09/05/2014 09:13 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc đối thoại sôi nổi với hàng trăm sinh viên Việt Nam tại Hà Nội sáng 8/5, nhà báo Thomas L. Friedman không chỉ truyền tải các thông điệp mà còn nhờ giới trẻ Việt Nam làm “quân sư” về đề tài viết báo.
Nhà báo lừng danh người Mỹ có cuộc giao lưu với sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Ngoại giao tại hội trường nhà E, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội sáng 8/5.
Việt Nam trong nước Mỹ và nước Mỹ trong Việt Nam
Phản biện quen thuộc nhất mà Friedman hay gặp nhất từ khi viết cuốn Thế giới phẳng là “Thế giới không phẳng” hay “Thế giới lồi lõm”. Nhiều người phản biện ông về nhiều lĩnh vực và với nhiều lý lẽ khác nhau. Trong đó, văn hóa được cho là không thể bị san phẳng vì các dân tộc sẽ đánh mất bản sắc của mình.
Trả lời câu hỏi này, Friedman cho biết vẫn có biểu hiện “phẳng” trong văn hóa mà con người không thể phủ nhận: “Từ phẳng là để chỉ “cái sàn”, còn văn hóa nằm trên cái sàn đó. Bản sắc văn hóa hoàn toàn có thể tăng lên hoặc giảm đi”.
“Nếu tôi là sinh viên Việt Nam ở Mỹ, tôi có thể tìm đọc báo, đọc các tác phẩm văn học Việt Nam qua Google dù tôi chưa bao giờ đặt chân về Việt Nam. Còn khi tôi là người Mỹ, gần nơi tôi sống ở Washington D.C có 3 nhà hàng Việt Nam, tôi ăn đồ ăn Việt Nam ở đó. Còn khi đến Việt Nam, tôi lại được ăn đồ ăn Mỹ như KFC, McDonald’s. Đó là gì nếu không là sự san phẳng trong văn hóa?”.
“Toàn cầu hóa có thể làm gia tăng hoặc nhạt nhòa bản sắc. Văn hóa yếu thì sẽ bị quét sạch, nhưng văn hóa mạnh thì sẽ càng lớn mạnh”. Vấn đề Friedman đặt ra là các nền văn hóa nên cố gắng tô đậm bản sắc thay vì phủ nhận xu hướng “phẳng”.
Phỏng vấn sinh viên để viết báo ngay trong tọa đàm
Nhà báo Mỹ đã giữ triệt để lời hứa đối thoại với Việt Nam khi tọa đàm không chỉ có diễn thuyết và hỏi – đáp một chiều. Là một nhà báo, ông tận dụng luôn tọa đàm để tìm đề tài và phỏng vấn để… hoàn thành bài báo phải nộp cho ban biên tập New York Times về chuyến đi Việt Nam.
Hình ảnh một diễn giả nêu câu hỏi phỏng vấn cho một cử tọa ngồi dưới và cắm cúi gõ câu trả lời vào laptop là cách tác nghiệp hiếm thấy tại Việt Nam. Một hành động rất tự nhiên từ Friedman khiến ông trở nên gần gũi hơn rất nhiều so với hàng trăm sinh viên ở dưới, trong đó cũng có những người theo nghề báo chí giống ông.
“Tôi được giao viết một bài báo về Việt Nam và phải nộp vào Chủ nhật” – cây bút giữ cột báo Op-Ed về thời sự quốc tế của New York Times nói với sinh viên Việt Nam – “Các bạn hãy đưa ra lời khuyên cho tôi”.
Trong các đề tài chính trị, văn hóa, giáo dục được gợi ý, Friedman chú ý hơn cả đến giới trẻ Việt Nam trong thời đại hiện nay. Khi Phương Anh, một sinh viên Học viện Ngoại giao nói về những tiềm năng của giới trẻ Việt Nam, ông phỏng vấn luôn: “Bạn có lạc quan không? Bạn thấy tiềm năng của mình được phát triển ở đất nước này không?”.
Phương Anh trả lời phỏng vấn: “Tôi lạc quan và thấy mình có thể phát huy khả năng. Sinh viên Việt Nam có hoài bão và ngày càng học giỏi hơn. Tôi thấy nữ giới học giỏi hơn nam giới ở các trường trung học, có thể nói mức độ bình đẳng giới khá cao. Mặc dù vậy, số người được tiếp cận học vấn trình độ cao vẫn còn quá ít, đặc biệt học sinh ở nông thôn gặp rất nhiều khó khăn”.
Friedman rất quan tâm đến đề tài này nên sau tọa đàm ông gặp riêng Phương Anh để phỏng vấn thêm cho bài báo. Kết quả có lẽ phải đợi xem trên New York Times cuối tuần này.
Sinh viên gợi ý Friedman viết về biển Đông |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất