Mỗi năm Việt Nam chịu một… “thảm hoạ sóng thần”

22/11/2011 10:43 GMT+7

(TT&VH) - Đó là một thảm hoạ diễn ra từ từ, chậm chạp, chứ không ào ạt, rung chuyển đất trời như ở Nhật Bản tháng 3 năm nay. Thảm hoạ đó đã kéo dài từ nhiều năm nay và dường như chia đều qua 365 ngày, tập trung vào các ngày lễ, tết...

Vâng, đó chính là quốc nạn giao thông. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lại vừa có một ví von gây sốc khi so sánh tai nạn giao thông với sóng thần.  Tính bình quân từ 2007 đến nay, mỗi năm có gần 12.000 người chết, tương đương 75,55% số người chết do thảm họa sóng thần và động đất ở Nhật Bản. Riêng trong 10 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 11.036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.265 người. Tất nhiên chưa kể số người bị thương, số tài sản bị thiệt hại. Nếu thống kê hết có lẽ cũng không kém bất cứ thảm hoạ sóng thần nào.



Một cảnh tai nạn giao thông

Có gì giống và khác nhau giữa quốc nạn giao thông và thảm hoạ sóng thần? Cả hai thứ đều có thể cảnh báo được và liên tục được cảnh báo, nhưng vẫn cứ xảy ra, làm cho gia đình, xã hội sửng sốt, bàng hoàng. Ai cũng tự hỏi tại sao cái điều cứ tưởng là không bao giờ xảy ra ấy lại xảy ra với thân nhân mình hoặc với chính mình.

Nhưng khác với sóng thần, quốc nạn giao thông âm thầm len lỏi vào từng ngõ ngách của xã hội, có vẻ như nó đe doạ không trừ một ai (ngồi trong nhà cũng có thể bị ô tô mất lái tông vào nhà, húc đổ tường), chẳng ai có thể thoát khỏi việc phải đối diện với nó (ai mà chẳng phải ra đường, chẳng phải thót tim vì những kẻ phóng nhanh, vượt ẩu, hay những kẻ “như không có mắt” xồ ra từ trong ngõ)...

Cũng rất khác với sóng thần ở chỗ, người ta dường như không biết sợ quốc nạn giao thông. Đang phóng như bay trên đường, gặp một người xấu số tử nạn, đắp chiếu nằm đấy, hoặc máu me, dép guốc còn tung toé khắp nơi, người ta chỉ đi chậm lại được vài phút, run sợ vài phút, cảm hoài vài phút. Và chỉ sau một lần đèn đỏ, nỗi sợ ấy lại tan biến, lại đè xe nọ, lấn làn kia. CSGT mở chiến dịch mai phục ở các quán bia rượu nhằm đón  lõng và phạt nặng những kẻ có “nồng độ cồn trong máu” (thực ra những người bị bắt phải cảm ơn các chú CSGT đã cứu mình khỏi tai nạn nếu trót quá chén). Nhưng không vì thế mà đường phố giảm bớt những kẻ mặt phừng phực hơi men. Bởi CSGT mai phục lối này thì vòng ra lối khác (có chủ quán làm hoa tiêu) như thể nhất quyết phải ra đường để... gặp tai nạn.

Cho nên phạt nặng cũng chưa phải là cách hữu hiệu để trị bệnh vi phạm luật lệ giao thông, chừng nào bản thân những người vi phạm ấy vẫn chưa biết sợ chết.

Vâng, có lẽ sự khác nhau cơ bản giữa quốc nạn giao thông và sóng thần là ở chỗ đó. Nó là thứ thảm hoạ do con người gây ra và cụ thể hơn do chính mỗi chúng ta tự gây ra cho mình hoặc cho cộng đồng. Thảm hoạ ấy có thể xảy ra trong những ngày rất yên ả của cuộc đời, khi mà mỗi người đều muốn nhanh một tí, về sớm hơn một tí, no say hơn một tí, lờ lãi hơn một tí (đối với những tài xế chở khách hay chở hàng...). Mỗi người đều có những lý do “một tí” ấy để tranh giành với người khác và khi cộng dồn lại, sẽ thành một khối hỗn độn, loạn xạ trên đường, với sức công phá các luật lệ, nề nếp chẳng kém gì các trận động đất vài độ richter.

Sóng thần thì có thể cảnh báo được, nhưng liệu rằng, hồi chuông nào đủ sức cảnh báo cho tất cả chúng ta khi đang “mát tay ga” trên đường? Chừng nào hồi chuông ấy còn chưa đến tai mỗi người thì mỗi năm, thảm hoạ “sóng thần tai nạn giao thông” mà Việt Nam phải hứng chịu sẽ ngày càng khủng khiếp.

Trấn Vũ



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm