Chinh phục nóc nhà Đông Dương bằng đôi nạng gỗ

18/10/2011 13:58 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhắc đến Sơn Lâm là nhắc đến một chàng trai khuyết tật đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Năm nay, Lâm 29 tuổi, cao 90cm, nặng 29kg, khi di chuyển phải dùng nạng chống. Vậy nhưng, từ ngày 21- 25/10 tới, Sơn Lâm sẽ thách thức bản thân mình và cổ vũ tinh thần cho các bạn khuyết tật khác bằng việc quyết định chinh phục “nóc nhà Đông Dương” - đỉnh núi Phan Xi Păng, cao 3.142m so với mực nước biển.

Sau buổi họp báo công bố sự kiện này, diễn ra chiều qua (17/10), TT&VH đã trò chuyện với Sơn Lâm, trước khi “người tí hon” đáp tàu hỏa đến Lào Cai, chuẩn bị cho cuộc chinh phục “Hủa Xi Pan” (tên gọi Phan Xi Păng theo địa phương - nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh).

Không cần người “bế bổng” dù chỉ qua một ngọn cỏ

* Cơn cớ gì Lâm lại muốn chinh phục “nóc nhà đá” Phan Xi Păng?

- Một lần vào facebook của một người bạn thấy viết về hành trình đi tới nụ hôn cao nhất Việt Nam của một đôi bạn trẻ. Đôi “tình nhân” làm em cảm thấy cũng muốn đứng trên đỉnh Phan Xi Păng giống như họ, nhưng không phải để hôn ai đó mà để chứng minh một điều: Vượt lên và chiến thắng - tôi có thể!

Sơn Lâm sẽ đứng trên đỉnh cao Phan Xi Păng một ngày không xa

Một lý do khác khiến em muốn chinh phục “nóc nhà đá” Phan Xi Păng là qua thử thách này, nếu em chiến thắng, hy vọng sẽ cổ vũ tinh thần cho các bạn khuyết tật khác. Và lý do cuối cùng là với thử thách này, em muốn kêu gọi mọi người ủng hộ cho Quỹ Sơn Lâm và những người bạn nhằm giúp đỡ các em học sinh nghèo, những bạn nhỏ kém may mắn trong cuộc sống!

* Tôi đã từng chinh phục Phan Xi Păng. Nói thật, Lâm đừng giận, khỏe mạnh như chúng tôi đôi khi phải “bò tứ chi” và được người dân địa phương “tiếp sức” mà còn có người bỏ cuộc, huống hồ sức khỏe của Lâm như thế...?

“Sau khi leo Phan Xi Păng về, em muốn chinh phục độ sâu. Không phải xuống vực, lội suối, bơi sông mà có thể là bơi, hoặc lặn biển... Và có thể đi xuyên Việt bằng đôi nạng gỗ” – tâm sự của Nguyễn Sơn Lâm.

- So với người bình thường, em là người bất lợi trong cuộc chinh phục này. Bỏ nạng gỗ ra là em chịu chết. Trước khi đi, qua internet em cũng đã tìm hiểu và hỏi thêm một số bạn bè về lộ trình lên đỉnh Phan Xi Păng. Theo những gì bạn bè cho biết, em hình dung ra chặng đường rất gian nan. Nhưng chắc chắn em sẽ không cho ai “bế bổng” mình lên, dù chỉ qua một ngọn cỏ. Trừ trường hợp phải qua suối, nhất là suối sâu và chảy xiết thì em sẽ nhờ những người đồng hành cùng mình “cho quá giang”.

Tập leo cầu thang bộ

* Hành trang của Lâm cho chuyến chinh phục này có gì?

- Em chỉ có niềm tin và ý chí, còn tiền thì hầu hết do các đơn vị, doanh nghiệp và bạn bè ủng hộ. Tiền đó được sử dụng trong quá trình nghỉ lại Lào Cai, thuê người bản địa hoặc nhân viên của một công ty du lịch nào đó có kinh nghiệm trong việc leo núi “áp tải” và giúp đỡ mình trong khi leo núi.

Ngoài ra còn lương thực, nước uống và trang thiết bị cần thiết. Bình thường, mua sắm quần áo cho mình, em vẫn hay vào shop của... trẻ em. Lần leo núi này, cái mà em đang tìm mua không được đó là một đôi giày leo núi chuyên dụng nhưng size (cỡ) phải của trẻ em mới vừa. Em nghĩ chắc không có vì trẻ em có leo núi nhiều như người lớn đâu mà sản xuất giày leo núi cho trẻ em! (cười).

Sơn Lâm đã leo Vạn Lý Trường Thành

* Còn kinh nghiệm leo núi, Lâm có không?

- Từ nhỏ đến giờ, điều em sợ nhất là bị ngã, vì khi ngã, em không tự chống đỡ được bằng tay như những người bình thường khác. Em mà ngã thì 90% là sẽ bị đập đầu xuống đất. Năm 16 tuổi, em bị ngã từ trên xe đạp, đầu đập xuống đất rất mạnh và bị nứt sọ từ trước trán đến tận đỉnh đầu. Em được bạn đưa vào bệnh viện và phải nằm viện mất một, hai tuần.

Cũng may là càng lớn, em cảm thấy càng khỏe hơn. Hiện nay em thường xuyên tập Vịnh Xuân quyền và thấy sức khỏe tốt hơn nhiều so với trước. Để chuẩn bị cho chuyến leo núi, em tập leo cầu thang bộ một ngày hai lần.

Em chưa làm gì quá sức bao giờ, có lần leo lên đền Hùng mà vẫn thấy bình thường. Năm 2010, khi leo Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, em nhận thấy trở ngại lớn nhất không phải là độ dài của quãng đường mà là độ cao của các bậc thang. Phải khá khó khăn em mới leo được lên các bậc thang. Em cũng đã từng leo núi Yên Tử (Quảng Ninh) và cũng thấy bình thường. Nên với Phan Xi Păng, cũng cứ xem nó là bình thường.

* Cảm ơn và chúc Sơn Lâm thành công!

Phạm Nguyễn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm