21/09/2013 10:27 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “TS Nishimura đã đến đây, yêu thương và miệt mài cống hiến cho xứ sở này. Thân thể anh giờ cũng hòa vào đất Việt. Bởi vậy, Huân chương Hữu nghị do Chủ tịch nước truy tặng cho ông là minh chứng rõ nhất cho quan hệ hai nước suốt 40 năm dài dặc”.
Đó là lời phát biểu của ông Masuo Ono, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lễ truy tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho TS Nishimura tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hôm 19/9.
TS Nishimura Masanari
Lặng lẽ cống hiến
Buổi lễ truy tặng huân chương cao quý diễn ra giản dị nhưng trang trọng, sâu lắng. Điều này đúng “chất” lặng lẽ, miệt mài cống hiến của TS Nishimura cho khảo cổ Việt Nam.
Nhắc tới sự đóng góp của TS Nishimura cho quan hệ hai nước, ông Masuo Ono chia sẻ: Người Nhật ở Việt Nam không ít. Song suốt dặm dài quan hệ hai nước, thật hiếm thấy ai gắn bó với Việt Nam sâu đậm như Nishimura. Sinh thời, tôi biết anh qua TS Noriko - vợ anh. Bởi chị là đồng nghiệp của tôi ở Đại sứ quán Nhật Bản.
“Nhưng cũng chỉ biết anh làm khảo cổ và hăng say với những di chỉ Việt. Đến khi anh qua đời, tôi mới thực sự ngỡ ngàng bởi những đóng góp của anh với khoa học xã hội Việt Nam nói chung và khảo cổ học, bảo tàng học, lịch sử học Việt Nam nói riêng” - ông Masuo Ono cho hay.
Lý giải cho điều này, ông Masuo Ono cho biết: vợ chồng TS Nishimura rất kiệm lời về thành tích của mình. Họ chỉ cần mẫn và âm thầm làm việc, lặng lẽ đóng góp.
“Tôi thực sự xúc động khi nghe những người khác kể về hành trình ấy của vợ chồng TS Nishimura. Và vợ chồng ông là biểu tượng đẹp của tình bạn Việt Nam - Nhật Bản”- ông Masuo Ono chia sẻ với TT&VH.
Các vị quan khách chụp ảnh lưu niệm
Như người dân Kim Lan
Cũng như trong buổi lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cuối tháng 8 vừa rồi, lễ truy tặng Huân chương Hữu nghị dành cho TS Nishimura hôm 19/9 cũng xuất hiện tấm di ảnh của anh. Không gian như chùng xuống khi những đồng nghiệp kể về những thành tích của anh, những nỗ lực miệt mài mà anh đã thực hiện ở Việt Nam..
Đồng nghiệp TS Nishimura, PGS-TS Nguyễn Lân Cường nghẹn ngào: Không hiểu sao phút này tôi thấy ám ảnh những câu nói của Nishi khi chúng tôi trò chuyện. Anh bảo, Việt Nam còn khó khăn, nhưng trong khó khăn lại có cái hay. Tôi thích khó khăn và ngay từ lần đầu tới Việt Nam, tôi cảm thấy cái gì đó thân thuộc, gần gũi của người Việt.
Còn ông Nguyễn Văn Trí, đại diện chính quyền xã Kim Lan ngậm ngùi: Nishi đi mới vài tháng mà người dân Kim Lan, nhất là những cụ trong nhóm Tìm lại cội nguồn của làng (những người đã cùng TS Nishimura xây bảo tàng gốm sứ - PV) thấy hụt hẫng lắm. Trước đây, dù bận đến mấy thì Nishi cũng cố tới làng một tháng một lần. Anh tới xem công tác duy trì hoạt động của bảo tàng gốm sứ rồi uống rượu như người làng với mấy ông “khảo cổ chân đất”. Giờ nhớ Nishi, dân làng cũng chỉ biết thắp nén nhang cho anh vào Rằm, mồng một.
Còn trong giờ khắc quan trọng, vợ anh, TS Noriko không nói được nhiều. Chị chỉ khóc mỗi khi mọi người nhắc tới tên chồng và nhắc đi nhắc lại duy nhất một câu: Cám ơn vì đã ghi nhận!
Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa
TS Nishimura Masanari sinh năm 1965, tại vùng biển Simonoseki, tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản. Ông mất trong một vụ tai nạn giao thông tại QL 5 Hà Nội ngày 9/6/2013. Với những công trình tiêu biểu như: Bảo tàng gốm sứ Kim Lan; Chủ biên cuốn Khảo cổ học và Cổ đại học của Việt Nam (Tiếng Nhật, tiếng Việt); Nghiên cứu về kinh thành và thành quách Đại Việt và Champa... Ông được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013 (hạng mục Việc làm)… |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất