07/03/2011 11:35 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Ngày 8/3, đáng lẽ được háo hức đón nhận những món quà, lời chúc tốt đẹp thì có những người phụ nữ lại nuốt nước mắt, ôm nỗi đau đớn cả về thân xác và tinh thần trú ngụ trong căn phòng nhỏ nơi hành lang bệnh viện.
Căn phòng chừng hơn chục mét vuông, mà người ta quen gọi là “phòng tạm lánh” nằm khép mình cuối hành lang tầng 3, khoa Ngoại, bệnh viện Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội). Nơi đây đã chứng kiến bao nhiêu số phận éo le của những người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình. Họ tìm đến đây khi đã bị “dồn vào chân tường”, tuyệt vọng không tìm ra lối thoát cho đời mình.
Phụ trách “phòng tạm lánh” là bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết thuộc Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Gia Lâm. Hầu như ngày nào ông cũng nhận được điện thoại “cầu cứu”, xin tư vấn hoặc có nạn nhân được đưa đến.
Bác sĩ Quyết tâm sự: “Hầu hết phụ nữ khi đến đây đều trong tình trạng bị đánh đập ở các mức độ khác nhau, nhiều người mắc phải những căn bệnh về tâm lí, trầm cảm, hoảng loạn. Tất cả những trường hợp đến đây đều được ghi lại đầy đủ trong cuốn “nhật ký” của phòng, mỗi trang nhật ký là một số phận đau khổ thấm đẫm nước mắt cần được che chở, trợ giúp.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết |
Chị H. nức nở: “Mà đánh nào có nhẹ đâu, toàn đạp vào bụng đấm vào ngực”. Không chịu nổi chồng vũ phu, H. đến “phòng tạm lánh” với lá đơn xin ly dị trên tay. Nhưng H. vẫn rất sợ chồng trả thù, cô tìm đến đây lánh nạn và nhờ các bác sỹ tư vấn.
Bác sĩ Quyết cho biết: “Hầu hết phụ nữ bị bạo hành gia đình đều “cắn răng cam chịu” như thế. Có những người, chỉ tự giải thoát khi đã chịu đựng hàng chục năm trời, 4 năm như H. là còn ngắn. Cũng may là chồng H. bị đưa đi cai nghiện và tòa xử ly dị vắng mặt”.Chị Nguyễn Thị N., 32 tuổi ở Hải Dương được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Bắc Giang trong tình trạng phù mắt, tụ máu võng mạc, các vết bầm tím trên cổ, tay và khắp thân thể. Chị bị người chồng đạp và lấy mũ bảo hiểm xe máy đập trúng mặt. Sau khi được cấp cứu điều trị, chị không về nhà mà xin ở lại “phòng tạm lánh” rồi “chờ ra Hà Nội nhờ người quen xin việc, đợi nguôi ngoai rồi xin “cắt đứt” chứ không quay lại với cuộc sống cũ”. Bởi 10 năm lấy chồng cũng là 10 năm chị phải sống trong địa ngục. Hầu như không ngày nào người chồng nát rượu không thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị. Chị nói trong nước mắt: “Cũng vì con cái thôi, giờ em cũng không biết vì sao em lại chịu đựng được đến bây giờ”
Bạo lực gia đình cũng có muôn hình vạn trạng, gồm cả “bạo lực tinh thần” và “bạo lực tình dục”, nỗi đau này người phụ nữ thường giấu kín sự sợ hãi “xấu hổ”. Nhiều người, cuộc sống về đêm với chồng là một cực hình. Có khi bị chồng đạp xuống giường, bắt chiều theo ý anh ta một cách thô bạo, dù người phụ nữ không muốn, cho đến khi không thể chịu đựng được, họ tìm đến “phòng tạm lánh” để tìm sự giải thoát.
Tranh minh họa |
Không ít người phải chịu nỗi đau “bạo lực tinh thần” như trường hợp chị Đỗ Thị L., 44 tuổi ở Thanh Xuân (Hà Nội). Hai vợ chồng chị đều là trí thức, vợ chồng đã có 2 con gái lớn. Vì không có con trai, chồng chị đang đòi ly dị để kiếm người nối dõi. Anh ta không hề đánh đập, chửi bới chị, nhưng đã 4 năm nay hai vợ chồng không nói với nhau nửa lời. Mọi giao tiếp giữa hai người đều thông qua con gái. Vì con, chị cố gắng chịu đựng, cho đến khi bị stress nặng, sức khỏe suy sụp, mất ngủ triền miên. Chị tìm đến “phòng tạm lánh” trong tình trạng trầm uất nặng nề.
Còn nhiều nạn nhân khác nữa, bác sĩ Quyết khẳng định: “Những phụ nữ đến đây đều mang những đau đớn về thể xác và những tổn thương về tinh thần. Chúng tôi không khuyên họ ly dị, mà tìm cách tiếp cận các gia đình để tư vấn thay đổi hành vi. Đồng thời hướng dẫn người phụ nữ cách tự bảo vệ mình, cả những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, bạo hành gia đình, các chế định luật để cho người phụ nữ tự mình lựa chọn quyết định cuối cùng”.
Ám ảnh nỗi đau
Bác sĩ Quyết tâm sự: “Tôi bị ám ảnh bởi nỗi đau của những người phụ nữ bị hành hạ. Công việc đặc thù này không phải ai cũng dám làm và làm được, nhưng đã làm thì không thể dứt ra được”.Những khó khăn với các bác sĩ của “phòng tạm lánh” không bao giờ giảm. Có người phụ nữ kể hoàn cảnh, nhưng khi tìm đến thì không phải gia đình ấy, vì đa số đều không dám khai ra địa chỉ thật. Các bác sĩ phải thường xuyên đi tìm địa chỉ thật của nạn nhân để cùng phối hợp giải quyết, đồng thời đến các điểm nóng về bạo hành để cùng các cơ quan công an, chính quyền địa phương cùng giải quyết.
Một vấn đề nữa là tâm lý cam chịu, “xấu chàng hổ ai” của những nạn nhân bạo hành. Có lần giữa đêm, bác sĩ Quyết nhận được cú điện thoại nhờ cùng can thiệp một trường hợp bị chồng đánh đập. Nhưng khi đến nơi, người vợ mặt thâm tím, giọng lạc đi vì đau đớn nhưng vẫn khăng khăng: “Không có chuyện gì đâu bác, chồng em chỉ hơi say thôi”. Bác sĩ và tổ dân phố đành ngậm ngùi ra về trong ánh mắt lo sợ của người vợ tội nghiệp. Một điều tế nhị nữa mà các bác sĩ phải đối mặt đó là ranh giới mong manh giữa bạo hành gia đình hay chỉ là những va chạm bình thường để giúp nạn nhân đưa ra những quyết định hợp tình hợp lí.
Các bác sĩ ở “phòng tạm lánh” còn thường xuyên phải đối mặt với thách thức từ phía người bạo hành, có ngày bác sĩ Quyết nhận được tin nhắn đe dọa vì “tội phá hoại hạnh phúc gia đình người khác”, hay “khuyên vợ bỏ chồng”. Nhưng họ vẫn luôn tin vào điều mình đang làm, như lời bác sĩ Quyết khẳng định: “Người phụ nữ sẽ không bao giờ đơn độc, ngay cả khi họ tuyệt vọng nhất”.Phương Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất