Món ngon từ... củ chuối!

28/10/2011 14:00 GMT+7 | Đời sống

Thực vậy, chát xin xít và hầu như không có dinh dưỡng, củ chuối thường được người dân vùng nông thôn dùng để cho lợn ăn. Con người chỉ ăn củ chuối khi đã đói đến cùng cực, không còn gì để ăn, như tình cảnh của nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Tuy nhiên, với triết lý ẩm thực là… cái gì cũng ăn được, người dân tại nhiều địa phương đã chế biến củ chuối thành nhiều món đặc sản rất hấp dẫn.

Củ chuối om xương Đại Đồng

Đây là một món ăn khá nổi tiếng, không thể thiếu trong các dịp lễ lạt ở của vùng quê Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội). Nguyên liệu của nó là những củ chuối non, được gọt bỏ phần vỏ sần sùi, bên ngoài, thái lát mỏng và thái chỉ rồi ngâm vào chậu nước có pha dấm mẻ cho chuối trắng và mềm.



Củ chuối om xương. Ảnh: Luckystar_thienthan (Flickr).

Nguyên liệu này sẽ được rửa sạch, làm mềm bằng tay và trộn với tương, mẻ, mắm tôm, gia vị, xương, mỡ lợn. Khi tẩm ướp xong thì đổ nước luộc thịt hoặc nước lã vào cho lên bếp đun từ 45-60 phút, khi nếm thấy củ chuối mềm, ngọt là được. Trước khi bắc nồi xuống, cho vào nồi một ít tỏi đã dập nát, rau mùi tây thái nhỏ cho dậy mùi.

Món ăn này là tổng hỏa của cái bùi, cái béo, cái ngậy, cái ngọt, cái thơm, ăn với cơm hoặc nhắm với bia đều hợp.

Canh củ chuối Ðoan Hạ

Nếu củ chuối om xương là đặc sản của đất Đại Đồng thì canh củ chuối lại là món ngon không thể bỏ qua khi đến vùng quê Đoan Hạ, Phú Thọ. Cách chế biến hai món ăn này có khá nhiều điểm giống nhau.

Nguyên liệu của canh củ chuối Đoan Hạ là những củ chuối tơ mọc ở địa phương. Chúng được gọt sạch vỏ, rửa, bổ ra và thái rất mỏng như sợi miến. Những sợi củ chuối này sẽ được ngâm trong chậu nước có hòa mẻ để làm mất hết chất nhựa chuối.

Sợi củ chuối sẽ được trộn đều với xương sườn lợn băm nhỏ, mẻ, tương ngọt, mắm tôm đồng. Sau khi ngâm chừng 10- 15 phút đổ thêm một bát mỡ rồi bắc lên bếp đảo đều cho săn sợi. Tiếp đó đổ nước lã ngập chừng một đốt ngón tay, đun sôi chừng 10-15 phút thì bắc ra trộn đều với rau xương sông, lá lốt đã thái nhỏ.   

Hương vị ngon lạ của canh củ chuối sẽ gây một ấn tượng khó phai đối với những thực khách được thưởng thức món ăn này.

Gỏi củ chuối

Gỏi (nộm) củ chuối là một món ăn khá quen thuộc ở các tỉnh miền trung và đã được du nhập vào miền Nam. Đây là một món ăn dễ làm, có thể dùng trong bữa ăn hằng ngày cũng như  vào dịp lễ tiệc.

 


Một đĩa gỏi củ chuối. Ảnh: Thanh Niên.

Để làm món này, phần non của củ chuối hột sẽ được rửa sạch và thái sợi, thái xong ngâm ngay vào nước lã cho khỏi thâm, sau đó đem luộc chín, xả với nước lạnh rồi vắt khô. Sau đó, trộn phần sợi này với muối, mì chính, đường, mắm tôm, tôm luộc bỏ vỏ, thịt ba rọi luộc xắt mỏng, đậu phộng rang chín, đập dập, giá trần sơ. Cuối cùng rắc lên trên lá chanh thái sợi và hạt đậu tương rang chín, xay nhuyễn.

Dùng với nước mắm pha chua ngọt, gỏi củ chuối có mùi vị thanh, ăn không ngán, không chứa nhiều đường và dầu mỡ.

Lươn om củ chuối

Đây mà một món đặc sản của vùng đồng bằng Bắc bộ, đã đi vào câu ca dao "Cá rô quyện với nồi rang/Còn như củ chuối, lươn vàng quyện nhau" và xuất hiện tại nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng.


Lươn om củ chuối. Ảnh: Anh Trần.

Với món ăn này, củ chuối hột được rửa sạch, gọt vỏ rồi thái thành sợi nhỏ, đem ngâm với nước lã ngâm mẻ cho đỡ chát và đỡ thâm, sau đó trộn với những khúc lươn đồng nhỏ khoảng 3-5cm. Tiếp đó, bổ sung thêm một số gia vị như vỏ quýt (xắt nhuyễn), mắm tôm, ớt, hành, muối và đặc biệt không thể thiếu một chút mỡ nước cho tăng độ bùi, béo cho món om. Ngoài ra, có thể cho thêm một chút nước củ nghệ để tạo màu sắc, tăng phần hấp dẫn.

Hỗn hợp trên được đun sôi (tốt nhất là bằng nồi đất) cho đến khi nước sánh, lươn và chuối chín mềm là được. Ngoài ra, có thể rắc thêm hành, lá lốt, tía tô, rau thơm, ớt thái nhỏ trang trí lên trên.

Ốc bung củ chuối

Đây vừa là một món ăn khoái khẩu, vừa là một vị thuốc điều trị bệnh tiểu đường, theo lời khuyên của các chuyên gia đông y.

Để làm món ăn này, củ chuối phải thái mỏng, ngâm nước cho ra hết nhựa, cho vào nồi ninh nhừ, sau đó trộn với ốc bươu, thịt lợn ba chỉ ướp mẻ và nghệ, đậu phụ rán, dọc mùng, khế, mắm tôm và một số gia vị khác… Món ăn này có mùi vị đậm đà, có cứng có mềm, hơi chua hơi chát, hơi cay hơi nhạt, đem lại cảm giác thú vị khi thưởng thức.

Theo Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm