Ralf Rangnick: Quả bom của Bundesliga

13/04/2011 11:31 GMT+7 | Champions League

(TT&VH)- Vào một buổi tối lạnh lẽo cuối tháng Hai năm 1998, bất cứ chuyên gia chiến thuật người Đức truyền thống nào cũng sẽ phải giật mình khi theo dõi một bài giảng đi ngược lại mọi lý thuyết thịnh hành thời bấy giờ, được thuyết trình bởi một HLV vô danh của CLB hạng Hai Ulm trên một chương trình bóng đá chẳng mấy tiếng tăm. Nhưng những phân tích của nhà cầm quân vô danh, đeo kính và có dáng vẻ trí thức ấy, thực sự là một quả bom về lý luận chiến thuật vào thời điểm ấy. Ông ta là Rafl Rangnick.

Bên một tấm bảng đen, Rafl Rangnick khoan thai viết, vẽ và giảng giải, về hệ thống mà CLB hạng hai ông đang dẫn dắt, đang sử dụng, với 4 hậu vệ giăng ngang và cách tổ chức phòng ngự theo khu vực. Đó là một cái tát mạnh giáng vào diện mạo bóng đá Đức vào thời điểm ấy. Bất kỳ một đội mạnh nào của Bundesliga bấy giờ, bao gồm cả các cấp ĐQTG của Đức, đều sử dụng các biến thể của sơ đồ phòng ngự dựa trên vai trò của các cầu thủ chơi quét, với 3 hậu vệ ở hàng phòng ngự, và không hề có khái niệm bẫy việt vị hay phòng thủ theo khu vực.


HLV Rafl Rangnick- Ảnh Getty

Nhưng tất cả những lý luận mới mẻ ấy đã bị vùi dập tơi tả trong các bài viết phản biện của những HLV mà đầu óc của họ đặc quánh tư tưởng cứng nhắc truyền thống, được đăng trang trọng trên nhiều tờ báo lá cải. Rangnick bỗng trở thành một kẻ cao ngạo, mà chỉ với một bài giảng thôi, đã biến nhiều đồng nghiệp của ông, bao gồm cả những nhà cầm quân kỳ cựu thời điểm ấy, trở thành những nạn nhân của phương pháp giảng dạy lỗi thời. Từ ấy, ông được các cầu thủ của mình gọi là “Giáo sư bóng đá”, và bất chấp việc phải chống lại những sự công kích một cách đơn độc, Rangnick vẫn không hề có ý định thay đổi những điều ông cho là đúng đắn. Ông áp dụng những phát hiện và cải tiến của mình một cách nhất quán, từ những đội bóng vô danh như Ulm và Hoffenheim (khi Rangnick nắm quyền, đây là chỉ là một CLB đứng ngoài tốp 10 của hạng Ba), cho đến Schalke (ông đã từng dẫn dắt đội bóng này một lần vào mùa 2004-2005) hiện nay.

Ngạo mạn và dị biệt

Đôi khi ông ta làm tôi liên tưởng đến Otto Rehhagel, đều là những mẫu người rất kiêu ngạo. Nhưng trong khi sự kiêu ngạo của Rehhagel hình thành dựa trên những trải nghiệm sâu sắc hơn người, thì thói kiêu ngạo của Rangnick có lẽ hình thành từ suy nghĩ của bản thân anh ta, rằng mình có trí thông minh bất phàm” - Tổng Giám đốc Rudi Assauer của Schalke nói về Rangnick. 5 năm trước, chính mối bất đồng với ông Assauer là nguyên nhân khiến Rangnick rời Schalke, dù đội bóng này khi ấy vẫn là đương kim á quân Bundesliga. Tương tự, một năm trước, Rangnick giải thích quyết định chia tay Hoffenheim một cách rất đơn giản: Người ta đã bán Luis Gustavo sang Bayern mà không hề hỏi ý kiến của ông. Rangnick, người bắt đầu sự nghiệp chỉ với vai trò khiêm tốn trong chiếc đồng phục của một thầy giáo thể dục, đã không để bất cứ ai giẫm lên các nguyên tắc làm việc và sự tự tôn vào kiến thức của mình.

Nhưng ông luôn tạo được sự khác biệt với tư duy ngạo nghễ và dị biệt của mình. Như 2 lần đưa các đội Ulm và Hoffenheim thăng liền 3 hạng chỉ trong 2 năm (Ulm từ 1998-2000, còn Hoffenheim từ 2006-2008), với một lối chơi được đánh giá là đẹp và phóng khoáng, không hề có giới hạn về tốc độ và sự linh hoạt, đem lại những xúc cảm đặc biệt cả về thị giác lẫn sự kịch tính. Như chiến thắng kinh khủng trước Inter ngay tại Giuseppe Meazza, sau 2 lần bị dẫn trước, với một sự liều lĩnh đến lạnh người ngay cả khi đã lội ngược dòng thành công. Rangnick thích sự liều lĩnh và linh hoạt ấy: “Với những cầu thủ trẻ, bạn phải bắt họ chạy liên tục, và đừng có chuyền về. Chơi phòng ngự với một đội bóng trẻ là một sự mâu thuẫn nghiêm trọng. Tôi thích những người trẻ. Họ có thể học nhanh hơn, và thích ứng với cường độ bài giảng của tôi. Cầu thủ già nhất mà tôi từng mua về đội bóng là Per Nilsson (hậu vệ người Thụy Điển, được mua về Hoffenheim cách đây 4 năm), khi cậu ấy 24 tuổi. Còn lại, tôi chỉ mua cầu thủ từ 17-21 tuổi”.

Rangnick đã đánh bại Inter ở trận lượt đi với đội ngũ chỉ gồm đúng một cầu thủ trên 30 tuổi là Raul (sinh năm 1977), trong khi ở hàng thủ, Papadoupolos, sinh năm 1992, được trọng dụng, cánh trái là Joel Matip (1991), cặp tiền vệ trung tâm là Baumjohann (1987) và Jurado (1986)… Đó là một thứ bóng đá cấp tiến, đầy tự tin, riêng biệt, và ngạo mạn đến mức khó ưa. Nhưng cũng là thứ bóng đá để thành công. Thứ bóng đá hấp dẫn, bởi vì cá tính, sự tự tin và suy nghĩ chín chắn của một HLV trẻ mà ngay từ khi chỉ là một HLV thể dục, đã đặt ra những nguyên tắc làm việc bất di bất dịch, từ khi là một nhà cầm quân vô danh, đã dám phản biện những học thuyết lỗi thời, và không bao giờ nhượng bộ với những ai có ý định dám phá bỏ niềm tin ấy của ông.

Phạm An


Con số

1 HLV Ralf Rangnick là người duy nhất từng giúp 2 đội bóng thăng liền 2 hạng chỉ trong 2 năm, với Ulm từ 1998-2000 và với Hoffenheim từ 2006-2008

9 Từ khi khởi nghiệp trong vai trò một HLV kiêm cầu thủ vào năm 1983, cho đến nay, Ralf Rangnick đã dẫn dắt tổng cộng 9 đội bóng, và đây là lần thứ 2 ông tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng của Schalke (lần trước là mùa 2004-2005)

22 Theo triết lý huấn luyện của Rangnick, một đội bóng có độ tuổi trung bình 22 sẽ là đội bóng lý tưởng nhất. Ông cũng khẳng định rằng mình không bao giờ mua về một cầu thủ trên 30, và người “già” nhất ông từng mua là trung vệ Per Nilsson, khi gia nhập Hoffenheim năm 2007 cũng mới… 24 tuổi

Tài năng, nhưng thường bị ruồng bỏ

Một trong những phương pháp của Sacchi mà Rangnick sử dụng chính là việc không chấp nhận thỏa hiệp trong mọi hoạt động liên quan đến quản trị đội bóng, một sự quyết liệt khiến đôi khi ông trở thành cái gai trong mắt các ông chủ. Năm 2005, Rangnick cãi nhau với Tổng giám đốc Assauer ở Schalke, buộc tội BLĐ đội bóng đã làm rò rỉ nhiều thông tin trong phòng thay đồ, và sau đó ra đi không kèn trống. Mùa trước là mâu thuẫn với ông chủ Dietmar Hopp, vì ông này đã bán tiền vệ thủ Luiz Gustavo sang Bayern mà không hỏi qua ý kiến của ông, dẫn đến một cuộc chia tay không báo trước. Trong phòng thay đồ, ông kiên quyết gạt bỏ những cầu thủ có tư tưởng ngôi sao: “Chúng tôi phải giúp đỡ nhau, chạy vì nhau. Ai đó nghĩ cá nhân họ là siêu sao thì đội bóng sở hữu họ coi như hỏng”. Ông cũng là một bậc thầy trong việc nhìn ra các viên ngọc thô và giúp họ tỏa sáng. Trường hợp điển hình nhất là khi ông mua về Ibisevic, người nằm trong thành phần đội Alemania Aachen xuống hạng năm 2007. Rangnick đưa anh về, và biến anh thành ngôi sao.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm