10/05/2011 11:14 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Bất chấp những tranh cãi liên miên về vấn đề chi phí và sự cần thiết phải sắm tàu sân bay, nhiều quân đội trên thế giới vẫn mua sắm tàu sân bay với một tốc độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ 2. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì?
Tàu sân bay là thứ vũ khí được nhiều nước thèm khát. Mỹ hiện có nhiều tàu sân bay hơn tất cả các nước khác cộng lại. Các quốc gia có lực lượng hải quân lớn như Anh, Pháp, Nga đều đang cân nhắc việc sắm thêm tàu sân bay. Tương tự là Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc những nước đến từ nhóm các nền kinh tế đang lên BRIC.
Công cụ khuếch trương sức mạnh
Vì sao các quốc gia này lại mê mẩn tàu sân bay tới vậy. Câu trả lời đầu tiên là do vấn đề khuếch trương sức mạnh. “Toàn bộ ý tưởng về tàu sân bay có liên quan tới khả năng đưa sức mạnh quân sự ra xa khỏi ranh giới quốc gia” - Phó Đô đốc Philippe Coindreau, chỉ huy lực lượng Hải quân Pháp đang tham chiến ở Libya kể từ ngày 22/3 nhận xét - “Một chiếc tàu sân bay vô cùng phù hợp cho những cuộc xung đột kiểu này”.
Một đội tàu chiến đấu điển hình của Mỹ, gồm tàu sân bay và rất nhiều tàu hộ tống
Lee Willett, một chuyên gia ở viện Nghiên cứu RUSI, Anh quốc, nói rằng cuộc chiến Libya đã cho các nước chưa có tàu sân bay thấy được sự hữu dụng và lợi ích của loại vũ khí này. Ông chỉ ra rằng cả Pháp và Italia, hai nước thành viên NATO nằm gần Libya nhất, đã triển khai các tàu sân bay thay vì sử dụng các căn cứ không quân trên bộ nằm gần quốc gia châu Phi. “Trên thế giới, các lực lượng hải quân lớn và chưa lớn lắm giờ đều đang tìm cách có được khả năng triển khai sức mạnh không quân từ các căn cứ di động trên biển. Họ có thể không mong trở thành các quyền lực mới của thế giới, nhưng chắc chắn họ muốn có khả năng khuyếch trương sức mạnh tới những điểm nóng mang tính khu vực”
Cuộc đua sắm tàu sân bay
Hiện không ai rõ thế giới có chính xác bao nhiêu tàu sân bay bởi sự phổ biến của các con tàu có khả năng làm nền tảng cho máy bay cất và hạ cánh, nhưng lại mang những cái tên khác nhau như tàu đổ bộ, tàu chở trực thăng, tuần dương hạm và thậm chí là khu trục hạm.
Có thể kể ra hàng tá những con tàu như thế, đơn cử là 8 tàu tấn công đường biển, đường bộ loại Wasp trọng tải 41.000 tấn của Mỹ. Các con tàu này có thể mang theo máy bay trực thăng tấn công SuperCobra, nhưng cũng có thể chứa những chiếc phản lực loại cất và hạ cánh thẳng đứng như Harrier. Tương tự là các tàu loại Mistral của Pháp, HMS Ocean của Anh, Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Các tàu này đều giống nhau về mô hình hoạt động trong vai trò một con tàu đa năng, có khả năng chở theo máy bay phản lực, trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ để đổ bộ vào nơi nào đó. Ngay cả hai tàu khu trục loại Hyuga của Nhật Bản cũng có đường băng, khiến chúng có thể trở thành tàu sân bay bất kỳ lúc nào.
Máy bay Pháp chuẩn bị rời khỏi tàu Charles de Gaulle
để không kích các mục tiêu ở Libya
Những lợi ích của tàu sân bay khiến những nước đã có nó lại muốn tăng cường thêm tàu mới và nước chưa có thì khẩn trương lên lịch mua sắm. Hải quân Mỹ đã có kế hoạch bổ sung thêm Gerald R. Ford vào năm 2015. Đây là con tàu đầu tiên trong nhóm 3 siêu tàu sân bay đời mới, với mỗi chiếc có giá 9 tỉ USD. Tương tự, Anh đang đóng hai tàu sân bay thuộc loại HMS Queen Elizabeth và Pháp đang tính đóng thêm một chiếc tàu sân bay nữa chạy năng lượng nguyên tử.
Trong khi đó Tây Ban Nha và Italia mới bổ sung thêm vào trang bị của họ hai chiếc tàu sân bay. Còn Trung Quốc và Ấn Độ đang trong quá trình mua các tàu sân bay được sản xuất dưới thời Liên Xô cũ để tân trang lại và sử dụng. Cả hai nước này cũng có những chương trình đóng tàu sân bay nội địa riêng. Nga có kế hoạch hiện đại hóa tàu sân bay Admiral Kuznetsov trong năm tới để kéo dài thời gian hoạt động của nó vào sau năm 2030 và họ cũng đang lên lịch mua các tàu loại Mistral của Pháp.
Những chú voi trắng cũng có thể bị “làm thịt”
Nhưng liệu việc các nước đổ xô mua tàu sân bay có phải là hành động khôn ngoan? Nhiều chuyên gia quân sự lâu nay đã bàn luận về sự thích hợp của tàu sân bay, với một số người cho nó chỉ là tàn tích còn sót lại từ thời Chiến tranh lạnh. “Điều nhiều nước không nhận ra là việc duy trì các hoạt động quân sự ở trên biển vô cùng phức tạp” - Hughes nói - “Người ta cũng sẽ phải chi tiêu rất nhiều tiền để có được khả năng triển khai các máy bay phản lực cánh cố định như Hải quân Mỹ và Pháp hiện nay”.
Một số nhà phê bình nói rằng mô hình các căn cứ không quân di động trên biển kiểu tàu sân bay hiện đã lỗi thời. Họ nói rằng các vũ khí đối hạm hiện đại có thể biến tàu sân bay thành những chú voi trắng, nói một cách khác là chúng quá đắt đỏ và người ta không muốn chúng bị tiêu diệt trong chiến tranh.
Ngoài ra, trong khi “những chú voi trên biển” này, vốn được trang điểm bằng hàng loạt máy bay phản lực tối tân và đội tàu hộ tống khổng lồ, trông có vẻ bất khả chiến bại khi tham chiến nhưng thực tế từ sau Thế chiến thứ 2, chúng chủ yếu tham chiến với các đối thủ dưới cơ, yếu hơn. Chúng chưa từng đối mặt với những nước có hải quân mạnh, với vũ khí bao gồm tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay, siêu ngư lôi và tên lửa hành trình siêu âm.
“Công nghệ mới xuất hiện khiến việc tấn công tàu sân bay ở cự ly lớn trở nên dễ dàng hơn” - Benjamin Friedman, một nhà nghiên cứu ở Viện CATO có trụ sở ở Washington đánh giá - “Các công nghệ tấn công này luôn tiến nhanh hơn công nghệ phòng thủ và tôi nghĩ trong vài thập kỷ tới rất có thể sẽ chẳng còn ai muốn sắm tàu sân bay nữa”.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất