100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

10/12/2022 09:11 GMT+7 | Văn hoá

Nếu giữa những nhà thơ tiền chiến thời "Thơ Mới" xuất hiện một nhà thơ cách mạng là Tố Hữu thì giữa những nhạc sĩ tiền chiến thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam cũng xuất hiện một nhạc sĩ cách mạng là Đỗ Nhuận (10/12/1922-10/12/2022).

Không chỉ là một tên tuổi lớn, được mệnh danh là “cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ và có giá trị nghệ thuật cao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội nhạc sĩ Việt Nam và là một trong năm người đầu tiên được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Đỗ Nhuận - “cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng, người cộng sản kiên trung trên mặt trận văn hóa-văn nghệ

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922, quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 3 tuổi, ông theo cha sống và học tập tại Hải Phòng. Vạc, vốn là quê hương của đất chèo – đã sớm gieo vào tâm hồn cậu thanh niên Đỗ Nhuận cảm hứng và đam mê âm nhạc. Song song với học văn hóa và tiếng Pháp, ông say sưa học nhạc. 14 tuổi, ông đã sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như: sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu... Sau đó, khi học ở trường Bonnal Hải Phòng, ông bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc phương Tây, bắt đầu học ký âm pháp, học ghi ta, băng giô, viôlông.

100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922-10/12/2022): “Cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Khác với phần đông các nhạc sĩ cùng thời theo khuynh hướng lãng mạn, Đỗ Nhuận bước vào làng âm nhạc bằng những bài ca yêu nước. Năm 1939 ở tuổi 17, ông có tác phẩm đầu tay Trưng Vương. Sau đó, lấy cảm hứng từ lịch sử, ông viết các ca khúc Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc, là cơ sở để sau này ông soạn vở ca cảnh Nguyễn Trãi - Phi Khanh (trong hai năm 1940, 1941). Thời điểm đó, những tác phẩm của ông được trình diễn đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta. Và cũnh chính vì những ca khúc này cùng các hoạt động khác được Mặt trận Việt Minh giao, ông đã trở thành cán bộ nòng cốt của Mặt trận Việt Minh trong thanh niên, học sinh Hải Phòng.

Do tham gia các hoạt động của Việt Minh, Đỗ Nhuận bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Dương. Cuối năm 1943, ông bị đưa ra xét xử tại tòa án sơ thẩm Hải Phòng với mức án 3 năm tù và chuyển lên giam tại Hỏa Lò Hà Nội và sau đó bị đầy lên Sơn La. Chính tại những nơi này, ông được gặp “những nhà cách mạng đàn anh” như: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng (tức Sao Đỏ), Xuân Thủy… và được phân công tham gia tờ Suối Reo - tờ báo bí mật của nhà tù Sơn La do Xuân Thủy làm Chủ bút và phụ trách văn nghệ của nhà tù. Hơn một năm ở Sơn La, Đỗ Nhuận cho ra đời nhiều ca khúc như: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân, Viếng mồ liệt sĩ.

Sau khi ra tù, Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và tuyên truyền cách mạng qua các ca khúc của mình. Giai đoạn này, ông viết nhiều bài hát và được phổ biến như: Nhớ chiến khu, Đường trường vô Nam, Tiếng súng Nam bộ, Bé yêu Bác Hồ, Ngày Quốc hội... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông có những ca khúc như Đoàn lữ nhạc, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên, Tình Việt Bắc, Lửa rừng, Tiếng hát đầu quân, Áo mùa đông, Đèo bông lau.... Trong đó, ca khúc Hành quân xa với câu hát nổi tiếng "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi" và trường ca bất hủ Du kích sông Thao được coi là những tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm của Đỗ Nhuận đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta vùng lên, chắc tay súng, vững tay cày, chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Năm 1955, tổng kết 9 năm hoạt động văn học nghệ thuật phục vụ kháng chiến, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được trao giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam về chùm ca khúc liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ.

100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922-10/12/2022): “Cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thời trẻ

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kéo dài suốt 20 năm, là một trong những cuộc kháng chiến chống xâm lược lâu dài, gian khổ, và ác liệt nhất đã mang lại thắng lợi vẻ vang nhất, tạo một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Nhuận. Các tác phẩm của ông bám sát cuộc sống, cổ vũ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như: Quê hương tôi, Thắm hoa núi rừng, Trai anh hùng, gái đảm đang; Vui mở đường, Trống hội tòng quân, Hát mừng các cụ dân quân, Trông cây lại nhớ tới Người, Em là thợ quét vôi...

Có thể nói, những năm bị giam cầm và tra tấn trong nhà tù của thực dân Pháp trước Cách mạng Tháng Tám cũng như hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã tôi luyện ông – một cán bộ Việt Minh thời Tiền khởi nghĩa thành một chiến sĩ kiên cường, người cộng sản kiên trung trên Mặt trận văn hóa-văn nghệ.

Và những dấu ấn mở đầu

Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được tín nhiệm giao cương vị Tổng Thư ký đầu tiên của hội ((khóa I, khóa II, từ năm 1957 đến năm 1983). Ông cũng là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc được đào tạo bài bản, là người đầu tiên thuộc thế hệ nhạc sĩ tiền chiến được cử đi học tại đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky (1960-1962) và cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu viết opera với vở Cô Sao (1965), rồi sau đó là Người tạc tượng (1971) vạm vỡ và mới lạ, nâng tầm nhạc Việt lên một chiều cao đáng tự hào cho thời chiến tranh oanh liệt.

100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922-10/12/2022): “Cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Người tạc tượng”. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Không chỉ nâng tầm nhạc Việt qua đóng góp của mình, với cương vị phụ trách Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã cùng tập thể lãnh đạo thổi bừng ngọn lửa sáng tạo trong các nhạc sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư để làm nên một nền âm nhạc chống Mỹ khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Ông cùng đồng nghiệp quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới qua những chuyến lưu diễn ở nhiều nước Á, Âu. Họ còn giúp đỡ phát triển nền âm nhạc nước bạn Lào.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đỗ Nhuận vẫn đầy nỗ lực cùng anh em nhạc sĩ hai miền Nam - Bắc tạo nên không khí âm nhạc thời thanh bình. Không chỉ âm nhạc hàn lâm, ông còn rất chú trọng âm nhạc đại chúng, phổ cập hóa nhạc nhẹ điện tử qua phong trào "Ca khúc chính trị" ở khắp cả hai miền. Bên cạnh những nhạc kịch nhỏ viết cho các địa phương, ông còn tập trung cao độ để hoàn thành vở nhạc kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan qua vở kịch cùng tên của Nguyễn Đình Thi.

100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922-10/12/2022): “Cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - Ảnh 4.

Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thanh thản ra đi ở tuổi "nhân sinh thất thập" vào mùa hè 1991 tại Hà Nội, để lại nhiều di sản âm nhạc cho đất nước. Với những cống hiến không biết mệt mỏi của mình, ông đã được nhận nhiều huân huy chương cao quý, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I năm 1996.

Tổ chức chuỗi chương trình đặc biệt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận và 65 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhằm tôn vinh một trong những nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ thực hiện một chuỗi sự kiện gồm:

- Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết hợp trao Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 vào hồi 19 giờ 30 ngày 23/12/2022, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

- Khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, 9 giờ 30 ngày 10/12/2022, tại quê hương Ông, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

- Hội Thảo “ĐỖ NHUẬN - ÂM THANH CUỘC ĐỜI” gắn với chặng đường 65 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào hồi 8 giờ 30 ngày 25/12/2022, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

- Chương trình nghệ thuật đặc biệt “ĐỖ NHUẬN - ÂM THANH CUỘC ĐỜI” tôn vinh những thành tựu sáng tạo âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 25/12/2022.

Chương trình gồm những tác phẩm bất hủ của ông đã từng chiếm trọn những trái tim yêu nhạc cùa hàng triệu người qua từng năm tháng, qua từng thế hệ như: Du kích ca, Du kích Sông Thao, Chiến thắng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi, Vui mở đường, Trông cây lại nhớ đến người… Chương trình cũng sẽ dựng lại con người, cuộc đời của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Bên cạnh đó, để ghi nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa-văn học nghệ thuật, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Lễ phát hành bộ tem cũng được tổ chức vào ngày 25/12, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ngọc Lan/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm