18.000 đàn ông vì 1 phụ nữ

01/07/2014 09:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Để cổ xúy dư luận đồng tình cho Thế Chiến I, chính phủ Hoa Kỳ huy động hàng ngàn binh lính nhằm sản xuất những bức hình cổ động mang màu sắc ái quốc như hình Nữ Thần Tự Do. Những người tham dự không lường trước được mọi thử thách chờ đón họ.

Lòng yêu nước ngoại cỡ

Arthur Mole đứng trên một chòi gỗ ở độ cao 24 mét, vung cây sào gắn cờ trắng và hét vào loa cầm tay. Theo lệnh của anh, Tổng thống Woodrow Wilson phải nheo mắt hay vẫy tay, con đại bàng Mỹ xòe cánh và quả chuông Tự do xê dịch. Vào một ngày tháng 7 năm 1918 nóng như đổ lửa, mọi việc diễn ra như thế trên thao trường của Đội Cận vệ quốc gia ở Camp Dodge (Iowa). Trong lúc nhà nhiếp ảnh gốc Anh phát lệnh từ trên tháp, hàng vạn lính tụ tập trên thao trường và hướng mắt vào tay Arthur Mole. Nhìn từ độ cao này, bức tranh hoành tráng trải rộng dần dần hình thành: một hình người phụ nữ khổng lồ dương cao quá đầu cây đuốc - Nữ thần Tự do.


Chân dung Woodrow Wilson, Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28, được tạo dựng bởi 21.000 lính ở Camp Sherman

Mole là thợ nhiếp ảnh, một nghệ sĩ với những ý tưởng khác đời, cả về nội dung lẫn quy mô. Anh đến trại lính bên sông Des Moines với một trọng trách của Chính phủ: người ta nhờ anh tạo ra những bức hình khổ lớn bằng cách tập trung đàn ông từ mọi nguồn gốc thành những mô típ nhất định, trước khi họ được ném sang chiến tuyến Pháp. Những mô típ mang nặng tinh thần ái quốc ấy nhấn mạnh sự nhất thống của nhân dân Mỹ, và trực tiếp qua đó vận động dân chúng ủng hộ Chính phủ tham dự Thế chiến 1. Cùng cộng sự John Thomas, Mole sở hữu một hiệu ảnh ở Chicago, họ đã có một số kinh nghiệm làm ảnh cỡ lớn và để điều khiển đám đông xếp thành một bức hình như Nữ thần Tự do cũng mất vài tuần chuẩn bị.  

Từ làng quê Zion

Hai nhà nhiếp ảnh gặp được nhau ở ngay quê nhà Zion (Illinois). John Thomas  là quản ca trong đội đồng ca nhà thờ Zion. Công trình kiến trúc đồ sộ này có thể chứa đến 10.000 tín đồ cùng lúc. Và nhất định khi Mole nhìn thấy đám đông đầy ấn tượng ấy, gồm các tín hữu và đội đồng ca trong áo dài trắng, anh đã nảy ra ý tưởng chụp ảnh đám đông. Tiếc là không có di vật nào củng cố nhận định đó, song ít nhất ta cũng có trong tay một tấm hình mang đầu đề “The Zion Shield (Tấm khiên Zion)“ từ thời điểm năm 1920, miêu tả một chiến binh cầm gươm và mộc.


18.000 lính của trại Camp Dodge xếp thành biểu tượng New York

Quản ca Thomas tỏ ra có tài biên đạo, chắc vì không có nhiều khác biệt giữa sự chỉ huy một dàn đồng ca ngoan ngoãn và ban lệnh cho binh lính quen tuân kỷ luật. Chẳng mấy chốc cặp đôi Arthur Mole & John Thomas tạo ra một thương hiệu có một không hai, và khi không khí sục sôi trước thềm cuộc chiến đòi hỏi thì họ đã sẵn sàng phụng sự công tác tuyên truyền cổ động của Chính phủ. Hàng tháng trời, Mole và Thomas khuân chiếc máy ảnh cỡ 111x14 inch di chuyển giữa các trại lính để xếp các binh lính và sĩ quan thành các bức tranh ngoại cỡ. Khi lính không đủ, họ phải điều động cả hàng ngàn lính dự bị.   

Không chỉ “tốn“ nhân lực, công việc này đòi hỏi sự chuẩn bị và tập dượt hàng mấy tuần lễ.

16.000 người thành một cánh tay

Thoạt tiên Mole vẽ đường viền ngoài lên một tấm kính rồi gắn nó gắn lên máy ảnh. Dựa trên các ô chia thành lưới, anh tính nhẩm ra số người cần thiết. Đứng trên tháp cao, anh dùng loa tay và phất cờ trắng điều khiển các trợ lý để họ dồn người vào vị trí mong muốn. Trước đó họ đã đóng cọc và chăng hàng ngàn mét dây theo hình phác trên tấm kính, không những thế, họ còn quy định ai mặc quân phục màu sáng hay màu tối cho hợp ảnh.

Hình Nữ thần Tự do từ bệ lên đến ngọn đuốc cần khoảng 18.000 lính xếp trên thao trường Camp Dodge. Do máy ảnh bố trí chỗ chân tượng, hình sẽ biến dạng theo phối cảnh, do đó phải tăng số người phía đầu tượng cho cân. Riêng cánh tay cầm đuốc cần 16.000 người, trong khi 2.000 người đủ cho phần còn lại.

Đúng hôm chụp ảnh, trời nóng như đổ lửa, mà binh lính bắt buộc phải đóng bộ quân phục bằng nỉ. Theo tờ Fort Dodge Messenger thuật lại, mất vài tiếng mới xếp họ thành hàng lối như mong đợi. Hàng loạt lính lăn ra ngất vì cảm nắng và rối loạn tim mạch dưới nắng gắt, song không có người thay nên phải... đợi họ tỉnh lại!


650 lính ở Camp Cody biểu thị hình đầu ngựa với các màu quân phục khác nhau

Nâng tầm thành ý thức hệ?

Dù cực kỳ khó nhọc trong sản xuất, kết quả đạt được vượt quá mọi mong đợi. Các công sở Mỹ hầu như coi việc treo tranh của Mole & Thomas như một nghĩa vụ. Kỹ thuật xếp người làm ảnh ấy cũng gây cảm hứng cho các đồng nghiệp khác, như Omar Goldbeck, con trai một gia đình Đông Phổ nhập cư. Từ hồi 9 tuổi cậu bé đã có máy ảnh riêng và kiếm tiền nhờ chụp chân dung cho bạn bè và thầy cô. Goldbeck chu du khắp nước Mỹ và chỉ sống bằng cách chụp ảnh người qua đường tình cờ rồi gạ họ mua lại. Khi học mót được cách làm ảnh cỡ lớn, Goldbeck lập hẳn một công ty và sống khỏe bằng cách đi từ trại lính này đến trại lính khác trên đất Mỹ trong Thế chiến 2, chỉ khác là anh không tập trung vào các mô típ ái quốc hoặc biểu tượng dân tộc. Ít nhất thì con đường tiến thân kiểu Mỹ cũng làm Goldbeck phất lên nhờ một nhận thức đơn giản: càng nhiều người mua ảnh thì càng có lãi, vì vậy mỗi ảnh nên có càng nhiều người càng tốt! Mole & Thomas thì ngược lại, họ quyên góp hầu hết lợi nhuận cho các binh lính từ mặt trận trở về để giúp họ tái hòa nhập cuộc đời dân sự.

Mole gọi những bức ảnh của mình là “ảnh sống“: cờ, đại bàng, Quốc huy - những biểu tượng của Hoa Kỳ, do binh lính tạo nên. Người ta cũng có thể suy luận ngược chiều: các biểu tượng chỉ hiển hiện khi từng cá nhân mờ nhạt đi, và đó chính là sự quy phục tuyệt đối của cá nhân trong một quần thể mà các nhà tư tưởng của Đức Quốc xã chủ trương.

Bỏ qua các tranh cãi về ý thức hệ, tác phẩm của Mole & Thomas vẫn là một dấu son trong nghệ thuật chụp ảnh thủ công, nay đang thành thứ hàng thường nhật trần tục nhờ điện thoại di động trong tay mỗi người.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm