20/04/2011 12:56 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Làm trưởng khoa Bóng đá của Trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) đã 5 nhiệm kỳ, nhưng ông Nguyễn Hải Hường lại được người ta biết đến nhiều hơn ở vị trí trưởng ban Kỷ luật VFF với một câu nói đã trở nên quen thuộc: “Tôi luôn muốn thất nghiệp”.
“Làm trưởng khoa thanh thản hơn trưởng ban”
Chuyện nghe có vẻ hơi lạ, bởi nhờ có chức trưởng ban Kỷ luật VFF mà ông Hường trở nên rất nổi tiếng, nhưng chính người đứng đầu ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường lại khẳng định chắc chắn như trên, sau khi ông được đề nghị so sánh xem giữa trưởng khoa Bóng đá và trưởng ban Kỷ luật thì ông thấy công việc nào nặng nề và bị sức ép hơn.
Ông Hường bộc bạch: “Tôi đã làm trưởng khoa Bóng đá tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn qua tới 5 nhiệm kỳ, nhưng công việc hàng ngày rất trôi chảy, thanh thản, không có vướng mắc gì. Với vị trí trưởng ban Kỷ luật thì lại khác”.
Mới chỉ đảm đương công việc trưởng ban Kỷ luật VFF từ khóa V (2005), tính đến nay đã được 6 năm, nhưng cứ vào mùa giải là hầu như tuần nào V-League hoặc giải hạng Nhất cũng có chuyện và các thành viên ban Kỷ luật như ông lại có việc phải làm.
Từ những vụ “kỳ án” có một không hai từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam, như vụ xử lý nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 23, hay vụ mua chuộc, hối lộ trọng tài của Ngân hàng Đông Á, Cần Thơ…, tất cả sau khi bị phanh phui đều đã đến tay ban Kỷ luật với người đứng đầu là trưởng ban Nguyễn Hải Hường.
Mới nhất, cầu thủ Ngọc Tùng (TP.HCM) sau khi bị tố là dọa giết trọng tài và có những hành vi phi thể thao, phản văn hóa trên sân cỏ cũng đã bị ban Kỷ luật treo giò đến hết giải cùng với án phạt tiền. Để đưa ra mức án mà nhiều người cho là nặng ấy, ông Hường đã phải tận dụng mọi mối quan hệ trong giới bóng đá của mình để tìm hiểu về gốc gác, bản chất con người của cầu thủ Ngọc Tùng, “những gì anh này đã thể hiện ra từ trước đến nay chứ không đơn giản chỉ là xem báo cáo, đọc đề xuất của BTC giải rồi nhanh tay phạt cho thật nặng”.
Nhờ có chức trưởng ban Kỷ luật VFF mà ông Hường (đeo biển VFF trên ngực áo) trở nên rất nổi tiếng |
Ông Hường giãi bày: “Không phải cứ sướng là thích kỷ luật ai đó một tháng, 2 tháng hay 18 tháng, mà phải tìm hiểu cặn kẽ bản chất của vấn đề, lỗi vi phạm của từng cá nhân để căm cứ vào đó đưa ra mức án cho phù hợp với tội trạng, cũng như các lỗi tương tự trong những vụ việc trước đó”.
Thế nên, án kỷ luật dành cho Ngọc Tùng được giới trọng tài cũng như giám sát trọng tài rất đồng tình. Duy chỉ có trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường là cảm thấy buồn, chẳng thấy vui vẻ gì. Lý do là nhiều người cho rằng ông kỷ luật quá nặng cầu thủ này, xử lý mang nặng tính chủ quan, chỉ nghe ý kiến một chiều, không cho đối chất hay mang tính cục bộ địa phương, triệt hạ bóng đá Sài Gòn.
Mọi ý kiến bàn ra tán vào đó đều đến tai người đứng đầu bản Kỷ luật để ông nghe và ngẫm, nhưng “tôi vẫn sẽ làm, vẫn sẽ ra những quyết định nếu như nó dựa trên luật lệ và vì mục đích làm cho phong trào tốt lên, cá nhân những cầu thủ, con người như Ngọc Tùng cũng tốt lên”.
Ông Hường khẳng định: “Bóng đá không phải là làng xóm, nơi thằng này ghét thằng kia là ngay lập tức chửi bới dọa dẫm nhau”.
Một điều nữa cũng khiến trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường băn khoăn và nó cũng gắn liền với câu nói thường được coi là cửa miệng của ông: “Tôi luôn muốn thất nghiệp”.
Lần thứ hai trong cuộc trò chuyện này, ông Hường quả quyết: “Tôi chẳng bao giờ muốn kỷ luật ai cả, gây thù chuốc oán để làm gì. Kỷ luật thì người ta sẽ chẳng ưa gì mình nhưng vì bóng đá Việt Nam vẫn sẽ phải làm. Mình làm gì thì cũng phải đạt được mục đích, hiệu quả sau cùng, không có mục đích thì chả nên làm gì”.
“Đừng nên hình sự hóa luật bóng đá”
Nhắc lại các vụ xử lý kỷ luật trong suốt thời gian qua, trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường đánh giá, cứ sau mỗi án kỷ luật, dù nặng hay nhẹ thì cá nhân cầu thủ, HLV, quan chức lãnh đạo bóng đá… đều có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Ông Hường hồ hởi: “Cầu thủ sợ ban Kỷ luật, sợ tái phạm và bị dính án nặng. Có thể khẳng định bóng đá Việt Nam đã lột xác theo thời gian.
Còn xã hội loài người còn tiêu cực, không thể loại trừ hết được, nhưng sau những vụ án điểm mà ban Kỷ luật đã tuyên án thì sân cỏ Việt Nam đã chuyển biến nhiều, nó như cuộc cách mạng và dần được uốn nắn, đi vào khuôn mẫu.
Ngày xưa cá độ công khai, giờ thì còn mấy ai dám ngang nhiên lộng hành đến thế? Ngày xưa đá bóng, ngồi xem chẳng biết đá thật hay đá giả. Trước, bóng đá Việt Nam gần như trận nào cũng móc ngoặc, mua bán, rõ như ban ngày nhưng bây giờ có thể đã hết.
Ngày xưa là bóng đá xin cho, mua bán điểm, còn ngày nay tiêu cực nếu có thì chỉ còn tồn tại dưới dạng tình cảm. Mà đã là tình cảm giữa con người với con người thì làm sao kiểm soát và ngăn cấm hết được”.
Trong suy nghĩ của trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường, tiêu cực không thể bị triệt tiêu hoàn toàn sau các mức án kỷ luật nghiêm minh, nhưng ít nhất nó cũng hạn chế được tối đa, “mà được như thế thì bóng đá Việt Nam đã lợi rất nhiều rồi”.
Tất nhiên, để có thể làm việc mạnh tay, quyết liệt hơn nữa với các hành vi tiêu cực và phi thể thao trên sân cỏ Việt Nam, ông Hường cho rằng ban Kỷ luật rất cần sự thông cảm, thấu hiểu của mọi người. Không mong tất cả mọi người, những cá nhân vi phạm đều hết thảy đồng tình với các quyết định của ban Kỷ luật nhưng trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường mong muốn dư luận đừng nên hình sự hóa luật bóng đá.
Ông Hường giải thích: “Bóng đá có luật lệ riêng của mình, FIFA cho phép các LĐBĐ, ban Kỷ luật của LĐBĐ thành viên làm việc dựa trên luật lệ để đưa bóng đá trở về với đúng bản chất của bóng đá”.
2 vòng đấu nữa, giai đoạn lượt đi của V-League và giải hạng nhất QG 2011 sẽ khép lại và đó cũng là thời điểm trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường cùng các cộng sự của mình xem lại Quy định kỷ luật đang được áp dụng hiện nay để điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Hường bảo mùa giải nào cũng thế, một năm đôi ba lần, ban Kỷ luật sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào tình hình thực tế lại bổ sung, điều chỉnh một số điều luật cho phù hợp. Sẵn sàng lắng nghe, luôn muốn thấu hiểu mọi ngóc ngách vấn đề, xây dựng Quy định kỷ luật cho kín kẽ, chắc chắn nhưng trên tất cả, người đứng đầu ban Kỷ luật không muốn tuần nào cũng phải xử án.
Thành Đạt
Những vụ án điểm do ban Kỷ luật xử lý trong 6 năm qua 1. Xử lý nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 23 Vụ này được Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25 tháng 1 và phúc thẩm ngày 20 tháng 4 năm 2007. Kết thúc phiên tòa, chỉ có Lê Quốc Vượng bị án tù (4 năm), còn các cầu thủ khác chỉ nhận án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Sau khi các cầu thủ nói trên hoàn tất án hình sự, ban Kỷ luật đã giảm án cho họ và bây giờ tất cả đều đã trở lại sân cỏ, trừ Quốc Vượng bị chấn thương nên gần 2 năm nay không thi đấu thường xuyên cho CLB chuyên nghiệp nào. Riêng Văn Quyến năm ngoái còn được HLV Henrique Calisto gọi vào ĐTQG chuẩn bị cho AFF Cup 2010, và sau đó Văn Quyến đã được VFF đưa sang Singapore để chữa trị dứt điểm chấn thương cổ chân… 2. Vụ tiêu cực trọng tài năm 2005 Ở mùa bóng 2004-2005, Lương Trung Việt, nguyên là trọng tài cấp quốc gia, đã có hành vi môi giới hối lộ 144 triệu đồng cho các đồng nghiệp là Lê Văn Tú, Trương Thế Toàn, Phạm Hữu Lộc, Hoàng Thế Dũng, Vũ Trọng Chiến, Nguyễn Hữu Thành để họ điều khiển các trận đấu có lợi cho đội Ngân hàng Đông Á và đội Tôn Hoa Sen Cần Thơ. Vụ việc được phát hiện vào cuối tháng 8/2005. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất