(Bài dự thi) - Cách đây mấy năm, tôi đi công tác ở Mù Sì Súng thuộc xã Pa Vầy Sủ huyện Xín Mần (Hà Giang) và được nghe khá nhiều câu chuyện thú vị nơi vùng cao biên giới này. Có chuyện như nửa muốn khóc lại nửa muốn cười. Bản chất của đồng bào vùng cao thật hơn suy nghĩ của họ. Nếu biết nói đúng: “cái lý” thì tất cả đều đơn giản.
Chiều ấy tôi đang men theo con đường nhỏ đến một bản người Mông ở tít trên cao để làm công tác vận động con em lên đường nhập ngũ thì một phụ nữ váy đỏ xoè kín bàn chân dắt theo con trêu be. Vừa đi bà ta vừa vuốt vuốt vào lưng nó miệng lẩm nhẩm “nhà có môĩ con này, nếu xã bắt nộp phạt thì lấy ai thay trâu cày kéo?”.
Bà là vợ của ông A Lù, nhìn hàng mi cụp xuống tôi biết người đàn bà này đang trực khóc. Bà kể: “thôn bản đã cấm bà con dùng súng kíp tự chế từ lâu. Gia đình nào cũng phải tự giác nộp cho già làng, trưởng bản sau đó già làng, trưởng bản sẽ nộp lại cho chính quyền xã. Từ ngày không có tiếng súng, động vật và chim chóc đến sát bìa rừng cạnh nương lúa, nương ngô kiếm ăn, núi rừng vui trở lại. Bà con ai cũng hoan nghênh việc làm đó. Niềm vui đó đang lên như diều gặp gió thì trong bản xảy ra một chuyện khiến ai cũng giận và trách bố con A Lù.
Chuyện là thế này: Tháng trước, thằng A Lếnh con của A Lù vào rừng tìm măng và nhặt được khẩu súng kíp của ai đó bọc trong tấm vải đen rồi vùi vào gốc cây to. Nó mang về đưa bố cất vào bồ lúa. Bà vợ A Lù trông thấy thì giãy nảy lên:
- Cái ông này, nộp đi, nộp ngay cho trưởng bản đi mà. Giấu súng ở nhà là không tốt rồi. Người ta biết sẽ phạt một con trâu đấy.
A Lù thấy vợ lải nhải suốt ngày nên cáu:
- Bà phải im cái mồm đi mới được. Không nói thì ai biết. Mùa này ngô đang khô vỏ, hạt lại căng tròn nên nhiều con thú mon men tìm đến mà ăn. Ta săn một vài con mà uống rượu rồi cất súng đi chứ có treo ở nhà đâu mà sợ.
- Không được đâu, không được mà. Ông đi săn, tiếng súng nổ phát ra thì trước sau gì cán bộ cũng biết mà.

Ông A Lù (người cầm điếu) đang uống rượu
Ông A Lù nhất quyết không nghe vợ. Ông còn chế thêm bộ phận giảm thanh và lắp ở đầu nòng nên súng đi săn hàng tháng cũng không ai biết thật. Nhiều hôm ông đi đến khuya mới về. Có hôm ông bắn được cả cầy hương, hoẵng xám nặng gần chục cân. Mỗi lần như thế dân bản ở đây chỉ thấy buồn chứ không vui vì ai cũng như thế thì chẳng bao lâu nữa mỗi sáng thức dậy sẽ không còn nghe thấy tiếng hót của muôn loài. Vài người trong bản đã chuẩn bị đến nhà trưởng bản để lên án hành động của của A Lù nhưng xem ra cái đầu ông ta tối lắm. Tối đến mức không còn biết đâu là chỗ sáng để đi nữa.
Thằng A Lếnh còn bé nên ông chỉ cho nó đi theo ôm những con vật bị nòng súng của ông hạ gục. Nó nhỏ người nhưng nhanh trí, nó quan sát động tác của bố nó một cách tỷ mỷ như gấp báng, nạp đạn, quỳ gối, ngăm bắn…Thi thoảng nó lấy que củi giả làm súng thực hiện các động tác như của bố nó. Bố nó xoa đầu cười tít cả mắt bảo: “ Mày khá đấy, lớn nhanh nên còn đi hộ tống tao”. Nghịch mãi chiếc que lâu dần thành chán, chờ những hôm bố nó đi vắng nó lấy súng ra làm thử nhưng không dám nạp đạn với lại đạn bố nó cất ở đâu rất kỹ, xong nó cất súng vào chỗ cũ nên bố nó chẳng biết.
A Lếnh cũng là một thằng ham chơi. Bạn bè bằng tuổi nó có mấy đứa bản bên sách “khèn” đi tìm gái ở chợ phiên mấy mùa ngô trước rồi. Nó thì vẫn ở đánh quay với lũ trẻ con. Và nghề đi săn hình như đối với nó cũng là một thú chơi.
Một hôm mẹ nó xuống chợ, bố nó thì đi uống rượu nhà ông Mùa A Cha từ sáng, ở nhà một mình buồn quá, thằng A Lếnh lại vào lấy súng kíp ra nghịch. Bất chợt nó nhìn lên gá bếp thấy túi đạn trì của bố nó nhét vào cái ống cạnh chỗ cài con dao. Nó mừng như bắt được vàng, một nắm đạn lấy đi vài viên, còn lâu bố nó mới biết, nó hứng khởi nạp đạn vào nóng súng rồi xách súng ra bìa rừng bắn cái con chim suốt ngày hót điếc cả tai.
A Lếnh đã nấp vào một bụi cây, chờ mãi chẳng thấy con chim ấy đâu. Nó đang chuẩn bị quay về thì có tiếng “gừ…gừ…” phát ra từ lùm cây bên cạnh. Con vật ấy vừa kêu vừa làm rung bụi cây. Chắc chắn là lợn rừng. A Lếnh đi với bố mấy lần nên nó biết điều đó. Không ngần ngại nó bóp súng lên, tỳ vào má, nín thở…bóp cò.
Tiếng nổ chát chúa vang lên, những viên đạn trì toả thành chùm. Lúc hạ súng thằng A Lếnh chết lặng như trời trồng vì khi đạn ra hết khỏi nòng cũng là lúc một tiếng người kêu ré lên. Nó hốt hoảng chạy lại thì ôi thôi, bố nó đang rên la, quằn quại trên vũng máu. Thì ra bố nó đi uống rượu về say quá nên ngủ luôn ở đấy. Một người làm nương bên cạnh kịp thời đưa bố nó vào trạm xá nếu không đúng ngày này năm sau đã là ngày giỗ của A Lù.
May mà bị nhẹ nên mấy ngày hôm sau bố thằng A Lếnh khỏi bệnh. Con trâu be xã chưa bắt nộp ngay mà chờ cho nó lớn, khi nào đẻ thì phải tự mang con đến nộp. Lúc này mà xã bắt nộp con trâu be thì chắc vợ chồng A Lù chẳng biết lấy cái gì kéo cầy.
Lâm Quế