10 đội bóng từng bị "ghét nhất thế giới"

25/02/2010 07:05 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Online) – Trận cầu Inter và Chelsea tại vòng 1/8 được xem là cặp đấu “đôi lứa xứng đôi” khi cả hai đều không có được nhiều những thiện cảm của người yêu bóng đá có thái độ trung lập, thích bóng đá tấn công. Lối chơi phòng thủ và điệp khúc chiến thắng 1-0 đã khiến cho những người yêu bóng đá đẹp quay lưng với cả hai. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả khi mà trước đó đã có không ít những đội bóng trên thế giới đã bị người hâm mộ quay lưng.

10) Real Madrid dưới thời Chủ tịch Ramon Calderon

Các Madridista đang tràn đầy hi vọng vào một mùa bóng thành công của Real Madrid khi hàng loạt những ngôi sao như Kaka, Cristiano Ronaldo hay Benzema đã về với Bernabeu. Thế nhưng, trong quá khứ của mình, Real ở “kỷ nguyên của những lời hứa hão” mang tên Ramon Calderon đã khiến NHM không khỏi thất vọng đầy cay đắng. Real dưới thời Calderon không chỉ là trò cười cho thiên hạ khi thất bại trong vụ CR9, rồi đến ngay cả những David Villa hay Santi Cazorla lắc đầu từ chối về Bernabeu. Sự kém cỏi trên TTCN, cùng những "trò" mà Calderon và các cộng sự đã làm trong thời kỳ nắm quyền “Nhà Trắng” không chỉ làm các Madridista thêm xấu hổ mà còn biến CLB Hoàng gia TBN thành đội bóng đáng ghét trong con mắt các CĐV.

9) Arsenal của thời kì 1986-1995

Nếu so sánh Arsenal của thời kì 1986-1995 với hiện tại thì đó quả là một điều kệch cỡm! Bởi Arsenal của hiện tại dưới bàn tay của “giáo sư” đang trình diễn một lối đá vị nghệ thuật làm mê đắm lòng người; trong khi đó, Arsenal của thời kì 1986-1995 dưới thời HLV George Graham trình diễn một lối đá mang đậm phong cách Catenaccio của Italia những năm 60 thế kỉ trước và liên tục ca điệp khúc của chiến thắng 1-0. Khi đó, NHM đã không khỏi ấm ức khi chứng kiến cảnh The Gunners nâng cao chiếc cúp C2 (năm 1994) sau khi giành chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Parma. Dù nằm trong danh sách những đội bóng đáng ghét nhất khi đó và cả sau này thì Arsenal dưới thời George Graham đã đem về Highbury 2 chức vô địch Ngoại hạng các năm 1989 và 1991.

8) ĐTQG Italia của nhiều giai đoạn

Dù đang ở ngôi cao nhất nhưng ĐTQG Italia luôn bị lên án bởi lối chơi của mình


Trên đấu trường quốc tế, ĐTQG Italia được xem như đội bóng không có được thiện cảm của các CĐV trung lập bởi lối chơi Catenaccio nổi tiếng. Không chỉ có vậy, các cầu thủ Italia còn mang trong mình những kỹ năng chơi bóng một cách ma mãnh và ý đồ chiến thuật phòng ngự một cách tiêu cực. Tuy nhiên, cần phải công nhận một thực tế: Italia đang là ĐKVĐ thế giới và trước đó đã từng 3 lần bước lên ngôi cao nhất của bóng đá thế giới trong các năm 1934, 1938 và 1982.

7) Manchester United sau năm 1993

May mắn là yếu tố luôn hiện hữu và tồn tại cùng thế giới bóng đá, nhưng hiếm có đội bóng lớn nào lại có được nhiều may mắn như Man Utd. Đặc biệt nhất đó là mùa giải 1993 – năm đầu tiên, Sir Alex và Man Utd vô địch giải Ngoại hạng sau 26 năm. Nếu mùa giải đó, trong trận đấu cuối cùng gặp Sheffield, hậu vệ Steve Bruce không ghi liền hai bàn thắng trong hai phút cuối trận đem về chiến thắng 2-1 thì Man Utd không thể vô địch. Sau đó, trận chung kết Champions League năm 1999 cũng lặp lại điều tương tự. Man Utd đang có ít CĐV trung thành ở chính Manchester, cũng như ở Anh mà phần nhiều chỉ là những CĐV “ngoại đạo” cổ vũ cho đội bóng vì biết đến những thành công của CLB mà thôi.

6) Juventus ở nhiều thời kì

Cây bút Carlo Garganese của Goal nhận xét rằng: “Juventus bị ghét ở Italia với một lí do như M.U đang bị xem thường ở Anh”. Đó chính là việc Bianconeri có được những may mắn khi ghi được các bàn thắng quan trọng trong những phút cuối trận chứ không đơn giản là họ thể hiện lối chơi quyến rũ với một thế trận áp đảo. Không chỉ thế, Juventus còn bị cho là đã từng có hành động phản ứng lại các quyết định của trọng tài để hưởng lợi. Tiêu biểu nhất là mùa bóng 1981, 1982 hay 1998. Và rồi, 2006 với vụ bê bối Calciopoli đã khiến “Lão phu nhân” đánh mất phân nửa lượng fan của mình.

5) Hy Lạp năm 2004

Trước khi Euro 2004 bắt đầu, Hy Lạp chỉ được xem như một đội bóng yếu của “lục địa già”, bởi trong quá khứ thì “những đứa con thần Zues” mới chỉ tham dự vào hai giải đấu lớn là Euro 1980 và World Cup 1994. Điều đáng buồn: cả hai giải đấu đó họ đều không qua được vòng bảng (chơi 6 trận, thua 5, hòa 1, ghi 1 bàn thắng và thủng lưới 14 bàn). Thế nhưng, dưới sự dẫn dắt của  HLV Otto Rehhagel, Hy Lạp đã “lột xác” và đăng quang ở Euro 2004. Tuy nhiên, với lối đá phòng thủ phản công của Hy Lạp khi đó đã khiến bao trái tim yêu bóng đá vị nghệ thuật lên án.

Hình ảnh này từng làm ngỡ ngàng làng túc cầu thế giới

4) Leeds United dưới thời Don Revie

Trong lịch sử của mình, Leeds United ở những năm 60-70 của thế kỉ trước được thừa nhận một cách rộng rãi là một trong những đội bóng đáng ghét nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Thời kì này, Don Revie đem đến cho Leeds United một lối đá mang đậm tính chiến thuật, nhưng nó lại trở thành cầu toàn. Với những tài năng khi đó như Peter Lorimer, Johnny Giles và Billy Bremner, đáng lẽ Leeds United đã phải gặt hái được nhiều thành công hơn hai chức vô địch Ngoại hạng, một FA Cúp và một League Cup."

3) CLB Estudiantes (Argentina) thời kì 1967-1970

Mặc dù trong thời kì này, Estudiantes gặt hái được nhiều thành công nhất trong lịch sử CLB (một chức vô địch Argentina, ba chức vô địch Copa Libertadores, một chức vô địch các CLB thế giới, một chức vô địch các CLB Nam Mỹ). Tuy nhiên, lối đá thô bạo của đội bóng này đã khiến rất nhiều người khi đó phản đối và không khỏi ghê sợ mỗi khi nghĩ đến.

2) Bayern Munich thập niên 70 của thế kỉ XX

Cũng giống như Juventus và Manchester United, Bayern bị ghét ở Đức bởi sự thành công của họ. Các chức vô địch Champions League vào những năm 1974, 75 và 76 của Bayern được xem là đầy may mắn khi có những bàn thắng ở phút cuối và thêm vào đó là những phán quyết "mập mờ" của trọng tài. Ngoài ra, Bayern Munich cũng mang những đặc tính của người Đức: kỷ luật! Chính những điều đó phần nào tạo nên cho Bayern một hình ảnh không được ưa thích.

1) Argentina năm 1990

ĐTQG Argentina của World Cup 1990 có thể sẽ là đội bóng đáng ghét nhất trong các kì World Cup. Để tiến đến trận chung kết tại Rome với CHLB Đức, những chàng trai đến từ “xứ Tango” đã quên mất mình là chủ nhân của thứ bóng đá mang dấu ấn của những vũ điệu la-tin nóng bỏng, quyến rũ. Thay vào đó, Argentina năm 1990 thể hiện lối chơi lạnh lùng và sẵn sàng “chặt chém” đối thủ chỉ để giành được chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, trong trận chung kết tại Rome năm đó, Argentina đã không thể đăng quang với lối đá thiếu bản sắc của mình để rồi phải cay đắng nhìn người Đức đăng quang.

Trần Quang (Theo Goal)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm