18/06/2023 09:13 GMT+7 | Văn hoá
Nhiệm kỳ 2021 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đi được nửa chặng đường với đầy khó khăn, thách thức do dịch COVID-19. Tuy vậy, toàn ngành với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” nhằm tạo sức bật mới cho văn hóa đã giành được những “điểm sáng” trên nhiều mặt.
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết chủ đề “Tạo sức bật mới cho văn hóa” nhằm phản ánh những đóng góp nổi bật của văn hóa.
*Bài 1: Tạo cơ hội chuyển tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm
Nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, toàn ngành văn hóa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, biến khó khăn thành cơ hội để bảo vệ sự đa dạng của văn hóa của các dân tộc, vùng miền, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân; đưa hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới. Qua đó, tạo cơ hội để chuyển tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước.
* Thể chế, chính sách chắp cánh cho văn hóa phát triển
Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó, các cấp, ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn, hành động tích cực, có hiệu quả hơn về phát triển văn hóa...
Một điểm sáng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng, thực hiện tốt là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chắp cánh cho văn hóa vươn tầm mạnh mẽ. Cụ thể, Bộ triển khai và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 đến nay, Bộ đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua: hai dự án Luật, phối hợp trình một dự án Luật; 6 Nghị định của Chính phủ; 10 Quyết định, hai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 32 Thông tư.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Đảng, Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực đối với việc phát triển văn hóa. Từ Đề cương văn hóa năm 1943 cho tới Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33/NQ-TW, Đại hội Đảng XIII và gần đây nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc với định hướng xuyên suốt, khẳng định việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế văn hóa là tiền đề cho việc kiến tạo môi trường vận hành thuận lợi, có khả năng phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, từ đó làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Khung chính sách đã tạo môi trường cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa nguồn tài nguyên thành sức mạnh mềm để phát triển, mang lại lợi ích cho đất nước.
Quá trình trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện, góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa. Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nước ta có 5 Luật (Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện), 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch được điều chỉnh trực tiếp, từng bước tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối nhất quán và được tổ chức tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Các văn bản hiện hành đã góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa của người dân. Đồng thời, việc thể chế hóa hệ thống pháp luật đã từng bước giúp điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống văn hóa theo hướng hài hòa và lành mạnh hơn. Nhà nước từ vị trí người chỉ huy đã chuyển sang vai trò của nhà quản lý và bảo trợ. Từ sự chuyển dịch mang tính cấu trúc này, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa được đề cao.
Quá trình hoàn thiện thể chế đã góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và tích cực quảng bá di sản văn hóa của nước ta ra thế giới. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 - 2026, đón nhận thêm hai di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh mục của UNESCO (Thực hành Then Tày, Nùng, Thái và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm).
Đặc biệt, sự ra đời của Chiến lược lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 5 quan điểm lớn đã hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
*Nguồn lực đầu tư cho văn hóa được khơi thông
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa...”.
Thực hiện định hướng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, báo cáo với Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII thông qua nhiều chủ trương quan trọng của đất nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá.
Với sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 đã được thông qua (dự kiến bổ sung Kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 cho các địa phương kinh phí 1.428 tỷ đồng cho 17 dự án). Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đã bố trí gần 1.000 tỷ cho các dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản.
Một số công trình điểm nhấn quốc gia của ngành cũng được Chính phủ, Quốc hội ủng hộ, bố trí vốn như dự án cải tạo Nhà hát Lớn và không gian văn hóa kịch nghệ quốc gia; dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật quốc gia, Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2; dự án Khu nghi lễ thờ Tổ của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa là 10.620 tỷ đồng. Về cơ bản, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình này có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, nhất là đồng bào tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, chủ trương "xã hội hóa" được xác lập đã tạo cơ chế, chính sách ưu đãi (về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất…).
Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc tạo thể chế, nguồn lực nhằm thúc đẩy để văn hóa thật sự "soi đường cho quốc dân đi" càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của ngành Văn hóa mà còn của các địa phương.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022 của các địa phương bước đầu đã thay đổi tích cực. Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh, thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Cụ thể so với năm 2021, tỉnh Bắc Giang tăng 12,7%; Hòa Bình, Đắk Lắk tăng 17%; Kon Tum tăng 18%; Bến Tre tăng 19%; Phú Thọ tăng 29%; Bình Thuận tăng khoảng 44%. Tỉnh Vĩnh Long chi 2,78%; tỉnh Lào Cai chi 3,33%; tỉnh Ninh Bình dành 4% tổng chi ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hóa...
Hà Nội là địa phương có tỷ lệ đầu tư cho thiết chế văn hóa cao hơn so với các địa phương khác. Thành phố bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 (thể thao 610 tỷ, di sản 14.000 tỷ, bảo tàng 400 tỷ). Đến tháng 3/2022, toàn thành phố có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phối, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa gồm Nhà hát Opera và Khu Văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng), Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng). Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Đầu tư cho phát triển văn hóa đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các năm 2014-2015 có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả. Hiện nay, nhu cầu về phát triển văn hóa của địa phương vẫn đặt ra tương đương thậm chí lớn hơn so với giai đoạn trước, đặt ra nhiều thách thức trong phát triển văn hóa. Vì vậy, rất cần một Chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa.
Thời gian tới, để tạo sự chuyển biến về nhận thức, mang lại ý nghĩa quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương cùng ngành văn hóa xem xét, nhìn nhận sâu sắc các vấn đề văn hóa, vai trò, vị trí, về sự cần thiết phải quan tâm, việc đầu tư cho văn hóa cần đồng bộ, toàn diện và đặt mức tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho văn hóa theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước...
Bài cuối: Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất