Từ những bức ảnh chiến trường của Hứa Kiểm: Định hình tầm vóc tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh

07/07/2021 09:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nhà báo chiến trường Hứa Kiểm vừa qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội hôm 5/7 vừa qua, thọ 84 tuổi. Lễ viếng sẽ được tổ chức vào hồi 9h30 ngày 7/7/2021 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Vĩnh biệt nhà báo chiến trường Hứa Kiểm (1938-2021)!

Vĩnh biệt nhà báo chiến trường Hứa Kiểm (1938-2021)!

Thế là nhà báo Hứa Kiểm, phóng viên thông tấn quân sự, nhà báo chiến trường nổi tiếng của một thời đất nước, đã ra đi!

Cả cuộc đời cầm máy ảnh, gắn bó với lớp lớp thanh niên xông pha ra trận, ông đã để lại một di sản ảnh quý giá, trong đó bộ ảnh Đường 20 quyết thắng được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực nhiếp ảnh) năm 2016.

Để tưởng nhớ ông, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu lại bài viết của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhà báo Hứa Kiểm

“Khởi đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường vào năm 1966, Hứa Thanh Kiểm (Hứa Kiểm) thường trú ở Vĩnh Linh 6 tháng. Từ đó trở đi, ông ra, vào mặt trận như con thoi, được phân công chụp ảnh các trận đánh lớn, các chiến dịch quan trọng như trận pháo kích vào Cồn Tiên, Dốc Miếu năm 1967, trận Cù Đinh, Ba De năm 1968; túc trực ở trọng điểm giao thông Trường Sơn ATP (Cua Chữ A, Ngầm Tà Lê, Đèo Pu La Nhích) Đông Xuân 1969-1970...

Cuối năm 1970, ông đi cùng quân và dân Campuchia chụp ảnh các trận đánh giải phóng Stung Treng và Karatie. Năm 1971, 1972 ông trực chiến thường xuyên ở các trận địa cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân, và lăn lộn với Binh chủng Tăng, Thiết giáp ở miền Bắc…

Mùa Xuân năm 1975, ông cùng các phóng viên đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn, liền ngay đó là giải phóng các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1979, ông trở lại Campuchia ghi tiếp hình ảnh nhân dân nước bạn vùng lên đánh đổ bọn diệt chủng…

Chú thích ảnh
Chiến sỹ Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, lái xe vượt Đường 20 Quyết thắng. Ảnh: Hứa Kiểm

Còn nhớ, tháng 7/2013, nhà nhiếp ảnh và quay phim người Pháp Patrick Chauvel đã tìm đến Hứa Kiểm, hỏi về ảnh chiến tranh của ông. Hứa Kiểm hồn nhiên nói với Patrick Chauvel, Jean-Francois Leroy và những người trong đoàn: “Tôi tưởng chiến tranh qua lâu rồi, mấy ai nghĩ tới ảnh thời chiến nữa. Tôi không giữ một tấm phim, một bức ảnh nào làm của riêng. Tất cả ảnh do tôi chụp đều được lưu trữ tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)…”.

Các nhà nhiếp ảnh Pháp đã đến Phòng Tư liệu ảnh TTXVN khai thác, họ thực sự vui mừng được xem ảnh của Hứa Kiểm, và lập tức mời ông gửi ảnh và sang dự Festival ảnh báo chí quốc tế lần thứ 26 vào cuối tháng 9/2014 ở Perpignan miền Nam nước Pháp.

Trong buổi ra mắt triển lãm ảnh Người miền Bắc (Việt Nam) tại Festival ảnh báo chí thế giới, Jean-Francois Leroy nói: “Ông Kiểm thân mến, tôi vẫn nhớ câu ông nói ở Hà Nội, vậy hôm nay ông sẽ thấy người ta không quên ảnh của ông, mà người ta sẽ ngưỡng mộ ảnh của ông và các bạn Việt Nam như thế nào”.

Chú thích ảnh
Bức ảnh “Công binh vượt lầy” (nằm trong bộ ảnh “Đường 20 quyết thắng” đoạt giải thưởng Nhà nước của Hứa Kiểm)

Hứa Kiểm trực tiếp giới thiệu ảnh của mình với người xem, ông không ngờ giới báo chí, nhiếp ảnh các nước và công chúng Pháp đến xem đông như vậy. Những bức ảnh Bộ đội tên lửa xung trận, Pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ, Đường 20 quyết thắng, Nhân dân Sài Gòn chào đón Quân giải phóng v.v… đã làm công chúng nơi đây ngạc nhiên và xúc động.

Tháng 4/2015 Trung tâm Văn hóa Pháp tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã trưng bày bộ ảnh này vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chỉ riêng những ảnh của Hứa Kiểm, trong đó có bộ ảnh Đường 20 quyết thắng đã khiến người xem hôm nay vô cùng ngạc nhiên, và cảm phục tuổi trẻ Việt Nam thời chiến, dũng cảm kiên cường. Đồng thời họ cũng cảm phục người cầm máy đã có mặt tại nơi ác liệt đó ghi lại một cách trung thực, chính xác, sinh động những con người, những kỳ tích phi thường.

Không có lời kể chuyện nào rõ ràng, cụ thể, hấp dẫn bằng lời tự sự của bức ảnh. Đâu là Cua chữ A, đâu là Ngầm Tà Lê, đâu là Đèo Pu La Nhích? Có thật đường sá, đồi núi, cây cối bị bom đạn cày xới nát vụn như sa mạc? Có phải tuổi trẻ ở nơi đó bình tĩnh, lạc quan, yêu đời? Hãy nhìn vào gương mặt trẻ trung của chiến sĩ lái xe Lê Văn Bạch, vốn là một giáo viên xung phong vào chiến trường, anh lăn lộn với cung đường tan hoang ấy hàng ngày. Kết thúc một ngày bom đạn, Hứa Kiểm nhẩm tính với Lê Văn Bạch: Hôm nay chúng ta chết hụt 6 lần. Bạch mỉm cười nói: Chúng em không tính như vậy, trở về gặp nhau thường nói: Hôm nay chúng ta chưa chết!…

Những bức ảnh như vậy không phải là sự “tái hiện” thực tại theo cách diễn đạt của các loại hình nghệ thuật khác, mà nó là thực tạihiển nhiên, một thực tại cụ thể đang ở trước mắt, một thực tại khách quan được phản ánh trực tiếp. Nó chính là cuộc sống đang vận động vượt qua cái chết để đi lên. Đặc thù này của nghệ thuật nhiếp ảnh đã định hình được khuôn diện thật, tầm vóc thật của tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh. Nó là bằng chứng cụ thể, hùng hồn của lịch sử sống mãi với thời gian.

Hứa Kiểm có nhiều ảnh như vậy, nó không chỉ là những tài liệu quý, mà còn là những tác phẩm nhiếp ảnh giá trị góp phần làm cho kho tàng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam thêm dày dặn và phong phú.

Bộ ảnh Đường 20 quyết thắng của Hứa Kiểm được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT gồm 5 ảnh: Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe; Công binh vượt lầy; Chiến sĩ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 quyết thắng; Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ Cua chữ A - một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP.

Chu Chí Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm