210 tỷ tấn than trong lòng Đồng bằng Sông Hồng

23/10/2010 08:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 22/10, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng”.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu đồng bằng sông Hồng dưới độ sâu 100m trở xuống là một bể than nâu rất lớn diện tích khoảng 2.765km2, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh, phân bổ trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và thành phố Hải Phòng; trong đó khu vực chứa than có triển vọng nhất là “Dải nâng Khoái Châu - Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình”.

Hiện nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng nhanh, nhu cầu than của nước ta đến năm 2015 là khoảng 122,4 triệu tấn và đến năm 2025 lên tới 429,5 triệu tấn. Trong khi đó, tổng công suất khai thác than của các mỏ vùng Đông Bắc chỉ đạt trên 80 triệu tấn vào năm 2025.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ chỉ đạo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lập Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng”. Theo đó, tập thể tác giả lập đề án do Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Intergeo Nguyễn Văn Nguyên làm chủ nhiệm đảm trách, đã tiến hành thiết kế đề án này trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và thành phố Hải Phòng.
 
Dự kiến tiến độ thi công đề án từ năm 2011 đến 2015, sẽ làm rõ hơn cấu trúc địa chất vùng đồng bằng sông Hồng; xác định rõ vỉa than và đặc điểm phân bố của chúng, đánh giá chất lượng than; dự tính và dự báo tổng tài nguyên than ở đây đạt gần 210 tỷ tấn. Đây chính là cơ sở để phát triển các dự án chế biến than ở đồng bằng sông Hồng, góp phần giải quyết sự mất cân bằng giữa cung và cầu than trong nền kinh tế quốc dân, giữ vững ổn định an ninh năng lượng ở nước ta trong những năm tới.

Văn Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm