13/12/2022 07:47 GMT+7 | Văn hoá
Tiểu thuyết Yêu nhau trong lo âu của nhà văn Nguyễn Đông Thức (NXB Trẻ ấn hành) vừa có buổi ra mắt tại TP. HCM ngày 11/12, đồng thời tác giả có dịp giao lưu với bạn đọc về hơn 40 năm viết về tình yêu của ông.
1. Danh mục tác phẩm của Nguyễn Đông Thức khá đầy đặn so với nhiều người cầm bút cùng tuổi hoặc cùng thế hệ với ông. Về truyện dài/tiểu thuyết, có: Ngọc trong đá, Ngôi sao cô đơn, Vĩnh biệt mùa Hè, Trăm sông về biển, Như núi như mây, Không có gì và không một ai, Đi qua nước mắt nụ cười… Tập truyện ngắn có: Mưa khuya, Mối tình đầu tiên và cuối cùng, Con gái vốn phức tạp, Tiên bay về trời, Chuyện tình tự kể, Không quên, Vĩnh biệt Facebook, 2 tập truyện Đời…
Trong khi nhà văn Đoàn Thạch Biền, lớn hơn chỉ 4 tuổi và là bạn thân của nhà văn Nguyễn Đông Thức, đã gác bút từ lâu thì ông nhà văn sinh năm Tân Mão 1951 vẫn miệt mài viết và ra sách đều đều. Viết hay không viết là lựa chọn của mỗi người tùy theo ý thích chứ không phải là thiên chức hay sứ mệnh gì ghê gớm.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền, cho rằng: "Có 2 loại nhà văn, viết để sống và sống để viết, tôi là loại viết để sống". Suy ra, ở tuổi ngoài 70, nhà văn Nguyễn Đông Thức thuộc loại thứ 2: Sống để viết!
2 ông nhà văn có quan điểm làm nghề trái ngược nhau nhưng vẫn là bạn thân của nhau, thiết nghĩ cũng hết sức tự nhiên vì đó là tự do lựa chọn của mỗi người và đáng được tôn trọng.
Nhà thơ Lê Minh Quốc dẫn chương trình cho buổi giao lưu này, tiết lộ: "Nhà văn Nguyễn Đông Thức không có ngày Chủ nhật, ngày nào ông cũng viết từ sáng đến trưa và không ngủ trưa viết luôn đến chiều. Buổi tối thì ông xem phim. Nhiều nhà văn thành danh thuộc các thế hệ trước cho rằng mỗi ngày cứ viết 1 trang thôi thì sẽ có số lượng trang sách đáng kể để lại cho đời".
Sức viết, sự lao động nghề văn nghiêm túc của Nguyễn Đông Thức không chỉ làm đồng nghiệp kính nể mà ngay con rể của ông - nhà báo Võ Hùng Thuật - cũng bái phục: "20 năm trước, lúc ấy mới tập tễnh vào nghề báo. Sếp của tôi rủ đi nhậu, hay kể: Trong tòa soạn có ông "Đức Thông" siêng viết khủng khiếp. Sáng trưa chiều tối, lúc nào cũng thấy viết". Nghe tò mò ghê gớm, định bụng tìm cách vô tòa soạn xem ông Đức Thông là ai, mà viết gì nhiều thế. Xui là hồi đó cộng tác viên như tôi không được bén mảng khu vực tòa soạn nên ý định không thành. Về sau mới ồ à ông Đức Thông là nhà văn Nguyễn Đông Thức. Và sau sau nữa mới ngớ ra bạn gái của mình là con nhà văn… "
Sau này về làm rể của nhà văn, Võ Hùng Thuật, cho hay: "20 năm qua, ba vẫn viết đều đặn như thế. Các tiểu thuyết, truyện, kịch bản phim… nối tiếp nhau ra đời. Nay là Yêu nhau trong lo âu. Cái tựa đề đã "tố cáo" đây đúng là một tiểu thuyết tình cảm. Nhưng khác với những tiểu thuyết tình cảm khác, tình yêu ở đây chỉ là phương tiện giúp ta chiêm nghiệm nhiều hơn về những triết lý cuộc đời và cả trải nghiệm cho cuộc sống".
Dẫn ra chuyện nhà báo Võ Hùng Thuật - con rể nhà văn Nguyễn Đông Thức để thấy ông nhà văn tuổi con mèo này rất hạnh phúc so với nhiều người cầm bút khác, vì rằng rất nhiều nhà văn được đón đọc bởi bạn đọc xa gần, nhận được nhiều ái mộ nhưng người trong nhà thì chưa chắc đã đọc chữ nào.
2. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Đông Thức được các nhà sản xuất, đạo diễn dựng thành phim. Đáng kể có các phim nổi tiếng một thời: Ngọc trong đá, Vĩnh biệt mùa Hè…Yêu nhau trong lo âu cũng hứa hẹn được dựng thành phim lúc cuốn sách còn là bản thảo. Sách viết về giới điện ảnh, được tác giả cấu trúc như một bộ phim nằm trong tiểu thuyết này. Nếu được dựng thành phim thì khán giả sẽ có một tác phẩm "phim trong phim" thay vì "phim trong tiểu thuyết".
Tiểu thuyết hay truyện ngắn "ăn nhau" ở chi tiết. Để đảm bảo các chi tiết trong tiểu thuyết không bị giới làm phim chê, Nguyễn Đông Thức đã nhờ người trong giới điện ảnh, như: đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà quay phim Nguyễn Trinh Hoan "giúp đỡ tư liệu, góp ý chi tiết, sửa chữa bản thảo…".
Nhà quay phim Nguyễn Trinh Hoan, cho hay: "Khi tiểu thuyết Ngọc trong đá dựng thành phim, tôi làm quay phim phụ. Còn với Yêu nhau trong lo âu, tôi làm nhà sản xuất. Tất nhiên mọi sự phải chuẩn bị rất nhiều và rất lâu để bộ phim này có thể ra đời".
Nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết ông sẽ chuyển thể Yêu nhau trong lo âu sang kịch bản điện ảnh và sẽ chỉnh sửa bối cảnh phim khác với tiểu thuyết để phù hợp với chi phí làm phim Việt hiện nay. Các nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết Yêu nhau trong lo âu có mặt ở nhiều nơi tại nước ngoài, ăn trong các nhà hàng sang trọng sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính khi làm phim nếu dựng theo nguyên tác.
Những người yêu thích dòng nhạc của Lê Uyên Phương sẽ thắc mắc tại sao tên tiểu thuyết lại lấytheo lời bài hát trong ca khúc nổi tiếng Dạ khúc cho tình nhân? Nhà văn Nguyễn Đông Thức giải thích: "Yêu nhau trong lo âu cũng là câu tôi thích nhứt trong ca khúc Dạ khúc cho tình nhân của bộ đôi ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Tôi đã thắp một nén nhang xin phép tác giả (Lê Minh Lập, 1941 - 1999) cho tôi lấy làm tựa cuốn truyện này, và trích ca từ bài hát đặt ở mỗi đầu chương. Cho thêm chút cảm xúc vậy mà".
Ngoài nhuận bút nhận được cho 1.500 cuốn in lần này, Yêu nhau trong lo âu còn nhận được tài trợ của Hội Nhà văn TP.HCM - theo nhà văn Nguyễn Đông Thức là nhiều hơn nhuận bút. Nếu được dựng thành phim, nhà văn còn nhận thêm một khoản kha khá nữa, cũng đáng công ông hoàn thành tiểu thuyết trong năm đại dịch Covid-19 vừa qua.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất