07/10/2023 07:06 GMT+7 | Văn hoá
Kết nối là triển lãm triển lãm đánh dấu sự ra mắt của TomuraLee Gallery tại TP.HCM - không gian đương đại thứ ba tiếp nối sự phát triển của TomuraLee tại Tokyo và Seoul. TomuraLee Gallery hướng đến một không gian nghệ thuật mở, nơi giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật tới công chúng bao gồm hội họa, điêu khắc, gốm sứ, nghệ thuật sắp đặt…
Kết nối chọn trưng bày lần đầu tiên tác phẩm của 4 họa sỹ: Hoàng Phương Liên, Tào Linh, Phạm Trần Quân và Lê Thiết Cương.
Hoàng Phương Liên học chuyên ngành đồ họa, Đại học mỹ thuật Công nghiệp. Chị làm nhiều tranh in, in lưới, khắc gỗ rồi vẽ nữa, sơn dầu bột mầu đủ cả nhưng có vẻ không thành - cho đến cái ngày chị và xé giấy tìm được nhau. Tìm được chất liệu hợp với mình, tìm được điều hợp với mình, tìm được người hợp với mình, hiểu mình tưởng dễ mà khó vô cùng. Tìm được người hợp với mình tức là tìm được mình.
Với ưu thế của bảng màu tươi của giấy màu thủ công nên Hoàng Phương Liên chọn đề tài cho tranh của mình là tĩnh vật hoa tươi quả chín, phong cảnh đồng quê bốn mùa và chợ miền núi là một chọn lựa hay, chọn được đất để dụng mầu. Xé vừa là theo hình vừa là bỏ hình, vừa là cố tình mà cũng lại là vô tình. Xé nhiều tự do, phóng khoáng, tình cờ hơn cắt.
Duyên của Liên là cách xé nghiêng, mầu trắng của mặt sau tờ giấy màu hé lộ, lấp ló, ít nhiều, to nhỏ, lem nhem, xô lệch, lỏng lẻo, chơi vơi tạo thành một kiểu đường viền mơ hồ, mềm mại, bảng lảng "rất mặc kệ", kiểu "lạt mềm buộc chặt".
Còn Tào Linh từng cho biết trong lời giới thiệu triển lãm cá nhân của anh hồi tháng Giêng 2023: "Hoạ sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn, đã viết: Tào Linh tự đắp con đường để đến với hội họa của mình. Linh thích tạo hình các "nhân vật" của mình bằng những đường gần như thẳng, một nét, kết nối, đan cài, giăng mắc... Linh thích cô lại, cô đọng lại hiện thực trước mắt anh. Những ngôi nhà nép chặt bên nhau, những người đàn bà trôi về một góc, trò chuyện với cả một khoảng mênh mông im lặng. Bố cục lệch, tương phản trống - đầy, lỏng - chặt được Tào Linh ưa dùng, nó tạo ra cái nhịp "có - không", cái "có" có vì đối diện nó là cái "không". Tào Linh thích bảng mầu trung độ, ghi nhạt, nâu đất, vàng thổ. Nếu có xanh đỏ thì cũng đã được giảm cường độ tươi đi đáng kể".
Họa sĩ Tào Linh chia sẻ thêm: "Lê Thiết Cương hiểu tôi đủ và sắc sảo đủ để đọc thấu hội hoạ của tôi, tạng tính của tôi. Với tôi, mỗi bức tranh là một trạng thái cảm xúc khi vẽ và chỉ là một cảm giác dành cho người xem. Tôi thích dùng ngôn ngữ biểu hiện, ẩn dụ hơn là mô tả. Tôi thích dùng điểm nhấn tâm lý hơn là thị giác. Tôi muốn bức tranh của tôi chỉ là một gợi ý cảm xúc cho người xem, vì thế sẽ sáng tạo một lần nữa khi đối diện với tác phẩm".
Với Phạm Trần Quân, anh tham gia Kết nối bằng 4 tác phẩm về đề tài hoa khổ lớn, chất liệu acrylic thiên về trừu tượng. Mùa nào hoa ấy, đi về với hoa, chỉ hoa, đối diện với hoa. Diện hoa. Cũng chỉ một chất liệu, acrylic trên toan, đối diện hàng ngày với toan. Diện toan. Hoa không chỉ là hoa nữa, toan không chỉ là toan nữa. Hoa là bức tường, toan là bức tường. Diện hoa, diện toan cũng là diện bích. Đều là để tìm mình, trở về với mình. "Kiến tính thành Phật", thấy được mình thì thành nghệ thuật, thành đẹp. Đó cũng là làm ra mình, tạo ra mình, sáng thế ra chính mình.
Ở điểm này thì nghệ thuật và tôn giáo gặp nhau. Diện sen, đào mai hay lan cúc cũng là một, là đối diện với mình. Những bông hoa, nở rồi tàn, sinh rồi diệt, từ "có" mà thành "không" (chả có "có" thì sao có "không" được?) Ấy cũng chính là cái lẽ xoay vần của tạo hóa, của vòng Tràng Sinh, của… vượng, suy, bệnh, tử, mộ, tuyệt, thai (sinh, sinh nở, nở). Nở là đạo. Đạo nở.
Đề tài hoa, chất liệu acrylic quen thuộc đến mức tưởng chừng như không thể còn một khoảng trống dù là nhỏ để lách vào. Ấy vậy mà Phạm Trần Quân vẫn tìm ra một khe cửa hẹp để khám phá ra "thế giới hoa" khá riêng và một kỹ thuật dùng acrylic trên toan mới mẻ với sự hài hòa của những mảng, nét đắp đầy tương phản với những mảng phẳng mỏng loang nhòe, tan chẩy hoặc những mảng êm ả tĩnh lặng đối diện với những cú ra tay, những cú đi nét nhanh, mạnh mẽ, khỏe khoắn, dứt khoát bằng một nhịp điệu dồn dập, thưa mau, khoan nhặt, căng trùng, được mất, vui buồn…
Cuối cùng, tôi (Lê Thiết Cương – BTV) tham dự triển lãm với 6 tác phẩm bột mầu vẽ trên vải màn bồi giấy dó - một chất liệu mà họa sĩ gắn bó hơn 30 năm từ 1990 đến nay và 02 tác phẩm sơn dầu.
Quan niệm nghệ thuật của tôi là: "Thẩm mỹ tối giản là một đại lộ, nó có nhiều nhánh rẽ. Khởi từ triển lãm lần đầu tiên (1991) đến nay, tôi đã tìm tối giản ở các nhánh khác nhau. Từ năm 1995 đến 2000, tìm tối giản trong thể loại (tĩnh vật, chân dung, phong cảnh). Tiếp theo là tìm tối giản trong đậm nhạt (đen, trắng) bằng ba triển lãm Hạt Gạo (2005), Bản Thảo (2006), Cây (2007); tìm tối giản trong đơn sắc (Chuyện của Lan, 2008)…
Quan niệm hội họa tối giản của tôi có cảm hứng từ mỹ học thiền. Ít hình, ít mầu, nhiều khoảng trống lớn, yên tĩnh, "vô ngôn", vẽ như không vẽ gì hoặc có thể hiểu là vẽ mà không vẽ, vẽ vô sở, vô đắc. Nếu giả sử có định nói gì thì cũng là nói bằng im lặng. Để dành tặng khoảng KHÔNG tĩnh lặng ấy cho người xem nghĩ ngợi, suy tưởng.
Hình đã ít mà cách tạo hình cũng giản dị bằng nét mảnh, phần còn lại là những mảng phẳng một mầu, gần như không chuyển đậm nhạt, âm âm, trầm trầm, dịu nhẹ thầm thì".
Trong 6 tác phẩm bột màu này thì có 3 tác phẩm tiếp tục mạch cảm xúc về Kiều, một dự án nghệ thuật lớn của tôi đã trưng bày lần đầu vào năm 2022.
***
Thông qua triển lãm "Kết nối" này, TomuraLee Gallery mong muốn trở thành cầu nối giữa họa sĩ với công chúng và nhà sưu tập. Đặc biệt, trở thành một phần không thể thiếu với hệ sinh thái nghệ thuật - thúc đẩy giao lưu nghệ thuật Việt Nam đương đại tới các thị trường nghệ thuật quốc tế.
10.2023
"Quan niệm hội họa tối giản của tôi có cảm hứng từ mỹ học thiền. Ít hình, ít mầu, nhiều khoảng trống lớn, yên tĩnh, "vô ngôn" - họa sĩ Lê Thiết Cương.
Vài nét về "Kết nối"
Triển lãm Kết nối trưng bày 23 tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, bột mầu trên vải màn, xé giấy, acrylic của 4 họa sĩ Hoàng Phương Liên, Tào Linh, Phạm Trần Quân, Lê Thiết Cương. Triển lãm khai mạc vào hồi 16h vào ngày 6/10 đến hết ngày 29/10/2023 tại TomuraLee Gallery, Số 24 - Đường số 1, Bình Khánh, Quận 2, TP.HCM.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất