Thế giới choáng váng vì cuộc giải cứu con tin ở Algeria

19/01/2013 07:54 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - 60 con tin đã được liệt vào diện mất tích hôm 18/11, khi quân đội Algeria tấn công một nhà máy khai thác khí đốt ở đây nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng con tin đã diễn ra trước đó không lâu. Tuy nhiên nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ sự quan ngại.

Sự quan ngại không chỉ bởi khả năng có nhiều con tin bị giết, mà còn vì chính quyền Algeria xử lý cuộc khủng hoảng trong một bức màn bí mật, với ít sự hợp tác với các quốc gia liên quan.

Hãng tin Reuters cho biết khoảng 60 con tin nước ngoài vẫn bị giam cầm hoặc đã mất tích bên trong một nhà máy khai thác khí đốt ở Algeria, dù cho lực lượng an ninh đã tấn công nhà máy để giải cứu các con tin.

Algeria không thỏa hiệp

Trước đó một hôm, 30 con tin, gồm nhiều người phương Tây, đã bị giết trong vụ tấn công. Ít nhất 18 kẻ bắt cóc con tin cũng bị tiêu diệt.

Theo Thủ tướng Anh David Cameron, những người bị mất tích gồm có 10 công dân Nhật Bản, 8 công dân Na Uy và khoảng gần 30 người Anh. Mỹ cũng thông báo việc có một số công dân bị bắt làm con tin. Các hãng tin Algeria thì cho biết hơn một nửa trong số 132 con tin nước ngoài đã được giải cứu. Tổng cộng quân đội đã cứu được 650 con tin, với 573 trong số đó là người Nigeria.

Màn giằng co bắt đầu khi các tay súng tự gọi mình là “Tiểu đoàn máu” tổ chức tấn công nhà máy khí đốt In Amenas ở tỉnh Illizi, miền Nam Algeria. Một nhân chứng thoát ra khỏi nhà máy nói rằng các tay súng có vẻ như hiểu rất rõ về tổ hợp nhà máy và đã sử dụng ngôn ngữ của những người Hồi giáo cực đoan.

"Các tay khủng bố nói với chúng tôi ngay từ đầu rằng họ sẽ không gây hại tới người Hồi giáo mà chỉ quan tâm tới người Thiên Chúa giáo và dân ngoại đạo" - một người may mắn thoát chết tên Abdelkader, 53 tuổi, cho Reuters biết - "Họ muốn giết những con người đó".

Sau khi kiểm soát được nhà máy, những kẻ bắt cóc thông báo chúng bắt con tin để gây sức ép buộc Pháp phải lập tức dừng chiến dịch quân sự chống lại các tay súng Hồi giáo nổi dậy ở Mali. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lập tức phản ứng lại, nói rằng màn bắt cóc con tin cho thấy ông đã đúng khi gửi 1.000 lính tới Mali để hỗ trợ lực lượng quân sự Tây Phi đang ủng hộ chính quyền Mali.

Một phát ngôn viên của chính quyền Algeria đề nghị giấu tên cho báo chí biết rằng việc chính quyền thể hiện thái độ cứng rắn với các chiến binh cho thấy đất nước này sẽ không "thỏa hiệp" hoặc bị khủng bố "gây áp lực".

Nhà máy khí đốt, nơi diễn ra vụ bắt cóc con tin tồi tệ

Các nước quan ngại

Song các nước có công dân bị bắt làm con tin đã tỏ ra phẫn nộ khi biết Algeria quyết định tiến hành vụ đột kích mà không tham vấn họ.

Nhật Bản đã triệu đại sứ Algeria tới để thể hiện sự phản đối của nước này. Trong khi đó Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi người đồng cấp ở Algeria hành động thận trọng.

Ông Cameron hôm 18/1 đã thực hiện nhiều cuộc gọi tới cho Thủ tướng Abdelmalek Sellal, nói rằng "Anh và các quốc gia liên quan nên được tham vấn trước khi Algeria thực hiện bất kỳ hành động gì". Ông đề nghị hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tình báo cho cuộc khủng hoảng, bao gồm việc điều tới các chuyên gia thương thảo và giải cứu con tin. Mỹ cũng đề nghị điều tới một đội giải cứu con tin. Nhưng Algeria đã từ chối đề nghị này.

Các chuyên gia nói rằng họ không ngạc nhiên khi Algeria quyết định tự ý hành động. "Người Algeria rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền của họ" - Nigel Inkster, cựu quan chức tình báo và là chuyên gia chống khủng bố ở tổ chức tư vấn Chatham House đánh giá - "Tôi không nghĩ rằng họ sẽ cân nhắc hoặc chấp nhận bất kỳ lời khuyên hoặc sự trợ giúp nào từ bên ngoài".

Giới quan sát cũng tin rằng sự phản ứng của các nước với hành động của Algeria sẽ rất hạn chế, bởi quốc gia Bắc Phi này có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngoài ra, Algeria còn là một nhà sản xuất dầu khí lớn.

Bằng chứng là hôm 18/1, ông Cameron đã thận trọng khi nói rằng Anh sẽ "sát cánh cùng nhân dân Algeria trong cuộc chiến chống các lực lượng khủng bố". Phát ngôn viên của ông là Jean-Christophe Gray thì nói rằng "đây là chủ quyền lãnh thổ của Algeria và nước này có quyền làm những gì họ thấy là phù hợp. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi đã nói rõ rằng mình có thể cung cấp sự trợ giúp và họ vẫn chưa chấp nhận điều này".

Dấu hỏi về an ninh

Việc các tay súng dễ dàng băng qua sa mạc để kiểm soát một cơ sở năng lượng quan trọng, vốn sản xuất tới 10% lượng khí tự nhiên mà Algeria đã dựa vào để có nguồn thu ngoại tệ, đã gây ra nhiều dấu hỏi về công tác an ninh ở Algeria, từng được xem là rất mạnh.

"Đây là sự kiện vô cùng bẽ mặt với chính quyền" - Azzedine Layachi, một nhà khoa học chính trị tại Đại học St John ở New York nhận xét - "Trái tim của nền kinh tế Algeria nằm ở phía Nam, nơi các giếng dầu khí nằm ở đó. Để nhóm chiến binh tấn công vào đó, bất chấp việc đất nước có lực lượng an ninh mạnh, là chuyện rất lớn".

Vụ tấn công cũng được một số người xem là bước ngoặt nguy hiểm ở Algeria. Các chiến binh ở nước này từng bắt cóc du khách nước ngoài dọc theo khu vực phía Bắc và phía Tây châu Phi. Nhưng một vụ tấn công lớn và tinh vi như lần này là trường hợp đặc biệt, có thể đánh dấu sự thay đổi của các chiến binh sang một chiến lược mới.

"Có rất nhiều cơ sở khai thác dầu khí tại sa mạc của Algeria và chưa từng có sự kiện nào như thế này diễn ra trong mấy năm trước" - Graham Hand, cựu đại sứ Anh ở Algeria nói.

Theo Inkster, các chính quyền giờ sẽ phải "suy nghĩ rất lâu và sâu sắc" về việc phản ứng ra sao với vụ tấn công bắt giữ con tin. Họ cũng phải xem xét việc Algeria ít hợp tác với các nước khác trong cuộc khủng hoảng. "Người ta sẽ phải tìm cách nào đó để duy trì một mối quan hệ phù hợp hơn với Algeria vì các lý do kinh tế, cũng như các lý do liên quan tới an ninh và địa chính trị" - ông nói.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm