Xuân Tâm - “người thơ” cuối cùng của Thi nhân Việt Nam

24/07/2009 14:52 GMT+7 | Đọc - Xem

“Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở vườn quê
Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ”

(Trích Nghỉ hè của Xuân Tâm, in trong “Thi nhân Việt Nam”)

(TT&VH) - Sự ra đi của nhà thơ Tế Hanh khiến không ít người vội nghĩ rằng “Thi nhân Việt Nam” đã mất đi “người thơ” cuối cùng. Nhưng không phải. Còn rất may mắn cho lớp hậu sinh chúng ta, khi vẫn còn một Lời tim non thổn thức – nhà thơ Xuân Tâm. Ông đã được Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam khi còn khá trẻ với tập thơ đầu tay Lời tim non. Vinh dự là vậy, xong ông lại không có tên trong Hội nhà văn Việt Nam.

1. Dù rất quý mến và đau xót khi hay tin nhà thơ Tế Hanh “về với cõi thơ, với sông nước quê hương” nhưng nhà thơ Xuân Tâm cũng không đi viếng được. Ông năm nay đã 93 tuổi, sức lực chỉ có thể cho phép ông loanh quanh trong căn nhà nhỏ, khoảng sân nhỏ nhà mình thôi.


Nhà thơ Xuân Tâm

Sự ra đi của nhà thơ Tế Hanh đã để lại nhiều nỗi buồn trong lòng Xuân Tâm. Ông nói trong xúc động: “Tôi buồn lắm, buồn từ rất lâu rồi. Anh Tế Hanh bị bệnh lâu quá, gần mười năm anh nằm trên giường bệnh. Giả sử anh mà không bệnh nặng như thế, chắc chắn một điều là anh còn sáng tác được nhiều thơ hay. Tôi có được anh ấy tặng một tuyển tập thơ Tế Hanh. Tôi đã đọc đi, đọc lại, nhiều bài hay lắm. Có thể nói trong quá trình sáng tác, nhà thơ Tế Hanh đi rất nhiều nơi, đến nhiều nước, mỗi nơi anh tới anh đều có những bài thơ rất hay. Tôi thì không được như thế, dù cũng đi nhiều nơi, nhiều nước, nhưng có lẽ vì đi công tác nên tôi chẳng viết được gì cả”.

“Còn một cái buồn nữa – ông kể tiếp - Tôi có dịch bản Le Cid của Pierre Corneille sang tiếng Việt. Bản dịch đó tôi làm rất công phu và đã hoàn thành. Trước đó anh Tế Hanh có nói tôi đưa cho anh viết lời tựa, nhưng tiếc là tôi đã trót nhờ người khác viết trước mất rồi, nên không thể nhờ anh được nữa… Đến năm 2000 cuốn sách dịch của tôi ra đời, in tới 30.000 cuốn. Khi đó, anh Tế Hanh đã bị bệnh rồi. Tôi cầm cuốn sách đưa cho anh nhưng anh chỉ biết cầm thôi chứ không còn biết gì nữa. Nhìn anh lúc đó tôi thấy xót xa lắm…”.

Xuân Tâm và Tế Hanh, cả hai đều là những chàng trai xứ Quảng: Xuân Tâm quê ở Quảng Nam, Tế Hanh ở Quảng Ngãi. Trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, hai người cùng làm việc tại Bình Định, có nhiều thời gian gặp gỡ, tâm tình, đàm đạo về thơ phú, văn chương… Sau này, chuyển ra Bắc, lúc còn khỏe mạnh, tuần nào nhà thơ Xuân Tâm cũng đạp xe từ Thụy Khuê đến số 10 Nguyễn Thượng Hiền thăm Tế Hanh.

Ông kể: “Nhà thơ Tế Hanh là một người hiền lành, dễ thương lắm. Đặc biệt thơ anh ấy rất hay. Ngày trước, Tế Hanh không biết đi xe đạp nên mỗi lần muốn gặp Tế Hanh tôi đều phải chủ động đạp xe đến tận nhà, hầu như tuần nào cũng vậy. Gặp nhau là anh em bàn đủ chuyện, từ văn chương tới cuộc đời”.

Trong suốt cuộc đời mình, nhà thơ Xuân Tâm dành hết tâm huyết cho công việc. Thời kháng chiến chống Pháp, ông giữ chức giám đốc Sở Ngân khố liên khu Năm. Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Công việc gắn liền với những con số có vẻ khô khan nên hễ có khoảng thời gian nào ngoài công việc ông lại dành hết cho thơ. Với Xuân Tâm, nhà thơ Tế Hanh giống một người em thân thiết, một người bạn thơ đáng kính, đáng trọng và vô cùng yêu quý. Chính Tế Hanh là người khuyến khích ông làm thơ. Với ông, Tế Hanh là một kho ký ức chặt đầy kỷ niệm.

Còn về việc không có tên trong Hội Nhà văn, theo như lời ông kể thì tại Đại hội sáng lập Hội Nhà văn năm 1957, ông có tham dự nhưng không ghi tên, vì khi đó ông đang công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và công việc của một công chức bận rộn khiến ông không có thời gian nhiều dành cho thơ phú.

2. Nhà thơ Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp, sinh ngày 1/1/1916 có 5 người con. Con trai đầu là Nhà báo liệt sĩ Phan Hoài Nam, Phóng viên chiến trường của TTXVN. Theo như lời ông kể, trong số những người con của ông, chẳng ai theo văn chương cả, chỉ có liệt sĩ Phan Hoài Nam là người con hợp ông nhất vì từng viết văn xuôi, có thể “nối nghiệp văn chương” của cha.


Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng tới thăm và tặng quà nhà thơ Xuân Tâm -
bố Liệt sĩ Phan Hoài Nam, Phóng viên TTXVN. Ảnh Quốc Khánh


Ngày nhận được tin Nhà báo Phan Hoài Nam hi sinh, ông giấu vợ vì sợ bà không chịu nổi cú sốc ấy. Bản thân ông bỏ ăn suốt 6 tháng liền, mỗi lần đi làm về lại một mình lang thang, thơ thẩn… Giờ đây, những người con của ông đều đã lên chức ông, chức bà và đều thành đạt. Thế nhưng trong ông luôn thấy tiếc một điều là… giá như con trai Phan Hoài Nam của ông ngày trước có làm thơ và để lại cho ông vài bài thì quý biết mấy; chứ những tác phẩm văn chương, báo chí mà anh để lại thì ông không biết và và không giữ được bên mình một mẩu bài viết nào có chữ ký tác giả là Phan Hoài Nam...

Vẫn trong căn nhà cấp 4 ngõ 234 Thụy Khuê, vẫn những thói quen đọc báo và xem bóng đá hàng ngày cùng người bạn đời là cô nữ sinh Đồng Khánh năm nào, nhà thơ Xuân Tâm như “báu vật văn chương” còn sót lại của một thời đại thi ca. Và giữa bình dị ấy, Lời tim non vẫn còn thổn thức lắm.

Bài thơ “Viếng bạn Tế Hanh”


Bản viết tay bài thơ Viếng bạn Tế Hanh của nhà thơ Xuân Tâm

Nhe tin nhà thơ Tế Hanh từ trần, quá đau đớn và xúc động, nhà thơ Xuân Tâm đã viết một bài thơ ngắn. Ngay khi còn chưa ráo mực đã sai con mang tới đám tang. Bài thơ ngắn 4 câu là cả nỗi niềm xa xót khôn nguôi…

Già yếu không đi viếng bạn được
Ở nhà xem tuyển tập Tế Hanh thôi
Đọc thơ nhớ bạn, nhớ lắm lắm
Tình bạn, tình thơ chẳng thể nguôi.

Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm