2 phim về F1: Tái hiện kỷ nguyên chết chóc trên đường đua

28/09/2013 08:00 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những năm 1970, giải đua xe công thức 1 (F1) là nơi viết nên những câu chuyện về tai nạn thảm khốc. Đường đua này là nơi chứa đựng những khoảnh khắc nổi tiếng nhưng cũng đáng nguyền rủa nhất.

Mùa thu năm nay, Hollywood cho ra đời 2 bộ phim, gợi lại những năm tháng đó: “Rush” và “1”.

Nhẹ lòng nhờ Rush

Rush là tác phẩm dựa trên câu chuyện có thực được dựng nên bởi đạo diễn từng đoạt giải Oscar, Ron Howard. Trả lời báo chí khi phim ra rạp hôm 20/9, Ron bảo ông làm bộ phim này không phải vì thể thao. Nghệ thuật và những thông điệp lắng đọng mà đạo diễn tài ba này theo đuổi. Khi phim ra rạp, thực tế diễn ra khác với ý đồ của đạo diễn, giới mộ điệu F1 đồng loạt ca ngợi bởi cảm giác chung mà phim mang lại: nhẹ nhõm.

Lấy bối cảnh cuộc đua xe công thức 1 vào những năm 1970, Rush dựa trên câu chuyện có thật về cuộc tranh tài nghẹt thở giữa tay đua người Anh, James Hunt (Chris Hemsworth) và đương kim vô địch người Áo, Niki Lauda (Daniel Bruhl). 


Poster của phim “Rush”

Đây là trận đấu giữa hai tay đua có phong cách hoàn toàn đối lập. James Hunt là tay chơi bảnh bao với cuộc sống hoang dã, còn Niki Lauda là một thiên tài trầm tĩnh, đầy cẩn trọng. Một trận chiến vẻ vang của cái tôi nảy sinh trong bối cảnh những tranh cãi về xe hơi, các quy định về nhiên liệu, an toàn đường đua đang lên cao trào.

Lauda bị mắc kẹt trong chiếc xe Ferrari đang bùng cháy. Anh may mắn thoát chết nhưng bị bỏng một phần khuôn mặt và tổn thương phổi. Không hề sợ hãi, can đảm hơn bất cứ ai, Lauda quyết định trở lại đường đua 43 ngày sau đó và cán đích ở vị trí thứ 4 tại Grand Prix Italy.

Nghị lực của Lauda đã giúp xua đi những ám ảnh về kỷ nguyên chết chóc trên đường đua F1. “Tôi hạnh phúc khi sống sót. Thường thì bạn sẽ bị chết trong các loại hình tai nạn của F1” - Lauda nói với CNN trong buổi ra mắt phim tại London hồi đầu tháng.

Thực tế ra sao?

Ron Howard đã thành công ở mặt nghệ thuật và thông điệp cùng Rush. Còn nói đến phơi bày thực tế nghiệt ngã trên đường đua thì phim tài liệu “1” mới tái hiện chân thực nhất.

“Rush” đã ra mắt khán giả vào ngày 20 tháng 9 vừa qua còn “1” sẽ được trình chiếu tại Liên hoan phim London vào tháng 10 tới.

Thương tích nghiêm trọng hay tử vong là điều hiếm có tại F1 ngày nay. Nhưng những năm 1970, thật khó để F1 trải qua một mùa giải mà không có người vĩnh viễn ra đi. Phim “1” kể lại câu chuyện về cuộc đấu tranh để cải thiện an toàn trong đua xe của các tay đua sau thời kỳ nguy hiểm nhất của thể thao.

Chính Lauda đã nghỉ hưu 3 năm sau tai nạn bởi vẫn ám ảnh về vụ nổ của chiếc Ferrari. Chiếc sẹo lớn ở má bên trái của ông vẫn còn đó.

“Các đường đua không thay đổi, các cơ sở y tế không thay đổi và chiếc xe thì dường như đi nhanh gấp 2 lần” - tay đua từng 3 lần vô địch thế giới Jackie Stewart giải thích trong bộ phim tài liệu này. Đạo diễn Paul Crowder nhớ lại rằng, thuở niên thiếu ông luôn theo dõi F1 trong trạng thái thường trực của sự hoài nghi. “Điều tôi luôn nhớ về nó là cái chết, nó xảy ra quá thường xuyên”.

Những tay đua như Stewart , Jody Scheckter , Emerson Fittipaldi... đã chiến đấu với Liên đoàn ô tô quốc tế (FIA) về an toàn trên đường đua. “Tất cả đã cố gắng , nhưng quan trọng nhất là FIA. Về cơ bản thái độ của họ là: ‘Nếu bạn nghĩ rằng nó nguy hiểm, hãy đi chậm lại’” -  Crowder nói.

Sự cải tiến cuối cùng cũng đến, nhưng phải sau cái chết của Ayrton Senna tại Imola vào năm 1994. Tai nạn của Senna gây sốc trong giới thể thao toàn cầu. Nó buộc FIA phải đưa ra hàng loạt các quy định khe khắt về đảm bảo an toàn cho các tay đua.

Nhưng với tốc độ cao ở các cuộc đua, nguy hiểm vẫn luôn rình rập các tay đua. Alonso hay Vettel vẫn thường nhắc tới điều đó khi trả lời phỏng vấn. Trên các tấm vé, người ta vẫn in dòng chữ cảnh báo nguy hiểm để nhắc nhở người xem. Trong thời gian dài, chúng ta tạm yên tâm với F1 không tử nạn. Dẫu thế, những nỗ lực để có những mùa giải F1 an toàn vẫn luôn được thực hiện.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm