22/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Quý Mão thuộc hành Kim cũng có thể coi 2023 là năm Mèo Vàng. Mèo du Xuân chính là lời chúc mừng bằng nghệ thuật, bằng cái đẹp của các nghệ sĩ tới công chúng. Các tác phẩm Mèo của tôi năm nay đều gắn với một trò chơi dân gian: Mèo trốn tìm, Mèo chơi ô ăn quan, Mèo trồng nụ trồng hoa, rồi thì chơi chuyền, kéo co, đánh đáo…
1. Mão là một trong 12 con vật biểu tượng của vòng tuần hoàn "thập nhị địa chi" Tí - Sửu - Dần - Mão - Thìn - Tị - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi. Những linh vật này đã là một đề tài quen thuộc trong mỹ thuật Việt từ truyền thống đến hôm nay. Từ mèo trong Đám cưới chuột của dòng tranh dân gian Đông Hồ đến những con mèo đá ở cửa chùa. Đề tài nào mà chả hay nhưng dù sao thì mỗi người đều có một tạng đề tài của mình, "một khoảng hiện thực" mà mình yêu nhất. Người thích vẽ về miền núi, người thích vẽ cuộc sống thành thị…
Đề tài con giống được nhiều họa sĩ quan tâm hơn có lẽ vì tính chất đặc biệt của nó. Đó cũng là một cái cớ hay, gợi cảm, gợi hứng cho tâm trạng giao niên, năm hết Tết đến, tiễn cũ đón mới. Đó cũng là một tục lệ đẹp của các họa sĩ mà chưa chắc các ngành nghệ thuật khác đã dễ gì có được.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đặc biệt yêu thích đề tài con giáp. Bên cạnh Điệu múa cổ, Kim Kiều, Ông Gióng thì đều đặn năm nào ông cũng có tranh con giáp. Nhà xuất bản Mỹ thuật đã in 1 cuốn riêng về tranh con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm. Gallery Apricot có một bộ sưu tập đủ 12 con giáp của ông, những Tí - Sửu - Dần - Mão… bằng bột mầu trên giấy dó đã thành đặc trưng của Nguyễn Tư Nghiêm. Trong cuốn sách nêu trên có khá nhiều tranh Mèo, Ất Mão, Kỷ Mão, Quý Mão đủ cả.
Khác với Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Nguyễn Sáng không vẽ tranh con giáp mà ông chỉ vẽ mèo, một con vật mà ông yêu thích chứ không phải vì là con vật mà ông ẩn tuổi (ông sinh năm 1923, tuổi Hợi). Nguyễn Sáng người Mỹ Tho, chất người, chất Nam Bộ khỏe khoắn, cởi mở, thẳng thắn, bộc trực rất rõ trong tạo hình của Nguyễn Sáng nói chung và tranh Mèo nói riêng. Kiệm mầu, nhiều mảng lớn, nét thô, khỏe, dứt khoát. Trong bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái duy chỉ Dương Bích Liên là không có tranh về con giáp, có lẽ ông đã bị đề tài thiếu nữ hút hồn rồi. Họa sĩ Bùi Xuân Phái thì đưa tranh con giáp thành thiệp chúc Tết, gửi tặng bạn bè dịp năm mới.
2. Năm hết tết đến, tiết Xuân đã thấp thoáng ngoài cửa, gọi cảm hứng về. Nhóm họa sĩ 39 theo lệ như mọi năm vẫn bầy cuộc vui tiễn Dần đón Mão, tiễn Đông đón Xuân.
Hạ, Thu, Đông rồi đến Xuân, lại Xuân, Xuân đáo. 4 mùa trôi chảy, cũng là cái lẽ tuần hoàn đến/đi. Đó cũng là phép màu của Thiên, Địa. 4 mùa là thời gian mà cũng là không gian, cảnh vật và lòng người mỗi mùa mỗi khác. Lòng người cũng là lòng trời đất. Thiên - Địa - Nhân hợp nhất mà. Theo quan niệm như nhất của nhà Phật thì không gian và thời gian là một. Một, Chạp, Giêng, Hai. Thực ra thì Xuân đã về từ mồng 1 tháng Một (tháng 11 Âm lịch). Ngày đầu tiên Xuân về ấy là một ngày đặc biệt, biểu tượng bằng quẻ Địa Lôi Phục, ngũ âm át nhất dương, duy chỉ có "hào sơ" là dương ở dưới cùng, 5 hào âm ở trên. Chỉ mới có một tia nắng ấm mong manh, còn thì ngập tràn vẫn là mùa Đông buốt giá. Nhưng hào dương bé bỏng ấy chính là hạt mầm, đã bắt đầu hé lộ, bắt đầu hành trình từ lòng đất đi lên để đêm giao thừa sẽ là chồi non, là nụ, là lộc.
Cổ nhân dậy: Địa Lôi Phục, nói về cái đạo quân tử trưởng, tiểu nhân tiêu. Cũng có thể hiểu mùa Xuân là đạo của những cái mới, những điều tốt lành bao giờ cũng ở xu hướng đi lên. Nếu không vậy thì làm sao có vũ trụ này, cõi nhân gian này. Có đạo nào mà lại không đẹp?
Đạo là đẹp, đẹp là Đạo. Nghệ thuật là đạo của cái đẹp, của thi ca văn chương, âm nhạc, hội họa. Tiết Xuân đã thấp thoáng ngoài cửa, gọi lòng người trở về. Với người nghệ sĩ cũng vậy, đón chờ một mùa mới, một Xuân mới, một năm mới với những ấp ủ, dự định sáng tác, những ý tưởng, những tác phẩm mới.
3. Người thì vẽ tranh Mèo, người thì làm gốm, người thì làm tượng.
Nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận góp vui bằng 5 tác phẩm điêu khắc Mèo, mỗi con một dáng vẻ nhưng tư duy tạo hình xuyên suốt: Thẩm mỹ hiện đại trên cái nền điêu khắc truyền thống của người Cơ Tu vùng Tây Giang. Thuận sinh sống ở Hội An, gần gũi và đi về Tây Giang nhiều, có lẽ vậy nên cái "chất" Cơ Tu đã ngấm và nhuyễn trong anh. Công thức truyền thống cộng hiện đại ai cũng biết nhưng làm đâu dễ. Lê Ngọc Thuận đã làm cho truyền thống điêu khắc gỗ của người Cơ Tu trở nên mới lạ, làm cho truyền thống ấy không bị đóng băng. Nó chuyển động, sống lại và sống đẹp trong đời sống hôm nay.
Anh còn có một số tác phẩm Mèo đẽo gọt từ gỗ được vớt lên từ vùng cửa sông Thu Bồn, Cửa Đại sau những trận bão lũ. Đây cũng là một ý hay, rất "Cơ Tu" vì người Cơ Tu cũng không chặt hạ cây cổ thụ theo tục lệ tôn thờ Thần rừng. Những cây gỗ ấy được tái sinh, nó không chết vì nó được sống tiếp một đời sống khác trong nghệ thuật.
Nghệ sỹ Vũ Hữu Nhung sinh ra và lớn lên ở làng gốm sành Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh, một làng gốm cổ đã 900 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp và hiện nay là giảng viên ngành Điêu khắc, khoa Trang trí nội ngoại thất của trường. Ngoài thời gian lên lớp, anh dành thời gian cho sáng tác. Những tác phẩm Mão lần này đều thực hiện trong năm nay và được chọn lọc để trưng bày tại triển lãm lần này.
Nghệ sỹ Lê Minh Trí tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Mèo của anh đều bằng gỗ phủ sơn rồi vẽ thêm các họa tiết, các miếng màu, tương phản mạnh, xanh đỏ tím vàng, thành một kiểu điêu khắc pha hội họa, điêu khắc màu. Cách tạo hình, tạo khối theo kiểu gợi, không sa vào chi tiết, khối chuyển êm, căng mọng. Hy vọng Trí có thể đi dài trên con đường con giống và không chỉ là tượng nhỏ trong nhà mà sẽ là những con giống kích thước lớn cho ngoại thất.
Nghệ sĩ Lê Đình Nguyên tham gia một tác phẩm Mèo khổ lớn, vẫn là sở trường điêu khắc động của anh, kết hợp âm thanh, ánh sáng và nước. Đẹp và lạ!
Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Quang đam mê gốm từ nhỏ. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật, đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Anh đến với triển lãm bằng bộ 3 tác phẩm Mèo đón Xuân, chất liệu gốm sành Hương Canh nước da nâu cháy thật độc đáo. Hiện nay anh có lò gốm Quang Đức ở xã Hương Canh, huyện Vĩnh Phúc.
Nghệ sĩ Hoàng Phương Liên, họa sĩ duy nhất theo đuổi chất liệu xé giấy. Các tác phẩm Mèo của chị đều là những tác phẩm mới nhất: Gia đình Mèo, Mèo trong vườn đào…tươi vui, hồn nhiên.
Các tác phẩm Mèo của tôi năm nay đều gắn với một trò chơi dân gian: Mèo trốn tìm, Mèo chơi ô ăn quan, Mèo trồng nụ trồng hoa, rồi thì chơi chuyền, kéo co, đánh đáo… Đặc điểm của trò chơi dân gian là gắn với một bài đồng dao. Mà đồng dao thì vô lý, điều đó luôn xuất hiện trong các tác phẩm của tôi. "Ông thợ nào thua thì về bú mẹ", "Cái đanh thổi lửa", "Hết quan toàn dân thu quân kéo về"… Đó cũng là lời nhắc của Mèo về giữ gìn di sản, giữ văn hóa, giữ truyền thống. Hội họa không chỉ là đẹp mắt. Hội họa còn nên là thông điệp.
Như Lê Đình Nguyên tạm bỏ Trâu, Đào Hải Phong tạm xa Phố để đến với Mèo, những gam màu tươi của phố sang mèo vẫn rực, vẫn ấm. Biết đâu sau đây Phong sẽ mở rộng mình ra với nhiều đề tài khác nữa. Tôi tin trữ lượng màu, hình trong tranh anh còn đủ dài rộng để sáng tạo.
Triển lãm Mèo du Xuân trưng bày gần 100 tác phẩm với đa dạng chất liệu như tranh, tượng, gốm, điêu khắc… của 28 nghệ sĩ, kéo dài đến hết ngày 10/1/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất