25/11/2011 13:17 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Vỉa hè Hà Nội đã trở thành sân khấu trình diễn âm nhạc với hai dự án: Luala Concert (có buổi biểu diễn đầu tiên vào 11/11 tại vỉa hè Nhà xuất bản Âm nhạc, 61 Lý Thái Tổ) - và Tôi yêu sự chia sẻ (buổi biểu diễn đầu tiên vào 20/11 tại nhà kèn Bát giác thuộc Vườn hoa Lý Thái Tổ). Âm nhạc rời khán phòng để… ra phố đã tạo được nhiều hào hứng cho công chúng.
Trên thế giới, nghe nhạc cổ điển ngoài đường phố không còn là điều xa lạ. Người ta có thể thưởng thức âm nhạc từ những tụ điểm văn hóa, đến các góc phố, khu mua sắm hay trong ga tàu điện ngầm.
Được biết, rất ít trong số những buổi biểu diễn đường phố này có mục đích mang âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng, dù chắc chắn chúng là công cụ hữu hiệu để thực hiện tốt mục đích này. Vì hầu như, các nghệ sĩ đường phố là những người không chuyên và họ chơi nhạc đơn giản là để chia sẻ tình yêu âm nhạc của mình, muốn có người lắng nghe mình, và cũng tìm cách thêm nguồn thu nhập.
Tuy nhiên, âm nhạc đường phố “made in Hanoi” lại khoác chiếc áo hoàn toàn khác.
Thêm một chương trình nhạc cổ điển… xuống phố
Lần đầu tiên ở Việt Nam, âm nhạc cổ điển có một địa điểm trình diễn mới: vỉa hè. Những tác phẩm vốn chỉ được chơi trong những khán phòng sang trọng nay đã xuống phố. Âm nhạc của Schubert, Mozart... đã vang lên ở hè phố Hà Nội.
Với Luala Concert, 20 nghệ sĩ đàn dây đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn các tác phẩm của những nhà soạn nhạc thế giới và Việt Nam hàng tuần vào thứ Bảy (15h-17h) và Chủ nhật (10h-12h và 15h-17h) từ 11/11/2011 đến ngày 11/1/2012.
Buổi biểu diễn trong chuỗi chương trình Luala Concert
Còn dự án Tôi yêu sự chia sẻ với các thể loại âm nhạc khác nhau sẽ được các sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia giới thiệu đến công chúng từ 9h-10h Chủ nhật hàng tuần.
Theo TS Tạ Quang Đông - Trưởng BTC chương trình, dự án này lúc đầu dự kiến sẽ tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, Hà Nội là nơi đầu tiên tổ chức thành công chương trình này. Theo ông Đông, lợi thế và cũng là điểm khác biệt của Tôi yêu sự chia sẻ là sẽ không chỉ biểu diễn âm nhạc cổ điển như Luala Concert mà còn có nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Sẽ có độc tấu, hòa tấu các loại nhạc cụ Việt Nam và châu Âu với dàn nhạc dây, dàn kèn, dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc jazz, hòa tấu accordeon với số lượng nhạc công từ 8 đến 30 người.
Một ý nghĩa tích cực nữa của dự án này, đó là các học sinh, sinh viên của Học viện Âm nhạc có thêm một không gian, một sân khấu để các em được học hỏi, trải nghiệm và phát triển tài năng. Với mong muốn đem đến một hình thức sinh hoạt âm nhạc ngoài trời mới tại Thủ đô, chương trình dự kiến sẽ diễn ra đến hết năm 2012. Và mong muốn của nhà tổ chức chương trình này cũng không dừng lại biểu diễn ở một địa điểm là nhà kèn Bát giác. Họ đang tìm kiếm những địa điểm thích hợp hơn nữa để có thể nhân rộng chương trình.
Nỗ lực phổ cập nhạc cổ điển…
Chưa thể khẳng định Luala Concert hay Tôi yêu sự chia sẻ có thành công hay không nhưng sự xuất hiện của các dự án đã bắt đầu khơi gợi sự quan tâm từ nhiều phía. Điều đầu tiên phải nói đến là thu hút được sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng. Ghi nhận buổi ra mắt của Luala Concert, đã có rất nhiều người đang tham gia giao thông cũng phải dừng xe, cố ngoái đầu lại xem có chuyện gì xảy ra tại vỉa hè của NXB Âm nhạc, 61 Lý Thái Tổ.
Chương trình Tôi yêu sự chia sẻ
Nhưng có thể thấy “nghe bài này quen quen” là điệp khúc của đa số người Việt Nam để nói về cảm nhận một tác phẩm âm nhạc nào đó mà người ta chỉ nghe chứ không biết tên, đặc biệt là âm nhạc cổ điển. Người ta có thể nghe quảng cáo đội mũ bảo hiểm một thời với Mozart - Piano concerto K. 488, quảng cáo tủ lạnh, máy điều hòa gì đó với Mozart - Symphony No.40 hoặc quen thuộc hơn cả là dự báo thời tiết với Vivaldi - Serenade To Spring nhưng không mấy ai biết đến tác giả, tác phẩm.
Song, không như hoạt động âm nhạc đường phố ở châu Âu, với hai dự án đang diễn ra tại Việt Nam có thể thấy, đây là những dự án có tổ chức, quy mô và mục đích rõ ràng. Chất lượng chuyên môn thì có thể yên tâm với nguồn lực từ những trường dạy nhạc và các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đem âm nhạc không lời đến với đông đảo công chúng có lẽ chương trình cần thêm phần giới thiệu về tác phẩm và tác giả liên quan, tạo điều kiện để công chúng có thể cảm nhận bài nhạc dễ dàng hơn.
TS Tạ Quang Đông chia sẻ: “Âm nhạc cổ điển sinh ra không phải ở nơi đường phố. Giá trị đích thực của nó chỉ có thể tỏa sáng ở nhà hát sang trọng. Với chương trình này, chúng tôi hy vọng sẽ là bước khởi đầu cho việc phổ cập âm nhạc cho mọi người”.
Lam Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất