Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu 2014: Dân ca kịch sắp 'tuyệt chủng'?

28/06/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc 2014 (do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VH,TT&DL tỉnh Cần Thơ tổ chức) diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 20 đến 26/6 đã kết thúc và một lần nữa chỉ ra thực trạng đáng buồn của sân khấu ca kịch truyền thống nước nhà hiện nay.

Với hơn 90% tiết mục dự thi thuộc về sân khấu cải lương trong khi bộ môn dân ca kịch chỉ có duy nhất Đoàn Nghệ thuật Bài chòi Bình Định với 6 thí sinh, cuộc thi mang tầm quốc gia này bỗng trở thành “giải thưởng Trần Hữu Trang mở rộng”.

Thiếu hụt tài năng

NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, cũng là thành viên ban giám khảo, cho biết bản thân ông đã làm việc với nhiều đoàn dân ca kịch trên cả nước và việc thiếu hụt lớp trẻ kế thừa là thực trạng chung. Còn với sân khấu cải lương thì có muốn đòi hỏi thêm cũng khó vì lực lượng hay năng lực cũng “chỉ có thế mà thôi”. Nghĩa là những “gương mặt thân quen” qua hàng loạt cuộc thi, liên hoan sân khấu lẫn hội diễn cũng như thường trực phủ sóng các đài truyền hình như: Hồ Ngọc Trinh, Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Lê Ngọc Quyền… vẫn xuất hiện với những màn trình diễn “vẫn vậy”. Trong khi đó, sự kỳ vọng của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn lại là sự “lên tay nghề”, sự tiến bộ về khả năng ca diễn, bản lĩnh sân khấu của những nhân tố từng được xem là niềm hy vọng mới của sân khấu cải lương. Mà cũng khó trách vì: “Thế hệ các nghệ sĩ lớn ngày xưa được rèn nghề trên sân khấu hàng đêm. Còn diễn viên trẻ bây giờ đâu còn sân khấu để hát, đâu có điều kiện học hỏi, luyện tập thường xuyên. Như tôi dựng tuồng cho các bạn diễn chương trình Ngân mãi chuông vàng của HTV, tập tành, “bẻ chân bẻ tay” cả tháng trời, sau đó diễn một đêm rồi thôi. Vài tháng sau gặp lại cũng đâu lại vào đấy, những gì mình đã hướng dẫn cũng không còn đọng lại mấy” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.


Tiết mục Cờ nghĩa giồng Sơn Quy của thí sinh Huỳnh Mơ (đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang) chỉ để lại ấn tượng bởi sự dàn dựng rối mắt và khó hiểu

NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, cũng nhận xét: “Theo dõi xuyên suốt cuộc thi, tôi thực sự rất xúc động trước sự say nghề, những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hạn chế để bám trụ với nghề của các diễn viên trẻ. Tuy nhiên những nhân tố nổi bật, có tố chất ngôi sao để cuốn hút khán giả thì vẫn chưa có”.

Khi dấu ấn đạo diễn che mờ tài năng

Những năm qua, sân khấu cải lương trong nỗ lực cách tân về hình thức nhằm mang đến những cảm xúc mới lạ cho khán giả đã dần rơi vào “chủ nghĩa hình thức” với việc lạm dụng những mảng miếng dàn dựng, bày ra một sân khấu hoành tráng, tưng bừng, nhiều chiêu trò mà làm nhạt nhòa chính bản sắc của nghệ thuật cải lương. Hai kỳ hội diễn vừa qua (2009 và 2012) đã thể hiện rõ rệt xu hướng này khi nhiều đơn vị chọn phong cách dàn dựng hoành tráng, lễ hội cho vở tuồng dự thi.

Các mùa giải Trần Hữu Trang gần đây, mặc dù tiết mục dự thi của thí sinh chỉ gói gọn trong 15 - 20 phút nhưng cũng không thiếu những màn múa minh họa với cờ xí, lá hoa, những màn bưng bê tạo hình cho nhân vật trên cao… Ở cuộc thi lần này cũng vậy, thậm chí ở nhiều tiết mục dàn dựng của đạo diễn còn lấn át cả phần biểu diễn của thí sinh. Các thí sinh thay vì tập trung bộc lộ khả năng ca diễn của mình lại bị phân tâm nhiều cho những động tác hình thể, cho sự phối hợp với các mảng dựng sân khấu. Ví dụ trường hợp của các thí sinh: Huỳnh Mơ với trích đoạn Cờ nghĩa giồng SơnQuy, Ngọc Quyền và Thanh Nhường - Sáng mãi niềm tin, Trần Phương Trang - Kẻ sĩ Thăng Long, Bùi Thị Dung - Cung phi Điểm Bích… Và cái khán giả muốn thưởng thức nhất chính là giọng ca ngọt ngào và diễn xuất tinh tế của người nghệ sĩ cũng không thể trọn vẹn khi phải cố hiểu ý đồ dàn dựng của đạo diễn…

Và cũng như bao cuộc thi hay liên hoan hội diễn “đến hẹn lại lên”, những huy chương đã có chủ nhưng tương lai sân khấu cải lương hay nghệ thuật dân ca kịch nước nhà vẫn còn là một niềm trăn trở lớn khi cuộc thi dù diễn ra trên đất Tây Đô (quê hương của một trong những gánh hát cải lương đầu tiên) mà vẫn chỉ có người trong nghề tự xem với nhau!

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm