các tiền đạo còn lại tại giải đấu trên đất Nam Phi.

Giấc mơ đoạt lại vương miện thế giới của sau 60 năm chờ đợi bóng đá Uruguay đang rất gần, khi đội bóng của Forlan ở một nhánh đấu khá thuật lợi. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Diego Forlan sẽ đưa Uruguay thẳng tiến, sau chướng ngại vật mang tên Hàn Quốc (bởi Mỹ hay Ghana, một trong 2 đối thủ tại tứ kết, khá nhẹ ký).

Trước khi Park Ji-sung đến Manchester United (mùa giải 2005 – 2006 cho đến nay) và trở thành một phần lịch sử của Old Trafford, Diego Forlan đã trải qua những ngày buồn trong màu áo M.U (2001 – 2004). Họ, một thuộc về hiện tại, một đã là dĩ vãng (nhưng không nhạt nhòa, bởi nhờ có M.U, Forlan mới trở nên hoàn hảo như bây giờ - TT&VH) và đêm nay đã lại không cùng một chiến tuyến. Dù kết quả thế nào, Park và Forlan sẽ tặng áo đấu cho nhau, sau trận, để giữ mãi những ký ức về CLB mà họ đã khoác áo.


QUANG HẢI - THÀNH LƯƠNG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm