Thế giới trong tuần: Tiền mất giá

28/07/2012 07:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Khủng hoảng thịt gà ở Iran, khủng hoảng gạo ở Ấn Độ và cơ chế dân chủ kiểu Athens cổ đại ở Thụy Sĩ, tất cả đều liên quan tới sự mất giá của tiền.

Một trang trại nuôi gà tại Iran

Khủng hoảng thịt gà

Khủng hoảng hạt nhân? Khủng hoảng eo biển Hormuz? Khủng hoảng dầu mỏ? Tất cả những vấn đề to tát đó đã phải nhường chỗ cho cuộc khủng hoảng thịt gà tại Iran khi đầu tháng này, người đứng đầu cơ quan cảnh sát quốc gia đã phải lên tiếng. Giá lương thực thực phẩm tăng cao tại Iran vì lạm phát đã trở thành một cuộc tranh luận hàng ngày trên quy mô toàn quốc, khiến sức mua giảm xuống mức chưa từng thấy và Giám đốc Cục Cảnh sát quốc gia Esmail Ahmadi Moghaddam phải vào cuộc.

Ông hối thúc các đài truyền hình trong nước không đưa hình ảnh người dân ăn thịt gà, do lo ngại sẽ làm bùng nổ xung đột xã hội. Ahmadi Moghaddam lập luận: “Một số người sẽ nhìn thấy khoảng cách giàu nghèo có thể cầm dao và nghĩ họ xứng đáng với phần chia lớn hơn trong xã hội”. Cho tới giờ chưa ai bị bắt vì đâm người khác do không được ăn thịt gà, nhưng tình hình kinh tế tồi tệ trong nước và những lệnh cấm vận quốc tế đã gây ra gánh nặng thực sự lên Iran khi giá lương thực và nhiên liệu tăng chóng mặt trong 18 tháng qua.

Bức biếm họa của Mana Neyestani

Với khoảng 65.000rial, hay 5USD theo tỷ giá hối đoái chính thức (chợ đen còn định giá đồng rial thấp hơn 40%), một ký thịt gà hiện đã đắt gần gấp ba lần so với mới một năm trước ở một quốc gia nơi thu nhập bình quân đầu người chỉ là 4.520 USD mỗi năm, hay 377USD mỗi tháng.

Thịt gà, với người Hồi giáo, là nguồn đạm chủ lực cho gần như mọi gia đình. Giá tăng cao khiến cho nhiều người Iran cảm thán và lấy đó làm đề tài chế giễu. Họa sĩ biếm Mana Neyestani, hiện sống ở Pháp, mỉa mai cảnh báo của Ahmadi Moghaddam bằng một bức tranh trong đó cậu nhóc đang xem phim đồi trụy. Người cha thay vì che cảnh nóng, thì lại che con gà quay tình cờ xuất hiện trong cảnh phim: “Tao đã nói mày bao nhiêu lần, không được xem phim có gà”!

Nhiếp ảnh gia Arash Ashoorinia thì cho đăng trên trang web của mình hàng loạt các bức ảnh về những món ăn từ gà. “Tôi có nhiều ảnh đẹp hơn thế này, nhưng tôi sợ vài hôm nữa chúng sẽ bị cấm, tôi không muốn xâm hại an ninh quốc gia”, Ashoorinia chú thích. Một người dùng Twitter, Shiraz, viết trên mạng xã hội này: “Có hai lớp người ở Iran: dưới ngưỡng thịt gà và trên ngưỡng thịt gà”.

Có hai lớp người ở Iran: dưới ngưỡng thịt gà và trên ngưỡng thịt gà

Nhà chức trách đã làm hết sức để đảm bảo nguồn cung với giá phải chăng. Lệnh cấm được ban bố với hành vi tàng trữ và đầu cơ thực phẩm vào tháng chay Ramadan. Chính quyền cũng xuất ngân quỹ tài trợ giá cho thịt gà. Tuy nhiên, là một nước xuất khẩu dầu mỏ, Iran phụ thuộc khá lớn vào bên ngoài cho nhu cầu lương thực thực phẩm, ngành chăn nuôi gà ở đây phải sử dụng thức ăn gia súc từ đậu nành và bắp chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. “Khoảng một nửa số trang trại phải ngừng sản xuất vì nguyên liệu thô trở nên quá đắt đỏ do lệnh cấm vận”, một chủ nông trại giấu tên nói với Reuters. “Rất đáng buồn và lo ngại”.

Lạm phát và 1,2 tỷ miệng ăn

Với một quốc gia 1,2 tỷ người như Ấn Độ, để đảm bảo nguồn cung lương thực cho tất cả là một kỳ công vĩ đại. Năm nay, tình trạng trở nên tồi tệ do hạn hán kéo dài dù mùa mưa đã đến được hơn một tháng. Giá các mặt hàng lương thực cơ bản tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp vì khủng hoảng toàn cầu đã khiến tình hình thêm tồi tệ. “Lượng mưa quá ít chắc chắn sẽ khiến lạm phát tăng cao”, Arun Singh, kinh tế gia cao cấp người Ấn nhận định. “Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể tính được sau khi mùa mưa qua đi”.

Ngành nông nghiệp hiện chiếm 15% GDP Ấn Độ và ngân hàng trung ương nước này đang đứng trước thách thức lớn tìm ra lối thoát cho riêng ngành này cũng như cả nền kinh tế khi mà lãi suất vẫn ở mức cao do lo sợ lạm phát và đồng rupee ngày càng yếu đi, đã giảm 4% so với USD trong năm nay.

Lạm phát ở mức 7,52% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Lương thực thực phẩm tăng giá 10,81% so với cùng kỳ. Mùa mưa là yếu tố tiên quyết với sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ khi 55% diện tích canh tác được phải tưới bằng nước mưa và một nửa dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một cậu bé ngồi giữa đống chanh ở chợ đầu mối hoa quả tại Kolkata, Ấn Độ. Giá lương thực thực phẩm tại Ấn Độ tăng cao vì lạm phát và thời tiết bất lợi

Hiện lượng mưa ở dưới mức trung bình 22% và một số vùng thiếu nước tới mức 68%. Mặc dù vụ mùa trước lúa gạo và lúa mì trúng lớn, nỗi lo giá cả nằm ở sản lượng các loại đậu, dầu, sữa, sản phẩm gia cầm, đường, hoa quả và rau. Dầu đậu nành đã tăng giá 11% trong năm 2012, ở mức kỷ lục vào tuần trước và giá sẽ còn tăng nữa vì cung giảm trên thị trường quốc tế.

Sản xuất mía đường gặp nhiều khó khăn do mưa ít và giá tại các chợ địa phương hiện ở mức cao nhất trong 18 tháng qua. Giá khoai tây, loại rau được dùng phổ biến nhất trong các đồ ăn Ấn Độ, cũng đã tăng hơn gấp đôi từ đầu năm. Còn loại đồ uống ưa thích nhất, trà, đã tăng giá hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người dân ở các vùng nông thôn với mức thu nhập khoảng 26rupee (47 xu USD, tương đương 10.000 đồng) không mua nổi lấy nửa ký cà chua với mức giá hiện tại.

Lương thực thực phẩm ở Ấn Độ chiếm gần 50% trong gói chỉ số giá tiêu dùng và là một vấn đề chính trị hết sức nhạy cảm khi một phần ba dân số sống trong nghèo đói.

Dân chủ kiểu Athens

Khoảng 6.000 cư dân của tỉnh Glarus ở Thụy Sĩ tập trung tại một quảng trường hôm Chủ nhật, để biểu quyết về ngân sách giao thông của địa phương, lệnh cấm chó và tổ chức lễ tang miễn phí. Có lịch sử từ năm 1387, Glarus là một trong hai hội đồng dân chủ kiểu Athens, dân chủ trực tiếp, còn lại ở Thụy Sĩ. Định chế này cho phép mỗi công dân có tiếng nói trực tiếp trong mọi vấn đề dù là nhỏ nhặt nhất của cộng đồng ở quy mô địa phương, vùng và toàn quốc.

Định chế này thu hút sự chú ý ở các nước Áo và Đức láng giềng, cũng như trên khắp châu Âu trong bối cảnh các chính trị gia đang tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ủy quyền khi các cử tri không chấp nhận những chính sách thắt lưng buộc bụng, giải cứu ngân hàng hay nợ công cao ngút, nhưng không thể có tiếng nói vì bầu cử là theo nhiệm kỳ, thường là 4 hoặc 5 năm.

Cuộc họp của người dân Thụy Sĩ tại một đại hội dân chủ trực tiếp ở Glarus

Nghiên cứu ở Thụy Sĩ cho thấy nếu để người dân có tiếng nói trực tiếp về vấn đề thuế khóa, thì thường nợ công có xu hướng thấp hơn, dịch vụ hiệu quả hơn, tiết giảm chi phí hơn và ít xảy ra trốn thuế hơn. “Vì người dân Thụy Sĩ thấy họ có thể kiểm soát chi tiêu của các chính trị gia thông qua những cuộc trưng cầu dân ý này, họ sẽ sẵn lòng hơn trao tiền cho chính quyền và có thái độ tích cực hơn với Nhà nước”, Daniel Kuebler, đồng Giám đốc trung tâm nghiên cứu dân chủ ở thị trấn bắc Thụy Sĩ, Aarau, phân tích.

Tất nhiên, dân chủ trực tiếp không phải là định chế duy nhất giúp Thụy Sĩ thành công. Sự trung lập, ngành ngân hàng được bảo đảm bí mật, thị trường lao động tự do, thuế thấp và một chính phủ ổn định đều có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng hệ thống dân chủ trực tiếp buộc các chính trị gia phải căn cơ hơn so với những nơi khác mà tư duy nhiệm kỳ đã thành phổ biến. Thụy Sĩ có thặng dư ngân sách bất chấp khủng hoảng tài chính và việc chính quyền đã chi tiền giải cứu ngân hàng biểu tượng quốc gia UBS, nhất là trong bối cảnh Hy Lạp, nơi khai sinh của nền dân chủ, đang nợ nần chồng chất.

Những người chỉ trích nói cơ chế dân chủ trực tiếp có thể bị các nhóm vận động hành lang rất nhiều tiền tấn công và có thể là một biện pháp của những người dân tộc chủ nghĩa chống lại các nhóm thiểu số. Trong phán quyết gây nhiều tranh cãi nhất năm 2009, đại hội công dân đã cấm việc xây dựng các tháp của một giáo đường đạo Hồi bất chấp những lo ngại về quyền tự do tôn giáo, nhân quyền và sự phân biệt đối xử với nhóm thiểu số.

Nhưng những mặt mạnh của cơ chế này vẫn là không thể phủ nhận. “Bạn có thể cho rằng dân chủ trực tiếp sẽ khiến chi tiêu công nhiều hơn vì có những người sẽ muốn, lấy ví dụ, miễn phí bia cho tất cả mọi người”, Kuebler nói. “Nhưng sẽ không bao giờ có cơ hội cho một đề xuất như thế trong một đám đông có lý trí”. Những đề xuất như tăng tiền nghỉ mát từ bốn lên sáu tuần lương hay giảm giờ làm việc từ 42 xuống 36 tiếng mỗi tuần đều đã không được thông qua, với lập luận điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngay từ năm 2003, 85% cử tri đã thông qua một đạo luật áp đặt “phanh nợ” chính thức được đưa vào Hiến pháp. Quyết định đó giúp tỷ lệ nợ công của Thụy Sĩ hiện giờ chỉ là 40% GDP, so với trên 100% ở hầu hết các nước đang khủng hoảng.

Nhiều nước kiểm soát lạm phát thành công

Nhiều nước có chính sách lạm phát mục tiêu đã “đạt được kết quả như ý” trong những tháng vừa qua, theo Ngân hàng Thế giới. Trong số 24 nền kinh tế có chính sách lạm phát mục tiêu, 14 nước đã đạt được mục tiêu đó tính cho tới giữa năm nay. Trong số những nước không đạt được lạm phát mục tiêu, năm nước ở dưới mức và năm nước vượt. Lạm phát thấp nhất là ở Na Uy, 0,2%, trong khi mục tiêu là 2,5%. Thụy Điển là 1% so với mục tiêu 2%. Một số nước ở mức 1,6%, bao gồm Úc. Lạm phát cao nhất là ở Ghana, 9,3%, nhưng con số này vẫn trong mục tiêu: 8,5±2%.

Hải Minh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm