10/02/2011 09:21 GMT+7
Tai nạn giao thông nói chung và tai nạn đường sắt nói riêng ở nước ta không phải là hiếm, ngày nào người ta cũng thấy xuất hiện trên các báo thông tin về người chết, người bị thương. Nhưng hiếm khi nào một vụ tai nạn giao thông lại khiến dư luận chú ý đến vậy, có lẽ bởi từ vụ này người ta mới giật mình bởi “mức độ thân thiết” quá mức của đường sắt với đường bộ. Sự gắn bó này tạo ra một thuật ngữ nghe khá lạ tai và có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới: “đường sắt dân sinh”.
Việt Nam là nơi hiếm có trên thế giới vẫn còn những điểm phải chấp nhận để cho tàu hỏa, ô tô và đủ các loại xe cùng lưu thông trên đường... ray, không chỉ đường ray trên mặt đất mà là trên cầu độc đạo hẳn hoi. Theo thống kê của Bộ GTVT, trên cả nước có đến 10 cây cầu “đa chức năng” tương tự cầu Ghềnh. Không chỉ thế, người ta còn họp chợ, buôn bán, vui chơi... thôi thì đủ thứ trên con đường 2 thanh sắt này.Ai từng đi chuyến tàu Thống nhất dọc hết tuyến đường Bắc Nam, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất chưa hẳn đã là những đoạn “tàu anh qua núi”, hay khi uốn lượn quanh bờ biển rì rào sóng vỗ. Dễ nhớ nhất là đoạn đường qua phố chợ Khâm Thiên, Lê Duẩn. Để vào trung tâm Hà Nội, sau một hồi còi chói tai, đoàn tàu đồ sộ lao ầm ầm vào dãy phố vốn sinh ra như là để ôm ấp lấy thân tàu. Những mái hiên, đôi khi những dây phơi quần áo “vô ý tứ” vươn ra sát mái tàu, khiến nhiều khi hành khách yếu bóng vía phải thót tim.
Không thể đổ lỗi toàn bộ cho ngành đường sắt khi mà cơ sở hạ tầng của nước ta mới có vậy. Ngoài một số tuyến đường sắt chúng ta làm sau năm 1954, chủ yếu đường sắt chúng ta đang sử dụng là loại đường sắt khổ 1 mét được Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để phục vụ cho cuộc khai thác thuộc địa. Ngay cả cầu Ghềnh, cũng được xây dựng từ năm 1909 theo thiết kế của công ty Eiffel, vốn ban đầu chỉ dành cho tàu hỏa.Có lẽ, óc quy hoạch và kiến trúc siêu việt đến mấy, Eiffel cũng không thể ngờ hết được sự phát triển của Đồng Nai sau hơn 100 năm công ty ông vẽ ra cây cầu. Cây cầu già nua hàng ngày gánh vạn người dân qua lại, nguy hiểm hơn nó lại là huyết mạch của đường sắt Bắc Nam. Chỉ cần người gác tàu một chút lơ là, hay đèn tín hiệu trục trặc, thảm họa có thể xảy ra. Nhưng sự nguy hiểm không phải là không được nhận biết, ngoài lý do kinh phí, cần đặt ra lỗi trách nhiệm và sự vô cảm với cộng đồng.
7 người gồm lái tàu và chắn tàu đã bị bắt để làm rõ, đó là những người trực tiếp liên qua đến vụ việc. Nhớ lại, vụ lật tàu tại Nhật Bản năm 2005, ngoài người điều khiển tàu, người đứng đầu ngành đường sắt Nhật Bản đã xin từ chức (dù ông ta không liên quan trực tiếp đến vụ việc). Đây là chuyện xứ người, còn lúc này, trước khi cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu, ngành đường sắt cần làm thật quyết liệt để thảm họa không tái diễn.Thanh Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất