14/07/2011 10:43 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Những sự việc xảy ra xung quanh đợt xét tặng danh hiệu Nhà nước năm 2011, với giới điện ảnh có người quan tâm, có người dõi theo, có người nghe nói… Và tất nhiên, họ đều có quan điểm riêng về những tranh luận xung quanh việc đạo diễn Nguyễn Thước được đề cử Giải thưởng Nhà nước.
TT&VH đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và nhà phê bình điện ảnh - TS Vũ Ngọc Thanh xung quanh vấn đề này.
Biên kịch bị… chèn ép
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã
* Thưa biên kịch Trịnh Thanh Nhã, chị đánh giá thế nào về những thông tin tranh luận trên báo chí mấy ngày qua xung quanh việc đạo diễn Nguyễn Thước được đề cử Giải thưởng Nhà nước?
- Thú thực là tôi không theo dõi kỹ cuộc tranh luận này, dù có đọc qua vài thông tin trên các báo mạng. Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên. Trước sau thì chuyện này cũng xảy ra thôi. Trước đây bên phim truyện cũng có chuyện kiện tụng, thậm chí ra tòa nữa. Thật buồn khi cùng đứng chung trong một ê-kíp sáng tạo mà lại không có sự đồng cảm, đồng thuận cần thiết. Tất cả chỉ bởi một nguyên nhân duy nhất: sự thiếu tôn trọng bạn nghề.
Trường hợp này, có lẽ còn có nguyên nhân từ sự lỏng lẻo, thiếu công bằng trong quy chế xét giải thưởng nữa. Cũng qua sự vụ này, tôi mới biết một thông tin, đó là các nhà biên kịch muốn xin xét giải thưởng cho mình (Giải thưởng Nhà nước) thì phải gửi hồ sơ sang Hội Nhà văn! Từ xưa đến nay, Hội Nhà văn chưa bao giờ coi chúng tôi là “người của mình”. Không biết bây giờ họ sẽ xét thưởng cho chúng tôi theo tiêu chí nào?
* Còn mối quan hệ được cho là “nhạy cảm”: đạo diễn và biên kịch. Chị nhìn nhận nó ra sao?
- Trong điện ảnh, không có quan hệ bạn nghề nào là không nhạy cảm. Người quay phim đôi khi cũng thấy bất ổn khi một phim giành giải thưởng (không phải trong các liên hoan phim) mà không ai bàn đến đóng góp hình ảnh của họ. Trong thực tế, điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, những người trong cùng một ê-kíp càng tôn trọng nhau thì sự thành công của tác phẩm càng có nhiều cơ hội. Bởi sáng tác phải được thăng hoa, mà sự thăng hoa lại chỉ đến khi người ta cảm thấy an hòa trong công việc.
Với biên kịch, không phải đạo diễn nào cũng thích “qua mặt”. Nhưng thường thì họ tâm niệm phim là của đạo diễn, nên có thể đôi khi có người đã cố ý lờ đi người đã đặt nền móng đầu tiên cho thành công của mình, mặc dù trước đó, trong quá trình tác nghiệp họ đã phải nương tựa rất nhiều.
Rất hiếm khi một đạo diễn lên nhận giải dù lớn nhỏ, có được lời cảm ơn dành cho biên kịch, người đã tạo cảm hứng sáng tác đầu tiên cho mình. Các nhà biên kịch thì ghét va chạm, nên có thiệt một tý cũng thường cho qua để còn làm việc khác.
Ngay cả ở Mỹ, thân phận người biên kịch cũng hết sức bị... chèn ép. Nó biểu hiện ngay trong cách trả thù lao cho biên kịch so với thù lao đạo diễn, diễn viên... Do đó mới xảy ra cuộc đình công của các biên kịch vào năm 2009, khiến cả ngành điện ảnh Mỹ tê liệt trong nhiều tháng trời. Có lẽ hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú cũng đã không thể chấp nhận im lặng được nữa, bởi tổn thương của họ không chỉ gói gọn trong công việc nội bộ, hay quyền lợi về tiền bạc, mà còn là câu chuyện “một tiếng giữa làng”. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này sẽ chỉ đi đến hồi kết khi những nhà tổ chức giải thưởng định rõ tiêu chí xét giải. Đáng tiếc là rốt cuộc, tất cả đều đã bị tổn thương.
Cách xét giải thưởng hiện nay dễ làm nghệ sĩ tổn thương?
* Là một người hoạt động điện ảnh lâu năm, chị có ý kiến gì xung quanh các quy định về việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ và các giải thưởng vinh dự?
- Thực ra tôi cũng chưa từng để mắt đến các văn bản liên quan, không phải vì coi thường, mà vì vẫn tâm niệm mình chả bao giờ “được” xếp vào “khổ” nào trong các tiêu chí ấy. Chúng tôi có thừa cống hiến, nhưng đi kể công để “xin” thưởng thì không phải ai cũng sẵn sàng. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ cũng tỏ thái độ không “xin” như thế. Điều đó cho thấy các bước xét duyệt giải thưởng chưa được xác lập trên cơ sở tôn trọng nghệ sĩ và nghề nghiệp của họ, mà vẫn lùng bùng trong cái cơ chế xin - cho.
Cách đây hai năm, tôi chứng kiến nỗi buồn của một họa sĩ thiết kế trong ngành điện ảnh với số giải cá nhân qua các liên hoan phim đạt kỷ lục, nhưng suýt bị loại khỏi danh sách Nghệ sĩ Nhân dân. Rồi anh ấy cũng “được” công nhận danh hiệu này, sau khi bạn bè và người thân đã phản ứng quyết liệt. Nhưng buồn quá. Lẽ ra hội đồng xét danh hiệu chỉ cần thống kê các giải thưởng cá nhân của nghệ sĩ, thấy đạt rồi thì mặc nhiên công nhận, sao để một nghệ sĩ lớn như thế phải đi... xin?
Riêng với đội ngũ biên kịch thì lại còn thiệt thòi nhất, vì Hội Nhà văn bảo chúng tôi không phải nhà văn, bên Nghệ sĩ biểu diễn bảo chúng tôi có diễn gì đâu mà xếp vào? Xem ra, cách xét giải thưởng kiểu này chỉ khiến các nghệ sĩ bị tổn thương, cả người được xét lẫn người bị loại đều thấy không thỏa mãn đâu, tôi tin như thế.
TS Vũ Ngọc Thanh: “Nên nhìn nhận công bằng và có tình” Việc tranh luận đạo diễn và biên kịch, ai quan trọng hơn ai là không mới và không cần thiết. Thông lệ và quan điểm chung của cả giới phê bình điện ảnh thế giới, đạo diễn là tác giả của bộ phim, vai trò đó không thể phủ nhận. Tôi có theo dõi khá kỹ câu chuyện xung quanh đề cử giải thưởng Nhà nước cho đạo diễn Nguyễn Thước trên báo TT&VH những ngày qua và thấy rằng cần có sự nhìn nhận toàn diện về sự việc này. Vừa qua, đạo diễn Nguyễn Thước có phát biểu đại ý rằng, đáng lẽ các biên kịch khi nhận Bông sen Vàng nên cảm ơn đạo diễn vì ban giám khảo chỉ xem phim chứ không xem kịch bản. Điều đó đúng về lý, nhưng thiếu tình. Vì vậy, cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm này. Phải nói rằng, không có bột, sao có thể gột nên hồ? Nói cách khác, trong quy trình sáng tác điện ảnh, cần xác định cái gì có trước cái gì có sau, giống như không thể chỉ nhắc tới đứa trẻ mà quên mất người mẹ sinh ra nó. Vì thế, theo tôi, không thể phủ nhận vai trò của kịch bản và sự việc này nên được nhìn nhận công bằng và có tình. Tuy nhiên, cũng cần tôn trọng ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong các hội đồng xét giải thưởng Nhà nước. Chắc chắn họ đã tìm hiểu kỹ các quy định khi quyết định bỏ phiếu cho cụm tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Thước. 100% số phiếu là con số biết nói. Đứng ngoài cuộc tranh luận này, nhưng là một nhà hoạt động điện ảnh, tôi nghĩ, giá như mối quan hệ đạo diễn - biên kịch không căng thẳng như vậy và “người trong cuộc” ứng xử đúng mực, theo cách luôn tôn vinh nhau, thì mọi việc thật hoàn hảo!”.
“Có thể nói đây là một trong những câu chuyện không vui của giới điện ảnh. Nó làm tôi nhớ lời cố GS Hoàng Ngọc Hiến: “Cái nước mình nó thế”. Bởi cứ hễ đụng chạm đến quyền lợi là người ta lại sẵn sàng “kiện” nhau được...
Hà Chi (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất