25/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Cuốn sách Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ của tác giả Ngô Quý Sơn (NXB Thế giới, Nhã Nam vừa ấn hành) được đánh giá là tư liệu tiên phong viết về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ 20.
Chuyên khảo này lần đầu tiên được ra mắt bằng tiếng Pháp trên Tập san của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương vào năm 1943. Trước đó, các tài liệu đi kèm trong cuốn sách được Ngô Quý Sơn thu thập vào các năm 1940 và 1941 tại một số làng ở Bắc Kỳ. Phần đa trò chơi được ông quan sát trực tiếp tại Hà Đông, Bắc Ninh và Sơn Tây.
Một tư liệu "gốc" chân xác
Theo PGS-TS Bùi Xuân Đính, nhà nghiên cứu dân tộc học, Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ là chuyên khảo đầu tiên về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ. Tác giả Ngô Quý Sơn đã khảo sát hơn 90 trò chơi vào đầu thế kỷ 20. Đây là thời điểm xã hội truyền thống của người Việt đang có sự chuyển biến mạnh dưới tác động từ chính sách cai trị của thực dân Pháp.
Trong sách, Ngô Quý Sơn đưa ra một hệ thống về trò chơi của trẻ em Bắc Bộ như: Các trò chơi liên quan đến cơ thể, Các trò chơi dùng que, Các trò chơi dùng sỏi, Đánh đáo, Chơi diều, Các trò chơi may rủi và tìm kiếm, Các trò giải trí khác, Các trò ma thuật, Các trò dùng lời nói, Những trò ức hiếp giễu nhại, và cuối cùng là các bài đồng dao. Mỗi trò chơi được tác giả khảo tả rất rõ về địa điểm, đối tượng và thể thức.
Lý giải về tính chân xác của tư liệu này, PGS-TS Bùi Xuân Đính cho rằng Ngô Quý Sơn có lẽ thuộc lớp các nhà dân tộc học Việt Nam chịu ảnh hưởng của trường phái dân tộc học Pháp. Đó là trường phái coi trọng tư liệu, nhất là tư liệu điền dã. Trong điền dã, tôn trọng sự trả lời của chủ thể, không gợi ý, áp đặt. Những điểm nghi ngờ, chưa hiểu cũng được ghi rõ, không tự tiện viết ý kiến chủ quan.
Cụ thể, "tư liệu trong cuốn sách do tác giả trực tiếp khảo sát bằng 2 phương pháp. Một là, tác giả đến tận nơi những làng quê có trò chơi để hỏi người dân, đặc biệt là hỏi trẻ con - chủ thể của những trò chơi. Hai là, tác giả hỏi những người dân ở các làng quê có trò chơi đang sống ở Hà Nội. Bởi, vào thập niên 1930 trở đi, rất nhiều người dân ở các làng quê ra đô thị kiếm sống. Mặc dù, họ sống ở đô thị nhưng tâm luôn hướng về quê hương với những nét văn hóa không thể quên. Những phương pháp này giúp cho tư liệu rất đáng tin cậy" - nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính nhận định.
Phản ánh đời sống và tâm tính người Việt
Đọc Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ, tưởng rằng đơn thuần chỉ có những thông tin khảo tả các trò chơi phổ biến ở Bắc Bộ. Song, hơn thế với sự mô tả chi tiết, cuốn sách đã phản ánh những tâm tính của trẻ em ở Bắc Kỳ, cũng như bối cảnh ra đời, tồn tại của các trò chơi. Nói như nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, "đằng sau những trò chơi, những bài đồng dao đó là cả những vấn đề về lịch sử, văn hóa, cũng như tâm tính của người Việt".
"Những trò chơi được tác giả Ngô Quý Sơn khảo tả trước hết nói lên điều kiện kinh tế - xã hội của nông thôn Bắc Kỳ vào thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là một nông thôn dựa trên nền nông nghiệp lúa nước có 2 vụ: Vụ chiêm và vụ mùa. Khi ấy, nền kinh tế nặng về trồng trọt nhưng bấp bênh, khiến đời sống vật chất thấp, không có những điều kiện hiện đại để trẻ con chơi như ở xã hội công nghiệp hay xã hội đô thị" - nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính nhận định - "Hơn nữa, những trò chơi còn cho thấy tâm tính dễ hòa đồng của người Việt. Các trò chơi thường mang tính cộng đồng cao, chơi rất tự do nên ai cũng có thể chơi, không bắt buộc các điều kiện mới có thể chơi. Ngoài ra, tinh thần quyết thắng của người Việt cũng rất rõ trong một số trò chơi như đánh khăng, cướp cờ, đánh âm,…".
Đồng quan điểm, TS văn học Mai Anh Tuấn cho rằng, đằng sau các trò chơi phản ánh một bức tranh về đời sống xã hội Việt Nam. Rõ ràng các trò chơi được giới thiệu trong Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ phù hợp với đời sống làng xã ở nông thôn, với nền kinh tế nông nghiệp không mấy dư giả, thậm chí túng thiếu, nghèo khó. Chính vì thế, trẻ em không còn cách nào khác phải thích nghi và sáng tạo ra những trò chơi dựa trên những điều kiện kinh tế xã hội đó.
"Dễ thấy những trò chơi được diễn ra hết sức đơn giản với một vài cái que, viên sỏi, hay cánh diều giấy,… Nhưng những trò chơi này lại có khả năng đem đến một đời sống tinh thần phong phú cho trẻ em. Trẻ em ngày xưa cũng có quỹ thời gian tương đối dài. Ngoài thời gian lao động phụ giúp cha mẹ, trẻ em tìm đến một thế giới tinh thần của riêng mình và tìm thấy con người của mình thông qua các trò chơi".
Chứa đựng những giá trị giáo dục
Ngoài những giá trị về mặt tư liệu, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính cho rằng, cuốn sách Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ còn chứa đựng những giá trị giáo dục hữu ích. Theo đó, cuốn sách là cơ sở khoa học đáng tin cậy cho việc phục hồi, truyền bá và phát triển các trò chơi dân gian ở trường học, các vùng nông thôn và một số vùng thành thị. Từ đó, giúp trẻ em hiện nay phát triển một cách toàn diện trong bối cảnh xã hội hiện nay. Một xã hội mà không gian và thời gian chơi của trẻ em ngày càng bị thu hẹp.
Nhớ lại bối cảnh trước đây, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính cho biết, "những trò chơi dân gian giúp ích rất nhiều từ việc rèn luyện thân thể, sức khỏe cho đến phát triển tư duy ngôn từ, hiểu biết về lịch sử. Có những trò chơi còn giúp trẻ em hình thành được bản lĩnh của mình qua một số trò chơi khá mạo hiểm như đánh khăng, cướp cờ, v.v… Thêm nữa, có những trò chơi rèn luyện tính tập thể, sự nhanh nhẹn, dũng cảm, và đặc biệt là tính trung thực. Trẻ em nào chơi gian dứt khoát bị tập thể tẩy trần. Có thể thấy rằng đây đều là những giá trị giáo dục tốt có được thông qua các trò chơi".
Ở góc độ khác, ThS giáo dục Nguyễn Giang Linh cho rằng, trẻ em khi sinh ra thông qua kênh vui chơi để khám phá bản thể và sau đó khám phá thế giới bên ngoài. Cuốn sách Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ có sự tương đồng nhất định với các nghiên cứu về khoa học giáo dục hiện đại.
Cụ thể, "ngay đầu tiên, tác giả đã đưa ra nội dung, phạm vi, đối tượng nghiên cứu bắt đầu từ trẻ em khoảng 4 tuổi, xét theo tuổi mụ là khoảng từ 3 tuổi dương. Trong khi đó, các nghiên cứu về khoa học giáo dục hiện đại chỉ ra từ 1 - 3 tuổi là quãng thời gian trẻ em nhận thức sâu sắc nhất về bản thể. Sau đó từ 3 tuổi trở đi, chúng sẽ tiếp cận với thế giới bên ngoài và xác định lại bản thân, để từ đó dần dần xây dựng mình thành một cá thể trong cộng đồng. Những hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ em phát triển được thể chất, nhận thức, và cả cảm xúc. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển các kỹ năng và trí tuệ của trẻ".
Do đó, Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ hoàn toàn có thể trở thành cơ sở ứng dụng, hay những gợi ý hữu ích để xây dựng và tái lập các trò chơi hiện đại. Bởi, khách quan mà nói các trò chơi truyền thống ở một chừng mực nào đó vẫn chứa đựng khả năng rèn luyện cho trẻ em cả về sức khỏe thể chất lẫn tác phong, tinh thần.
Kho thông tin lịch sử dồi dào
Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, cuốn sách còn mang tới những tư liệu "gốc" giúp giải đáp một số tranh cãi về lịch sử. Chẳng hạn, ngoài nội dung chính về các trò chơi của trẻ em, trong sách còn có một số bài viết lý giải cặn kẽ về những sự kiện lịch sử. Điển hình phải kể đến bài Chi chi chành chành. Đây là bài đồng dao thường được hát kèm khi chơi trò hú tim của trẻ em vùng Bắc Bộ.
Cụ thể, trong sách có ghi chú thứ nhất lý giải câu "Ba vương lập đế" để chỉ 3 vị vua lần lượt kế tiếp nhau lên ngôi sau khi vua Tự Đức qua đời (1883) là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Đây giống như một lời tiên tri xưa dự đoán tương lai xứ An Nam khi triều Lê sụp đổ.
Tuy nhiên, ghi chú thứ hai lại cho rằng câu đúng phải là "Ba phương ngụ đế" để diễn giải việc 3 vị Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Ánh cùng xưng vương, xưng đế ở 3 vùng khác nhau (Nguyễn Huệ ở Thăng Long và Phú Xuân; Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn và Nguyễn Ánh ở Gia Định, tức Nam Kỳ ngày nay). Cũng với ghi chú thứ hai này, đáng chú ý ở câu "Con ngựa chết trương" để chỉ năm con ngựa - Bính Ngọ 1786, gắn với cái chết của vua Lê Hiển Tông khiến xã hội rối loạn. Đây cũng là sự kiện làm xuất hiện tiền lệ của 3 vị xưng đế như đã đề cập.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất