Mái gianh trong nhà sàn

26/08/2012 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bộ mái chiếm phần quan trọng trong nhà sàn truyền thống các dân tộc.

1. Người Thái, người Mường, người Katu và nhiều sắc tộc khác khi làm nhà đều dùng gianh lợp mái và coi đó là là nguyên liệu ưu việt nhất. Gianh được dùng khắp vùng Đông Á, lên phía Bắc có Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, xuống phía Nam thì đến tận Indonesia. Bản thân cây gianh có thể mọc ở rất nhiều khí hậu, cũng như được dùng phổ biến trong việc lợp mái nhà gỗ đất, hay tre nứa.

Tuy nhiên, để có đủ gianh lợp một bộ mái nhà sàn chừng 120 m2 cần 4 -5 tấn gianh, người ta phải trồng mất bốn năm trên một diện tích chừng 2 ha, việc đó là quá lâu và quá lãng phí đất, khi trong truyền thống gianh chỉ là loại cỏ mọc hoang, không mấy giá trị, tự nhiên trở nên đắt đỏ bằng cả ngôi nhà sàn. Nhiều nơi đã từ bỏ gianh, chuyển sang lợp ngói, hoặc rơm rạ, lá cọ, thời hiện tại, người dân đành dùng tôn xi măng hay tôn ốp nam. Bộ mái tôn rất nóng khiến người ta không thể sinh hoạt trong nhà vào ban ngày mùa hè.



Bản làng người Thái, ký họa màu nước của Mai Văn Nam khoảng những năm 1960. Nguồn: Sưu tập Tira Vanichtheeranont (Thái Lan)

Ở Trung Quốc, xu hướng đô thị hóa khá sớm trong lịch sử và các ngôi nhà đô thị này đã loại bỏ gianh ra khỏi bộ mái thay bằng loại ngói âm dương và ngói ống. Gianh vẫn được dùng trong các nhà ẩn cư dựng trên nguyên liệu tre gỗ. Ở Tây Tạng có loại cỏ gianh rất lớn và khỏe, người ta dùng đệm trong các bức tường dầy từ một đến hai ba thước trong các ngôi đền cao tầng, và chúng cũng không mục trong khí hậu lạnh khô. Nhiều kiến trúc Nhật Bản cổ rất cần đến bộ mái gianh dầy, nhất là trong các vườn thiền, nên phong trào trồng gianh rất phát triển. Nước ta hoàn toàn không chú ý đến sự mất mát của nguyên liệu gianh nên bây giờ còn rất ít nhà lợp gianh trong xây dựng các sắc tộc. Chỉ một số làng người Thái và Katu giữ được mái gianh và số nhà lợp gianh trong làng bản cũng đang giảm dần đến mức biến mất.

2. Mái gianh có đặc điểm giữ nhiệt rất tốt trên ngay bộ mái, vào mùa hè nhiệt không tỏa vào trong nhà mà lại thoát dần lên trên, khiến ngôi nhà rất mát, nhưng nếu ta trèo lên vì kèo đứng sát mái sẽ thấy hơi nóng đến chừng nào. Vào mùa đông nó lại giữ nhiệt bên trong không tỏa ra nhanh nên trong nhà sàn rất ấm áp. Khả năng thoát nước mưa cũng rất tốt. Vẻ đẹp của mái gianh lợp dầy là không gì thay thế được trong các nhà sàn Mường Thái. Những ngôi nhà sàn này thường lợp gianh rất dầy, có khi tới nửa thước và được xén tròn rủ thấp bao quanh hiên nhà. Người ta có thể đánh thành từng mê lớn và lợp thành từng đợt trên mái, gianh dài từ 1,5m ngắn là 70 phân xếp lẫn với nhau, người Mường gọi là đan hom, việc lợp cũng dễ dàng. Người Katu lại bó gianh thành từng bó nhỏ, trải một mạng đan bằng mây hay vỏ cây lên mái trước, rồi mới đặt các bó gianh chồng dần lên mái.

Bản thân nhà sàn có thể chuyển sang lợp ngói, như người Tày đã làm, nhưng lại đòi hỏi bộ khung vì kèo bằng gỗ rất tốt mới chịu được sức nặng của cả bộ mái. Một bộ mái lá cọ tốt có thể chịu được 10 năm mới cần lợp lại. Một bộ mái gianh tốt có thể dùng trong 20 năm mới cần lợp lại. Đó là trong khí hậu nóng ẩm Việt Nam, còn ở các nước ôn đới lạnh, chúng giữ được lâu hơn gấp hai ba lần. Như vậy tuổi thọ của mái gianh còn hơn rất nhiều lợp ngói, và về đặc điểm sinh thái thì tất nhiên hơn hẳn. Nguyên liệu nhiều ưu điểm này có lẽ nên được trồng lại một cách có ý thức, thay vì khai thác tự nhiên như xưa, khiến nó gần như tiệt chủng trong các vùng khí hậu rất thuận tiện của cây cỏ tự nhiên.

Chuyên mục do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thực hiện, xuất hiện trên TT&VH vào số Chủ nhật hàng tuần.


Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm