Sân khấu cải lương và khán giả trẻ (Kỳ 2): Cải lương cũng cần “lạ hóa”!

20/06/2009 11:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khán giả trẻ chưa hẳn đã quay lưng với cải lương nhưng làm thế nào để thu hút thêm nhiều bạn trẻ đến với sân khấu truyền thống lại là chuyện khác. Dù có yêu mến thế nào thì nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ sự lo lắng khi nhiều năm qua sân khấu cải lương vẫn trong tình trạng trì trệ và mãi loay hoay tìm đường đổi mới. 

Mua vé để “lôi kéo” bạn đến với cải lương

Mẫu số chung của những bạn trẻ yêu mến cải lương là đã có “thâm niên” coi cải lương xấp xỉ bằng số tuổi của mình. Nhân (23 tuổi, làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin) từ nhỏ đã được ông nội “tập” cho coi cải lương, dạy cách phân tích, đánh giá một vở tuồng. Hạnh (21 tuổi, sinh viên đại học Tôn Đức Thắng) đã lẫm dẫm theo bà ngoại xem hát cúng đình từ năm 3-4 tuổi… Có thể nói sở thích của các bạn được hình thành từ việc đã được “tập” cho làm quen với cải lương từ rất sớm cho nên khi lớn lên những nhạc trẻ, phim ảnh có sức hút rất lớn cũng không thể dứt cải lương ra khỏi tâm hồn của họ.
 

Khán giả trẻ luôn tỏ ra thích thú với những vở diễn hoặc trích đoạn cải lương tuồng cổ
với âm nhạc rộn ràng, nhiều vũ đạo và trang phục đẹp mắt

Nhiều bạn trẻ (đặc biệt là thế hệ 9X), lớn lên khi sân khấu cải lương đã ít nhiều suy thoái nên không được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật cải lương. Có bạn vô tình xem vài đoạn video cải lương “mì ăn liền” sướt mướt đẫm đầy nước mắt (rất phổ biến vào cuối thập niên 90) thì vội quy kết cải lương là sến, lê thê và khóc lóc mà đâm ra ác cảm.

Nhã Uyển (23 tuổi, sinh viên Đại học Hoa Sen) nói: “Nhiều người bạn của tôi rất ghét cải lương. Trong đó có những người chưa hề biết cải lương là gì mà vẫn chê bai. Tôi đã có những cuộc thử nghiệm nho nhỏ để chứng tỏ suy nghĩ của họ về cải lương là sai”. Cách của Nhã Uyển là bỏ tiền mua vé mời bạn đi xem cải lương với mình.

“Với những người này thì phải chọn những tuồng màu sắc và thuộc hàng “kinh điển” hay và hấp dẫn từ màn đầu đến màn cuối như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Xử án Phi Giao… chẳng hạn, trang phục rực rỡ bắt mắt, lời ca tiếng nhạc rộn ràng để cho họ cảm nhận hết sức lôi cuốn của sân khấu - Nhã Uyển tiết lộ - Tôi đã thử nhiều lần và đều đạt kết quả, có người đã có cảm tình với cải lương, có người vẫn không thích nhưng không còn bài bác, chê bai cải lương nữa. Theo tôi, không phải người trẻ không thích mà là chưa có điều kiện để biết và thích đến cải lương thôi”.

Đưa cải lương vào trường học: nỗ lực dang dở

Thực tế thì chủ trương đưa cải lương đến gần hơn với khán giả trẻ mà cụ thể là học sinh, sinh viên cũng đã được đề ra từ nhiều năm nay, thế nhưng dường như vẫn chưa có một phương hướng cụ thể nào khả thi. Chương trình Sân khấu hóa học đường được triển khai một thời gian rồi không nghe nhắc nữa.

Năm 2009 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có vẻ rất quyết tâm đưa cải lương lịch sử vào học đường nhưng đến thời điểm này thì kế hoạch có vẻ đang “dậm chân tại chỗ” khi chưa có được sự “đồng cảm” từ phía các trường, mặc dù vở cải lương Dấu ấn giao thời, đi tiên phong cho dự án, lại là một vở diễn hay của sân khấu cải lương những năm gần đây.

Nhu cầu xem cải lương của các bạn trẻ là có thật nhưng không phải ai cũng có thể bỏ ra cả trăm ngàn để xem một suất hát nhất là với học sinh, sinh viên đang phụ thuộc gia đình. Tại sao Nhà hát không chủ động tìm đến khán giả trẻ bằng cách giảm giá vé, dành hẳn một số vé mời gởi về các trường cho những bạn trẻ quan tâm? Hoặc chủ động hơn là liên kết với các trường thực hiện những tiết ngoại khóa mà các em sẽ được thưởng thức những trích đoạn cải lương tái hiện hình ảnh những nhân vật lịch sử, giai đoạn lịch sử trong các bài học. 

Thời đại nào khán giả đó

Khán giả thời công nghệ số cũng có nhiều thay đổi về thẩm mỹ quan so với thế hệ trước. Những năm gần đây cải lương tuồng cổ rất được ưa chuộng. Khán giả trẻ không còn “mặn” với những kịch bản thuần cải lương sâu sắc nhưng thường buồn do chủ yếu dựa vào câu vọng cổ trữ tình nhưng có chút bi ai. Họ thích sự náo nhiệt, rình rang của âm nhạc Hồ Quảng cũng như vũ đạo đẹp mắt, áo xiêm rực rỡ của cải lương tuồng cổ.


Các vở diễn của nhóm Vũ Luân được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục

Nhóm xã hội hóa Vũ Luân được xem là rất thành công khi tạo được hiệu ứng khán giả rất tốt mà phần đông là khán giả trẻ với chủ trương “mới hóa” những kịch bản cũ, bỏ đi những chi tiết rề rà, dư thừa, đẩy nhanh tiết tấu, đầu tư mạnh tay cho cảnh trí, trang phục làm sân khấu lúc nào cũng lung linh như một thánh đường.

Nhiều người nói vui:“Mỗi khi cặp đào kép chánh của nhóm Vũ Luân bước ra là quần áo “đập” vào mắt khán giả liền, chỉ xem quần áo thôi đã đủ tiền vé”.
Mặc dù có nhiều ý kiến khen chê nhưng hai chương trình Hội ngộ tài năng Kim Vân Kiều (2007) và Chiếc áo thiên nga (2008) của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã có những thành công nhất định khi thu hút đông đảo công chúng trong đó có những người chưa biết gì về cải lương và đi xem chỉ vì sự có mặt của các ca sĩ.

Đã đến lúc sân khấu cải lương phải có những đổi mới bắt kịp nhu cầu của khán giả hiện đại, chưa đi được vào chiều sâu thì chủ trương “mỹ hóa”, “hoành tráng hóa”, “lạ hóa” sân khấu cũng là cách để khán giả trẻ đến với sân khấu cải lương.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm